Sâu tơ

Thứ ba - 05/11/2019 03:06



 Triệu chứng

Sâu tơ chỉ gây hại các cây thuộc họ cải. Sâu non ăn lá, khi mật số sâu tơ cao ăn tạo các lỗ thủng lá, làm xơ xác.

Triệu chứng gây hại trên bắp cải

 Đặc điểm hình thái

Bướm thân dài 6 mm, sải cánh trung bình là 15 mm màu nâu xám, trên mép cánh trước có ba dấu hình tam giác màu nâu nhạt ngả trắng, cánh sau màu nâu xám, có dải trắng (ngài đực), vàng (ngài cái) chạy từ gốc cánh đến đỉnh cánh, mép ngoài có lông nhỏ dài mịn, khi đậu cánh sát thân.

Trứng hình bầu dục, dẹp, màu vàng nhạt. Trứng đẻ rời rạc ở mặt dưới lá, gần gân chính.

Sâu non có 4 tuổi, đẫy sức dài 9 - 10 mm.Sâu non màu xanh nhạt, hai đầu nhọn phân đốt rất rõ. Tuổi nhỏ màu trắng đến trắng sữa, đầu đen, sau khi nở chúng gặm lá chui vào trong ăn biểu bì của lá.

Nhộng màu vàng nhạt được bọc trong kén mỏng màu trắng xốp nằm dưới mặt lá.

  Đặc điểm sinh học và sinh thái

          Bướm ít bay thường di chuyển theo gió, hoạt động nhiều từ chập tối đến nửa đêm, mỗi con cái đẻ từ 50 - 400 trứng. Trứng được đẻ riêng lẻ trên bề mặt của lá. Sâu mới nở đục lá tạo thành rãnh, tuổi lớn ở mặt dưới của lá. Khi bị đánh động chúng nhả tơ đưa mình rơi xuống khỏi bề mặt lá lẫn trốn. Khi đã đẫy sức sâu nhả tơ làm kén ngay trên mặt lá, hóa nhộng trong kén.
         
          Sâu tơ phá hại bộ lá của cây, đặc biệt nghiêm trọng khi sâu tấn công ở giai đoạn mới trồng, sâu non mới nở đục lá tạo thành rãnh, ở tuổi lớn sâu tơ ăn toàn bộ biểu bì khiến lá bị thủng lỗ chỗ. Mật độ cao sâu ăn hết thịt lá chỉ còn trơ lại gân lá làm giảm năng suất rõ rệt. Trên bắp cải sâu non cũng ăn các bắp đang phát triển làm bắp biến dạng hoặc không thể cuốn bắp, tạo điều kiện cho bệnh thối nhũn phát triển.

          Sâu tơ gây hại quanh năm, tuy nhiên hại nặng trong vụ đông xuân.
         
          Vòng đời sâu tơ thay đổi theo nhiệt độ, nhiệt độ thấp có thể kéo dài 50 ngày và khoảng 15 ngày ở nhiệt độ cao, nhiệt độ thích hợp từ 20 – 300C ở Thành Phố Hồ Chí Minh vòng đời khoảng 15 - 17 ngày, mùa mưa mật độ sâu tơ giảm rất rõ.
         
           * Vòng đời: 16 – 26 ngày


          - Trứng: 3 – 4 ngày

          - Sâu non: 7 – 10 ngày

          - Nhộng: 4 – 7 ngày
     

          - Trưởng thành: 2 – 5 ngày



 Thiên địch

- Nhóm ăn mồi như: nhện, bọ rùa, chuồn chuồn cỏ.

- Nhóm ong ký sinh: ong cự loài Diadegma sp., ong kén nhỏ loài Cotesia sp.

- Nhóm vi sinh vật gây bệnh: Nấm Entomophthore blunckitr, virus granulosic cũng gây bệnh cho sâu tơ.

 Biện pháp phòng trừ

* Biện pháp sinh học:

1. Sử dụng thiên địch của sâu tơ như nhóm ăn mồi, nhóm ong ký sinh, nhóm vi sinh vật gây bệnh khi mật số sâu trên ruộng ít rất có ý nghĩa là thức ăn cho thiên địch.

2. Dùng bẫy pheromone có hiệu quả diệt trưởng thành sâu tơ.

* Biện pháp canh tác:

1. Bố trí thời vụ thích hợp; trong vụ đông xuân nếu trồng muộn sâu tơ hại nhiều.

2. Luân canh với cây trồng không cùng ký chủ như lúa, bắp… nên trồng xen với cây họ cà, hành, tỏi... để xua đuổi con trưởng thành đến đẻ trứng.

3. Trước khi bứng cây ra trồng nên phun một đợt thuốc trên vườn ươm hoặc nhúng cây con vào dung dịch thuốc trừ sâu để tiêu diệt sâu, nhộng, trứng đang tồn tại trên cây giống.

4. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng hủy bỏ tàn dư cây trồng.

5. Nên tưới rau bằng vòi phun mưa vào buổi chiều mát để ngăn cản việc giao phối của con trưởng thành và rửa trôi bớt trứng, sâu non. Tuy nhiên lưu ý nếu cây đang bị bệnh, bệnh sẽ dễ lây lan hơn.

6. Sau khi thu hoạch phải dọn sạch tàn dư của cây, đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy hoặc ủ làm phân bón để tiêu diệt trứng, sâu non...

7. Thường xuyên kiểm tra ruộng, khi thấy mật số sâu tơ tăng nhanh phải phun thuốc diệt trừ kịp thời.

* Biện pháp hóa học: Sâu tơ có khả năng kháng thuốc rất nhanh, vì thế để giảm bớt áp lực kháng thuốc của sâu, phải sử dụng luân phiên nhiều loại thuốc như: SecSaigon 5 ME hoặc 10 ME, Sherzol 205 EC, Sapen-Alpha 5 EW... Để hạn chế tính kháng thuốc, có thể sử dụng những chế phẩm sinh học như: Biocin 16 WP hoặc 8000 SC, Olong 55 WP, Bacterin BT-WP, Xentari 35 WDG…./.


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 9,738,770
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây