Triệu chứng
Trên mạ: vết bệnh có màu hồng hình thoi, sau chuyển qua màu nâu vàng, khô héo chết. Trên lá lúa: vết bệnh có hình thoi rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu. Vết bệnh có màu xám tro, xung quanh nâu đậm tiếp giáp giữa mô khoẻ có màu nâu nhạt. Kích thước vết bệnh biến thiên lớn từ nhỏ như vết kim đến 5 – 7 cm. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau tạo thành vết lớn làm cho lá bị cháy. Trên thân và cổ bông bắt đầu vết bệnh là một chấm nhỏ màu đen về sau lớn dần bao quanh thân, làm cho thân thoắt lại. Trên cổ bông làm cho bông bạc gẫy. Trên hạt ít bị tấn công.
Tác nhân
Nguyên nhân gây bệnh do nấm Pirycularia oryzae gây ra. Bệnh gây hại trên lá, đốt thân, cổ bông, cổ gié và hạt.
Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh
Phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, ẩm độ do đó bệnh phát triển thất thường, bệnh xuất hiện và gây hại từ giai đoạn mạ đến khi trỗ chín
- Điều kiện thời tiết: bệnh hại nặng vào lúc trời mát, ẩm, có sương mù, gió mạnh.
- Ảnh hưởng bởi phân bón: bón nhiều N bệnh nặng, bón P hạn chế được bệnh (ở vùng phèn), bón K tuỳ thuộc vào lượng N.
- Ảnh hưởng của giống: ở ruộng trồng giống nhiễm, điều kiện thời tiết thuận lợi bệnh phát triển nặng.
- Ở những vùng lúa bị hạn, ở những vùng trồng lúa nương, biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch lớn, sương mù thì bệnh cũng phát triển và gây hại rất nặng.
Nấm gây bệnh có nhiều nòi khác nhau tuỳ theo giống lúa, theo vùng điạ lý khác nhau.
Biện pháp phòng trừ
- Chọn giống kháng hoặc giống ít nhiễm.
- Vệ sinh đồng ruộng, đốt tàn dư sau khi thu hoạch, cày vùi.
- Sử dụng phân bón cân đối hợp lý.
- Giữ nước thường xuyên cho ruộng lúa nhất là khi có dịch bệnh.
- Theo dõi diễn biến của bệnh, đặc biệt chú ý các giống nhiễm. Khi bệnh phát sinh nên cho thêm nước vào ruộng, ngưng bón phân đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng, phun các loại thuốc đặc trị bệnh.
- Dùng các loại thuốc trừ bệnh như chất kháng sinh Kasugamicin (Kasumin), Tricyclazole (Trizole), Edifenphos (Hinosan), Fuji- One…
Ý kiến bạn đọc