Giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa Đông xuân 2008-2009

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích lúa Đông xuân hàng năm từ 7.000 ha – 9.000 ha với những đặc trưng như sau:

- Sản xuất tập trung tại huyện Củ Chi (vùng sử dụng nước kênh đông, vùng ven sông Sài Gòn) và 1 phần huyện Hóc Môn, quận 9.

- Thời vụ xuống giống chủ yếu từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 1 năm sau để thu hoạch trong tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm tránh các đợt rầy di trú lớn trong năm và cũng để tránh ngập nước vào đầu vụ và thiếu nước ở cuối vụ.

- Có khoảng trên 20 giống lúa được gieo trồng trong vụ và chỉ có từ 3-5 giống có diện tích gieo trồng > 10%.

THỜI VỤ ĐÔNG XUÂN 2008-2009

- Nguyên tắc chung để sắp xếp thời vụ là ngoài các yếu tố tự nhiên của vùng sản xuất cần phải thực hiện được các tiêu chí sau:

+ Không có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng.

+ Giữa các vụ sản xuất nên có thời gian giãn cách ít nhất 2 - 3 tuần.

+ Thời gian xuống giống của một vụ lúa trong huyện (quận) không vượt quá 2 tháng.

- Thời vụ chính xuống giống lúa Đông Xuân 2008-2009 được đề nghị như sau:

+ Vùng sử dụng nước kênh Đông và vùng sử dụng nước mưa:

* Đợt tháng 11/2008: từ 20/11/2008 đến 05/12/2008 (từ 23/10 đến 09/11 âm lịch).

* Đợt tháng 12/2008: từ 25/12/2008 đến ngày 10/01/2009 (từ 29/11 đến 15/12 âm lịch

+ Vùng thấp và vùng chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông

* Không xuống giống trong tháng 11/2008 để không bị ngâm, ngập do thủy triều và xả lũ của hồ Dầu Tiếng.

* Xuống giống đợt tháng 12/2008: từ 25/12/2008 đến ngày 10/01/2009 (AL 29/11 đến 15/12).

Lưu ý: Thời điểm xuống giống của từng cánh đồng, từng khu vực phải có thời gian cách ly tối thiểu giữa vụ mùa và vụ Đông Xuân 2008-2009 là 15-20 ngày và từ 1-3 ngày sau khi RN trưởng thành vào đèn rộ.

GIỐNG LÚA ĐÔNG XUÂN 2008-2009

Nguyên tắc

- Trước hết là loại bỏ hẳn trong cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2008-2009 những giống lúa sau đây: IR 50404 và OM 576.

- Mỗi địa phương hoặc mỗi tiểu vùng sinh thái cần bố trí bộ giống cho sản xuất gồm 3-4 giống chủ lực và 3-4 giống bổ sung có triển vọng.

- Không sử dụng một giống lúa nào với tỉ lệ lớn hơn 20% trong từng cánh đồng, từng vùng hay từng vụ sản xuất.

Bộ giống lúa được Cục Trồng Trọt khuyến cáo sử dụng tại Thành phố

- Giống chủ lực: OMCS 2000, VNĐ 95-20, OM 5930, IR 59606, ML 48, ML 202, VNĐ 99-3,...

- Giống bổ sung: TH6, IR 64, TH 41,….

- Giống triển vọng: OM 4900, OM 4668, 0M 4088, MTL 499,...OM 6035, OM 4088, MTL 499,...

Lượng giống

Tùy vào chân đất, chất lượng hạt giống và phương pháp gieo sạ mà định lượng giống sử dụng:

- Đối với sạ hàng: từ 70-100 kg/ha/vụ.

- Đối với sạ lan : từ 90-120 kg/ha/vụ.

PHÂN BÓN

SINH VẬT HẠI LÚA

RẦY NÂU (RN)

- Dự báo các đợt RN di trú:

+ Đợt tháng 12/2008: từ ngày 26-31/12/2008 là thời điểm lúa mùa của Việt Nam và Campuchia thu hoạch đại trà.

+ Đợt tháng 1/2009: từ ngày 22-29/1/2009.

- Biện pháp phòng trừ RN di trú:

+ Để bảo vệ cây lúa non, khi RN trưởng thành bắt đầu vào đèn, cho nước ngập đọt lúa vào ban đêm (từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau), ban ngày tháo nước ra cho lú đọt lúa lên khỏi mặt nước. Duy trì liên tục 3-4 đêm, đến khi không thấy RN trưởng thành vào đèn nhiều thì quản lý nước theo phương pháp bình thường.

+ Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày tuổi: nếu phát hiện RN di trú xuất hiện thì phun thuốc trừ rầy ngay. Thời điểm phun tốt nhất vào lúc RN di trú vào đèn nhiều nhất.

Biện pháp trừ rầy ruộng nhiễm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá (VL-LXL)

- Giai đọan lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu phát hiện rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc trừ rầy.

- Giai đọan từ sau 20 ngày đến trổ chín: nếu phát hiện rầy ở tuổi 1-3, hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số trong ruộng với mật số từ 3 con/dảnh trở lên thì phun thuốc trừ rầy.

Biện pháp trừ rầy ruộng lúa không nhiễm bệnh VL-LXL

- Giai đọan lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu phát hiện rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc trừ rầy.

- Giai đọan từ sau 20 ngày đến trổ chín phun thuốc trừ rầy cần dựa vào kết quả phân tích hệ sinh thái ruộng lúa:

+ Tỷ lệ rầy nâu/thiên địch: 5-7 rầy/0 thiên địch.

+ Tuổi rầy phổ biến: tuổi 2, tuổi 3.

BỆNH VÀNG LÙN – LÙN XOẮN LÁ
Quần thể ruộng lúa bị bệnh ngả màu vàng, chiều cao cây lúa không đồng đều
Dự báo:

+ Bệnh VL-LXL vẫn còn là dịch hại chính do các đợt RN di trú vào cuối vụ mùa mang mầm bệnh lan truyền sang vụ Đông Xuân.

+ Điều tra phát hiện sớm bệnh VL-LXL trên các trà Đông Xuân xuống giống trước ngày 30/12/2008 (500 ha)

Biện pháp xử lý lúa nhiễm bệnh:

+ Lúa bị nhiễm giai đoạn đòng - trổ - chín nhưng còn có khả năng cho năng suất, theo dõi RN nếu thấy RN xuất hiện phải phun xịt diệt rầy, nhổ vùi cây lúa bị bệnh.

Lưu ý việc nhổ vùi cây lúa nhiễm bệnh nên thực thực hiện sớm để khi bón phân bụi lúa lân cận sẽ đâm thêm chồi bù vào bụi lúa đã nhổ bỏ và như thế năng suất không bị giãm đáng kể.

+ Lúa nhiễm nặng không có khả năng cho năng suất, tổ chức tiêu hủy bằng cày vùi hoặc cắt sát mặt đất (đối với vùng đất không chân hoặc lầy thụt) để tiêu huỷ mầm bệnh trên gốc rạ, lúa chét và hỗ trợ nông dân.

BỆNH ĐẠO ÔN

Dự báo:

+ Cuối tháng 12/2008 – tháng 1/2009, thời tiết lạnh dần, sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng yếu sẽ rất thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển, vào thời điểm đó trà lúa Đông Xuân gieo sạ trong tháng 11 đang giai đoạn đòng và trà lúa gieo sạ cuối tháng 11 vào giai đoạn đẻ nhánh rất phù hợp cho bệnh gia tăng diện tích nhiễm và mức độ hại.

+ Bệnh có thể phát sinh mạnh trên các giống nhiễm, đặc biệt là OM 3536, Trâu nằm, VD20, ST3, OM 1490, IR 65 610,....

Cần lưu ý bệnh đạo ôn cổ bông vào cuối vụ nhất là tại các ruộng bị nhiễm đạo ôn lá.

Biện pháp phòng trừ

+ Gieo trồng các giống lúa chống bệnh thích hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

+ Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ quanh bờ trừ dịch hại, đốt tàn dư sau khi thu hoạch, cày vùi sâu. Khử trùng hạt giống trước khi gieo sạ bằng thuốc Copper B, Rovral với liều lượng 5 gr/giạ.

+ Có thể sử dụng một số thuốc đặc trị bệnh đạo ôn như Beam, Fuji – one, Tilt…

+ Khi bệnh phát sinh, kết hợp với sử dụng thuốc nên cho thêm nước vào ruộng và ngưng bón phân đạm, không phun phân bón hoặc chất kích thích sinh trưởng.

SINH VẬT HẠI KHÁC

- Ốc bươu vàng vẫn là dịch hại thường xuyên trong ruộng lúa và ốc chỉ gây thiệt hại nặng ở ruộng lúa dưới 10 ngày tuổi, nếu có mật độ 5-7 con/m2.

Các khu vực chịu ảnh huởng thuỷ triều và vùng sử dụng nước kênh Đông là những khu vực sẽ bị ốc tấn công và gây hại, tập trung ở huyện Củ Chi.

- Lưu ý sự xuất hiện gây hại cục bộ của sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié và bệnh đốm vằn.

BỆNH SINH LÝ

Trên đồng ruộng cũng thường xuất hiện một dang bệnh khác có triệu chứng gần giống với triệu chứng bệnh vàng lùn đó là triệu chứng do lúa bị ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn.

- Ngộ độc phèn tại các vùng có nước hoặc thiếu nước, có váng vàng trên mặt đất hoặc trên mặt nước, bám vào gốc lúa.

- Ngộ độc hữu cơ tại các ruộng đất ngập nước quanh năm, rơm rạ bị cày vùi không phân hủy được và việc gieo sạ tiến hành ngay sau khi thu hoạch vụ trước.

NGỘ ĐỘC PHÈN

Mức độ xuất hiện

- Xuất hiện đều khắp trên ruộng.

- Ruộng có nước hoặc thiếu nước, có váng vàng trên mặt đất hoặc trên mặt nước, bám vào gốc lúa.

Những triệu chứng ngộ độc phèn

- Lá bị vàng và cháy khô ở chóp lá.

- Bẹ lá lúa bình thường hoặc có màu vàng xỉn màu.

- Chiều cao bụi lúa hơi lùn hơn bình thường. Tuy nhiên lùn đồng đều cả ruộng.

- Số chồi trong bụi giảm. Trông ruộng lúa có vẻ thưa thớt hơn bình thường.

- Gốc bụi lúa có màu vàng xỉn màu.

- Bông lúa

+ Tình trạng nặng, bông bị lép nhiều.

+ Tình trạng nhẹ, gia tăng số hạt lúa cận cuống gié bị lép (lép cây)

- Rễ lúa bị vàng nâu. Vuốt trên ngón tay thấy nhám.

Cách phòng

- Lúc làm đất trước khi sạ cần đánh rãnh phèn để tháo xả phèn khi cần thiết

- Nếu nằm trong vùng đất nhiều phèn, phải mương phèn chung quanh ruộng để ém phèn lúc tháo nước cho khô đất giữa vụ.

- Sau khi tháo khô giữa vụ và cho nước vào xong, cần theo dỏi rễ lúa xem có bị phèn hay không. Nếu có, thì rải 100 - 200 kg vôi bột /ha.

Cách trị

- Ngưng bón phân đạm (NPK, DAP hoặc urê)

- Tháo nước phèn ra khỏi ruộng (xả phèn).

- Rải vôi bột cho ruộng, 200 kg /ha.

- Cho nước ngoài kinh rạch vào (thay nước).

- Phun phân bón lá Hydrophos (giàu P).

- Sau 3 ngày quan sát rễ lúa. Nếu có đâm rễ trắng ra là lúa đã phục hồi. Có thể bón phân bình thường.

Lưu ý Nếu ruộng không thể tháo nước phèn ra được thì thực hiện: rải 200 kg vôi bột /ha và phun phân bón lá Hydrophos.

NGỘ ĐỘC HỮU CƠ

Đất ngập nước quanh năm, rơm rạ bị cày vùi không phân huỷ được và việc gieo sạ tiến hành ngay sau khi thu hoạch vụ trước sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc chất hữu cơ trên ruộng lúa. Sự ngộ độc này nặng hay nhẹ còn tuỳ thuộc vào lượng rơm rạ của vụ trước vùi vào trong đất là bao nhiêu.

Triệu chứng chủ yếu và dễ nhận biết của hiện tượng ngộ độc hữu cơ là cây lúa không phát triển, cây lùn, ít đẻ nhánh, các lá bị vàng xỉn màu, lá không có khuynh hướng xòe ngang mà dựng đứng lên, trên lá có vết bệnh đốm nâu hoặc lá có màu vàng.

Triệu chứng đặc trưng là rễ lúa bị đen và có mùi thối khi nhổ cây lúa lên, rửa sạch rễ và quan sát thấy: Rễ bị thối đen.

Để phòng và khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Nên giãn thời vụ xuống giống lúa để có thời gian cho rơm, rạ kịp phân hủy thành chất hữu cơ dễ tiêu, tốt nhất là nên cấy 2 vụ lúa xen với 1 vụ màu bằng cây bắp hoặc các cây họ đậu (đậu xanh, đậu…) mà vẫn bảo đảm mức thu nhập.

- Nên cắt rạ, thu gom rơm tập trung để đốt hoặc ủ phân, cũng có thể xuống giống ngay sau khi làm đất, nhưng để bảo đảm cho lúa không bị ngộ độc chất hữu cơ nên để đất trống ít nhất 2 tuần trước khi xuống giống.

- Trong trường hợp cày vùi gốc rạ với khối lượng lớn trên mặt ruộng, nên để đất trống 3 tuần mới có thể gieo sạ. Song để tránh mất đạm, nên cày vùi rạ rơm trong 1-2 tuần, cho nước ngập 2 tuần, sau đó tháo nước rồi lấy nước mới vào đánh bùn trục. Nếu thời gian xuống giống vụ mới phải tiến hành quá gấp thì hiện tượng ngộ độc chất hữu cơ trên cây lúa sẽ xảy ra.

- Đối với các ruộng lúa đang bị ngộ độc hữu cơ, trước tiên cần tháo hết nước ở ruộng để cho ruộng khô nứt chân chim, cho đất thông thoáng nhả bớt khí độc CO2, sử dụng phân bón qua lá kahumat, hydrophos… có hàm lượng lân cao, tháo nước mới vào và làm cỏ sục bùn.

Trong điều kiện lúa không bị rầy nâu tấn công thì nên tháo nước cho mặt ruộng khô nứt chân chim vài ngày rồi lại đưa nước mới vào theo chu kỳ 3-4 lần/vụ sẽ hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ rất cao. Trong thời gian này cần ngừng bón đạm. Chờ 6-7 ngày sau, nhổ cây lúa lên thấy ra rễ mới có màu trắng là đã cứu lúa thành công. Tiếp tục bón phân chăn sóc lúa bình thường./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 9,951,938
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây