Triệu chứng
Ruồi đục quả gây hại trên dưa leo, bầu bí, mướp, khổ qua,… Ấu trùng là dòi đục vào trong quả, chổ vết đục bên ngoài lúc đầu là 1 chấm đen, sau lớn dần có màu vàng rồi chuyển qua nâu. Bên trong quả dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm quả bị thối mềm, dễ rụng.
Đặc điểm hình thái
Thành trùng là loài ruồi giống ruồi nhà, dài 6-8 mm, màu vàng có vạcg đen trên ngực và bụng. Cuối bụng ruồi cái có vòi dài, nhọn dùng để chích vào quả đẻ trứng.
Trứng rất nhỏ, màu trắng ngà, nằm phía trong vỏ quả.
Ấu trùng là loại dòi có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, miệng có một móc cứng đen, đẫy sức dài khoảng 6-8 mm. Khi dòi đẫy sức chui ra ngoài hóa nhộng.
Nhộng màu nâu vàng, hình trứng dài.
Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 22-28 ngày.
- Trứng: 2-3 ngày
- Dòi : 8-10 ngày
- Nhộng: 7-12 ngày
- Trưởng thành đẻ trứng 5-7 ngày và có thể sống hàng tháng. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, thường là sáng sớm hoặc chiều mát, sức bay yếu.
Ruồi cái đẻ trứng trong vỏ quả, một con cái có thể đẻ 150-200 trứng, một quả có thể có nhiều trứng. Dòi nở ra đục vào trong quả gây hại. Trong quả bị hại thường có nhiều con dòi, đẫy sức dòi chui ra ngoài rơi xuống đất hoá nhộng hoặc hoá nhộng trong quả bị rụng.
Ruồi thường đẻ trứng và gây hại từ khi quả già đến chín.
Biện pháp phòng trừ
- Cày phơi đất để diệt sâu non và nhộng.
- Thường xuyên thu gom tiêu huỷ các quả bị rụng có dòi hại.
- Khi ruồi trưởng thành phát sinh nhiều dùng bẫy dẫn dụ Methyl Eugenol (Vidubon…) hoặc tự làm bằng dấm pha đường và ít thuốc trừ sâu, đặt rãi rác cách 5-10 m một bẫy.
- Nếu có điều kiện thì bao quả lại sau khi quả đậu 3-4 ngày, không cần phun thuốc.
- Có thể dùng thuốc trừ sâu gốc cúc tổng hợp để phòng trừ.
Ý kiến bạn đọc