Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau ăn lá tại xã Phước Vĩnh An Huyện Củ Chi

Thứ ba - 31/05/2022 20:51
Quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pests Management) thường được viết tắt thành “IPM”. Phương pháp này là sự vận dụng linh hoạt trên nền tảng khoa học cũ và những tiến bộ kỹ thuật mới; nhấn mạnh vào cây trồng khỏe mạnh, có ảnh hưởng tối thiểu tới hệ sinh thái nông nghiệp và khuyến khích cơ chế phòng trừ dịch hại bằng biện pháp tự nhiên.
Mục đích cuối cùng của IPM là tìm ra những biện pháp có hiệu quả, có lợi về mặt kinh tế nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, làm cho cây trồng đạt năng suất cao và phẩm chất nông sản tốt. Trên ý nghĩa đó, IPM không chỉ nhằm tiêu diệt nguồn sâu bệnh mà muốn điều hòa các mối cân bằng trong hệ sinh thái. Sâu hại ở mật độ thấp không được xem là dịch hại mà đôi khi còn có lợi vì là nguồn thức ăn để duy trì sự sống của quần thể thiên địch. Không nên tiêu diệt hết các cá thể gây hại trên đồng ruộng mà chỉ có thể duy trì mật độ chúng ở dưới ngưỡng gây hại cho phép. Như vậy, quản lý dịch hại tổng hợp phải được giải quyết trên tinh thần: tổng hợp, toàn diện và chủ động.
IPM gồm có các nguyên tắc cơ bản như:
1. Trồng cây khỏe: Để cây trồng sinh trưởng khỏe, có khả năng cho năng suất cao và đền bù lại những thiệt hại do sâu hại hay tác nhân khác gây ra, IPM khuyến khích cần chọn giống tốt, bón phân cân đối và chăm sóc hợp lý.
2. Bảo vệ thiên địch: Thiên địch là côn trùng có ích và sử dụng nguồn thức ăn chính là sâu hại, do đó có tác dụng kìm hãm mật độ sâu hại một cách đáng kể. Thiên địch cần được bảo vệ bằng cách không phun thuốc BVTV lên đồng ruộng.
3. Thăm đồng thường xuyên: Nông dân cần phải quan sát sự sinh trưởng của cây trồng để có biện pháp tác động thích hợp giúp cây trồng phát triển tốt.
4. Nông dân trở thành chuyên gia: Nông dân là những người ứng dụng thành công IPM trên ruộng của họ và chia sẽ cho nhiều nông dân khác cùng làm theo. Do đó, nông dân cần phải được tập huấn trở thành chuyên gia.
Căn cứ Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 21 tháng 11 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Củ Chi) đã tổ chức lớp Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau ăn lá (cây mồng tơi) tại ấp 3, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi từ ngày 28 tháng 02 đến ngày 14 tháng 4 năm 2022.
Qua 12 tuần học tập, 21 học viên đã được cấp giấy chứng nhận tham gia lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp cũng như được trang bị những kiến thức về phân tích hệ sinh thái; 4 nguyên tắc của IPM; quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng; những điều cần thiết trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh; biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây rau ăn lá; ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường và con người; giới thiệu bộ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau; giới thiệu một số thiên địch phổ biến trên đồng ruộng; lồng ghép trong các buổi học là các trò chơi xoay bút, mở nút dây; hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật trồng cây rau mồng tơi.
Theo ông Nguyễn Xuân Hào-là nông dân trồng rau tại ấp 3, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi cho biết: Trước khi tham gia lớp học đa số bà con nông dân đều phòng trừ sinh vật hại (phun thuốc BVTV) theo tập quán nông dân. Sau khi tham gia lớp học, anh và bà con đã biết cách phòng trừ sinh vật hại khi cần thiết, hạn chế số lần phun thuốc nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cuối vụ.
Theo ông Lê Văn Rân (trưởng ấp): đây là nội dung thiết thực, cần được triển khai và nhân rộng tại các ấp khác trên toàn xã Phước Vĩnh An và các xã lân cận để giúp bà con sản xuất rau hiểu được tác hại của việc phun thuốc, không phải cứ thấy sâu là phun, từ đó ý thức được việc bảo vệ sức khỏe của người sản xuất cũng như bảo vệ môi trường sản xuất trong lành.
Tại buổi bế giảng, ông Trần Minh Trí – Trưởng Trạm TTBVTV huyện Củ Chi đề nghị bà con nông dân trồng rau cần áp dụng những kiến thức đã được tập huấn về IPM, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, giúp bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm./.
 
z3513173659469 7951d6655fd78a6880be22b69dc9456d
z3513173964087 0f2873bbc1cd2d5b7cbe50369fe48519

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,387,467
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây