Sâu vẽ bùa

Thứ ba - 05/11/2019 03:06
  Triệu chứng gây hại

Hại tất cả các cây họ cam quýt, ngoài ra còn hại một số cây trồng khác như cây liễu, cây trà...

Sâu vẽ bùa gây hại trên các chồi và lá non. Sâu non đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa, các lằn đục của sâu không bao giờ gặp nhau.

Các lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm diện tích quang hợp và làm giảm khả năng sinh trưởng của các chồi non. Ngoài ra các đường đục của sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện cho bệnh loét vi khuẩn xâm nhập, làm lá bị rụng.

  Đặc điểm hình thái

Trưởng thành sâu vẽ bùa là một loại ngài nhỏ, cơ thể dài 2-3 mm, sải cánh rộng 4-5 mm. Toàn thân có màu vàng nhạt phớt ánh bạc. Cánh sau rất hẹp so với cánh trước, cả hai cánh đều có rìa lông dài.

Trứng có dạng hình bầu dục, nhỏ, kích thước 0,2-0,3 mm. Lúc đầu trong suốt sắp nở có màu trắng vàng.

Sâu non đẫy sức dài 4 mm, mình dẹp, không chân, đốt cuối bụng có hình ống dài.

Nhộng dài khoảng 2-3 mm, màu nâu vàng, cạnh bên mỗi đốt thân có 1 u lồi, trên có 1 sợi lông.

  Đặc điểm sinh học và sinh thái

* Vòng đời: 19-38 ngày

- Trứng: 1-6 ngày

- Sâu non: 4-10 ngày

- Nhộng: 7-12 ngày

- Trưởng thành: 7-10 ngày

Trưởng thành sâu vẽ bùa hoạt động mạnh vào chiều tối. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá, gần gân chính. Một trưởng thành sâu vẽ bùa thường đẻ được 70-80 quả trứng, thời gian đẻ trứng từ 2-10 ngày.

Sâu non mới nở thường đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần mô mềm. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu.

Sâu non có 4 tuổi, đòi hỏi ẩm độ cao, chúng sống trong đường đục trong suốt thời gian sinh trưởng, nếu đường đục bị rách sâu non rất dễ bị chết.

Khi đẫy sức, sâu non đục ra mép lá, nhả tơ dệt kén để hóa nhộng ở đó. Thường hóa nhộng gần gân lá, chỗ lá bị quăn.

* Một số yếu tố ảnh hưởng:

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu. Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23 - 290C, ẩm độ 85-90%.

  Thiên địch của sâu vẽ bùa

- Thiên địch ký sinh: Có nhiều loài ong trong các họ Chalcidoidea và Ichneumonidea.

- Thiên địch bắt mồi: Kiến vàng

  Biện pháp phòng trừ

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu.

- Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.

- Biện pháp sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong tự nhiên, nhân nuôi thiên địch như nuôi kiến vàng Oecophylla smaragdina là biện pháp có hiệu quả phòng trị sâu vẽ bùa cao.

- Sử dụng thuốc gốc Imidacloprid (Confidor…), Cypermethrin, các loại thuốc gốc Abamectin, Dầu khoáng D-C Tron plus để phòng trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,054,903
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây