Thời của nông nghiệp 4.0

Thứ ba - 05/11/2019 03:06
I. Chúng ta nhớ đến Nông nghiệp 1.0 từ đầu thế kỷ 20. Khi đó nông dân thế giới đã đủ sức nuôi sống toàn nhân loại nhưng hầu như phải cần đến 1/3 dân số với số lượng quá đông các nông hộ tham gia vào quá trình sản xuất nguyên liệu.

Sang đến Nông nghiệp 2.0 với sự nổi bật của cuộc Cách mạng Xanh, mở đầu bằng việc tạo ra loại lúa mỳ lùn cho năng suất cao vượt trội (từ những năm 1950). Đi kèm với việc thay đổi các giống cây trồng là việc dùng nhiều hơn các loại phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.

Rồi đến Nông nghiệp 3.0 bắt đầu từ những năm 1990 với việc ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS. Các cảm biến điện tử (sensor) đã cho phép nhận biết được chế độ dinh dưỡng, ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ một cách tự động để giúp nông dân điều chỉnh chế độ canh tác một cách hợp lý.

Nền Nông nghiệp 4.0 cũng như Công nghiệp 4.0 khởi đầu ở nước Đức. Bắt đầu xuất hiện các khái niệm Nông nghiệp thông minh, Canh tác số hoá, Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp sinh thái… Thông tin ở dạng số hoá được áp dụng cho các quá trình sản xuất cũng như với các đối tác bên ngoài đơn vị sản xuất.

Việc truyền dữ liệu một cách tự động qua mạng Internet tạo điều kiện quản lý lớn các số liệu và kết nối nội bộ đơn vị sản xuất với các đối tác bên ngoài. Việc ứng dụng robot trong nông nghiệp đã thay thế cho sức lao động của con người tại nhiều thao tác nông nghiệp. Dựa trên các hệ thống thiết bị số hoá, con người có thể đưa ra các quyết định khách quan và chính xác để điều chỉnh sự phát triển của cây trồng và vật nuôi (kể cả trong thuỷ sản và lâm nghiệp).

Ngày càng có nhiều đơn vị sản xuất trong nhà với hoạt động của đèn LED và các bảng tế bào quang điện và pin điện mặt trời. Đã xuất hiện các thiết bị bay không người lái (Drones) để bón phân và rải thuốc bảo vệ thực vật. Ngày càng có nhiều ứng dụng Thuỷ canh (Hydroponics) và Khí canh (Aeroponics) đối với nhiều loại cây trồng. Các cây trồng chuyển gen (GMC) và vật nuôi chuyển gen (GMO) đã chiếm tỷ lệ cao ở nhiều nước trên thế giới.

Người ta đã khẳng định đây là một thành tựu lớn về công nghệ sinh học và tất cả các nước có nền khoa học tiên tiến cũng như các nước đông dân đã mạnh dạn áp dụng để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi mà không còn e ngại gì về tính an toàn đối với sức khoẻ con người.

Công nghệ tài chính phục vụ trang trại (Farm Fintech) được áp dụng chung cho số đông các công ty tài chính với việc tận dụng công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm nâng cao hiệu suất của các hoạt động ngân hàng (vay mượn, thanh toán, bảo hiểm…).

Người ta đưa ra khái niệm Nông nghiệp 4.0 là hàm số của các tập hợp Nông nghiệp thông minh, Công nghệ thông minh, Thiết kế thông minh và Doanh nghiệp thông minh. Sự tăng trưởng của Nông nghiệp 4.0 là sự tiến triển nhanh chóng theo hàm số mũ chứ không phải theo tốc độ tuyến tính!

II. Nông nghiệp Việt Nam trong năm qua đã chứng kiến khá nhiều những tiến bộ vượt trội. Lần đầu tiên xuất khẩu rau, củ, quả đứng ngôi đầu bảng trong nhóm ngành hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam khi đạt mức kim ngạch xuất khẩu tới 23,66 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm, vượt xa kim ngạch xuất khẩu gạo (một trong những ngành xuất khẩu chủ lực truyền thống).

Xuất khẩu rau, củ, quả trong 11 tháng đã đạt đến 3,16 tỷ USD. Trong đó, riêng trái cây chiếm gần 74% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, với 29 loại trái cây được xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức, Australia, Hàn Quốc… với các mặt hàng chủ đạo như thanh long, nhãn, dưa hấu, xoài….

Nông dân Trịnh Xuân Mười đã sang Úc đưa về được gống bơ Úc chất lượng cao và có khả năng xuất khẩu. “Vua bơ” này đang mạnh dạn giúp các tỉnh Tây Nguyên dùng cây bơ làm cây che bóng cho cà phê thay cho cây muồng trước đây.

(Trồng dưa chuột theo VietGAP)

Về chăn nuôi, mặc dầu gặp khó khăn lớn về việc đột nhiên nghẽn đường xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc nhưng cũng đã chứng kiến nhiều tiến bộ khoa học đáng kể. Đó là, đã có thể đảm bảo 100% giống lợn trong nước với chất lượng tốt nhất của thế giới. Việt Nam đã nhập khoảng 7.400 con lợn cụ kị của các nước phát triển như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp…

Kỹ sư Nguyễn Thanh Quang đã thành công trong việc tự sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguồn đạm lấy từ ốc bươu vàng, giun quế và nguồn vitamin từ bột tảo xoắn, thay thế hoàn toàn cho việc mua thức ăn hỗn hợp. Các tập đoàn đại gia súc của Việt Nam đã chủ động gần như được cơ bản về giống và công tác thụ tinh nhân tạo. Đã ngăn chặn khá tốt các chất cấm và bước đầu đưa kháng sinh vào diện quản lý chặt chẽ trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.

Thủy sản vẫn chứng tỏ là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của nông nghiệp khi có đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành. Việc xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản trong nước cũng như uy tín của thủy sản Việt Nam, mức tăng trưởng dương của kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho thấy nỗ lực lớn của toàn ngành. Trong đó, tôm và cá tra vẫn là hai mặt hàng chính của thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể với các biện pháp thâm canh cao và duy trì phát triển tốt.

Việc khai thác xa bờ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có sự chuyển biến tốt. Trong đó đáng chú ý là chuỗi giá trị khai thác cá ngừ bước đầu được hình thành. Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản được triển khai mạnh và đã phát huy hiệu quả như chương trình đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép, cải hóa nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, Nghị định 89; chương trình hỗ trợ nhiên liệu cho khai thác xa bờ theo Quyết định 48...

III. Chương trình “Sinh ra từ làng” trên VTV tiếp tục nêu gương nhiều chục tỷ phú nông dân. Đó là Vua bơ Trịnh Xuân Mười, Vua quả có múi không hạt Lê Văn Xê, Vua máy cuộn rơm rạ Phan Tấn Bện, Vua cá chép giòn Nguyễn Thế Phước, Vua sầu riêng Nguyễn Ngọc Trung, Vua nấm Vân Chi Nguyễn Trường Giang, Vua tảo xoắn tươi Lê Phạm Tân, Vua phong lan Phạm Văn Đoan, Vua hồ tiêu Nguyễn Thanh Tịnh, Vua cao su Trịnh Đình Cây, Vua đánh bắt xa bờ Nguyễn Văn Ái, Vua gà Nguyễn Thị Thêu, Vua ếch Nguyễn Văn Nữa… và còn biết bao Vua tỷ phú nữa trên khắp mọi miền đất nước.

Năm 2018 nông nghiệp nước ta phải phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và sản xuất lớn. Tăng trưởng GDP toàn ngành hy vọng đạt mức 3 - 3,1%, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản phấn đấu đạt khoảng 35 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6% và khoảng 37% các xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới…

Nông thôn sẽ được tiếp sức bởi nhiều nhà khoa học tâm huyết và nhiều doanh nghiệp có tiềm lực lớn để tạo nên những chuỗi sản xuất mà hàng hoá vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng cao và đảm bảo được tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm không kém gì so với các nước đang có tỷ lệ xuất khẩu cao về nông nghiệp.

Vì vậy, chúng ta có quyền tự hào về ngành Nông nghiệp Việt Nam!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,216,651
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây