Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh
Một số biện pháp phòng bọ trĩ hại cây bưởi giai đoạn ra hoa
Thứ năm - 07/11/2024 20:56
Với ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc và cho quả gần như quanh năm, diện tích trồng bưởi chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm cây ăn quả tại Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích trồng bưởi năm 2023 của Thành phố đạt khoảng 350 ha. Ở giai đoạn ra hoa, đậu quả, cây bưởi rất mẫn cảm với các loài sinh vật gây hại trong đó đáng kể là bọ trĩ (tên khoa học là Scirtothrips dorsalis Hood). Để phòng trừ bọ trĩ gây hại trên cây bưởi nhà vườn cần lưu ý nhận diện kịp thời bọ trĩ gây hại và thực hiện một số phòng trừ. 1. Đặc điểm hình thái và sinh học của bọ trĩ Đặc điểm hình thái: Bọ trĩ trưởng thành có màu nâu đen và kích thước rất nhỏ khoảng 1 - 1,1 mm, cánh hẹp, thon dài, phía hai bên rìa cánh có nhiều lông nhỏ. Trứng của bọ trĩ có hình bầu dục, màu trắng trong lúc mới đẻ, về sau màu trắng ngà, trứng sắp nở màu trắng đục. Ấu trùng bọ trĩ không có cánh nhưng có râu, trên râu có 7 đốt. Nhộng của bọ trĩ màu vàng sậm, mắt nhỏ có màu đỏ, mắt kép, râu đầu ngắn, xuất hiện mầm cánh. Đặc điểm sinh học: Vòng đời của bọ trĩ khoảng 15 – 20 ngày trải qua các giai đoạn bao gồm trứng, nhộng, ấu trùng và trưởng thành. Bọ trĩ trưởng thành và ấu trùng thường sinh sống và gây hại trên cánh hoa, đài hoa, nụ hoa, cuống hoa, lá non và quả non cây bưởi. Bọ trĩ thường ít bay xa, hoạt động mạnh vào chiều mát hoặc sáng sớm. Khi bị khua động, bọ trĩ thường tránh sang hoa hoặc lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất. 2. Triệu chứng gây hại trên cây bưởi Bọ trĩ trưởng thành và ấu trùng hút dinh dưỡng từ lá non, hoa và quả non làm cánh hoa bị táp, nhanh rụng, tỷ lệ đậu quả thấp. Trái non bị bọ trĩ gây hại thường bị biến màu, cong queo, dị dạng. Trên trái bưởi bị bọ trĩ gây hại có những mảng xám hoặc phần lồi màu bạc tập trung quanh lá đài. Khi mật độ bọ trĩ tăng cao, chúng có thể gây hại cả những trái bưởi đã lớn làm giảm giá trị thương phẩm. 3. Biện pháp phòng trừ: + Kiểm tra thường xuyên tình hình dịch hại trong vườn có biện pháp quản lý thích hợp. + Dọn sạch cỏ dại, tiêu hủy tàn dư thực vật và những hoa, trái bưởi bị rụng hoặc bị bọ trĩ gây hại nặng. Tỉa cành không có khả năng tạo quả; cắt bỏ cành, chồi lộc không cần thiết để hạn chế nguồn thức ăn của bọ trĩ. + Chủ động nước tưới trong vườn vào mùa khô để cây bưởi sinh trưởng tốt. Thường xuyên nạo vét hệ thống thoát nước để không xảy ra ngập úng hoặc đọng nước cục bộ trong vườn. Có thể dùng nước tưới phun lên tán cây để hạn chế mật độ bọ trĩ trong vườn. + Dùng phân hữu cơ hoai mục, bón phân cân đối cho cây sinh trưởng phát triển tốt để chống chịu với bọ trĩ gây hại. + Đặt trong vườn bưởi các loại bẫy dính côn trùng màu vàng hoặc màu xanh để trừ bọ trĩ gây hại. + Bảo vệ và phát triển quần thể thiên địch của bọ trĩ trong vườn bưởi như bọ rùa, nhện, bọ xít… + Khi mật số bọ trĩ trong vườn tăng cao đe dọa đến hiệu quả kinh tế, có thể phun thuốc bảo vệ thực vật khi cây bắt đầu ra nụ hoa và sau khi hoa rụng 15 ngày để phòng trừ. Có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Spinetoram, Cyantraniliprole + Pymetrozine, Emamectin benzoate…để phòng trừ bọ trĩ trên cây bưởi. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bọ trĩ trên cây bưởi, nhà vườn nên sử dụng luân phiên các nhóm thuốc có hoạt chất khác nhau giữa các lần phun hoặc các vụ để tăng hiệu quả phòng trừ và hạn chế khả năng kháng thuốc của bọ trĩ. Chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành có cập nhật hằng năm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện theo nguyên tắc bốn đúng bao gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.