Triệu chứng
Sâu xanh Diaphania sp. gây hại chủ yếu trên cây thuộc họ dưa, bầu bí. Sâu non thường cuốn hoặc gập một hoặc nhiều lá non lại với nhau. Sâu non ăn lá, mật độ cao chúng có thể cắn trụi lá chỉ chừa lại gân lá, ngoài ra chúng còn gặm ăn vỏ trái non làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
Đặc điểm hình thái
Trưởng thành: Là loại bướm trắng bạc, với cánh có đường viền nâu xung quanh, đầu và 2 đốt ngực cũng có màu nâu, cuối đốt bụng cũng có màu nâu và chùm lông của cơ quan sinh sản có màu vàng nâu.
Trứng: hình ô van hơi nhọn. Ấu trùng: màu sắc thường thay đổi, nhưng có màu xanh lá cây ở tuổi lớn, có 5 tuổi, dài khoảng 18 -25 mm.
Nhộng: chuyển từ màu xanh sang màu nâu khi phát triển.
Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 20 -40 ngày
- Trứng: 2 - 3 ngày.
- Sâu non: 20 -28 ngày
- Nhộng: 8 - 12 ngày.
Trưởng thành: 2- 3 ngày
Trưởng thành đẻ trứng từng quả hoặc theo nhóm ở mặt dưới lá, trung bình khoảng 0,2 -4,8 trứng/ lá. Số lượng trứng đẻ tùy thuộc vào điều kiện sinh thái như thời vụ, giai đoạn sinh trưởng của cây, thời tiết... một con trưởng thành có thể đẻ 340 - 510 trứng.
Sâu non tuổi nhỏ gặm nhu mô trừ lại biểu bì, tuổi lớn có thể cắn thủng lá, gặm vỏ quả.
Nhộng thường nằm trong các lá bị cuốn lại. Sâu xanh gây hại trong suốt cả vụ, gây thiệt hại năng suất giai đoạn cây con, hình thành trái.
Thiên địch
Có nhiều loại thiên địch, theo tài liệu nước ngoài có các loài như:
- Ong ký sinh sâu non: Apanteles machaeralis; Apanteles taragamae; Argyroplylax proclinata.
- Ong ký sinh trứng: Trichogramma chinosis.
- Vi khuẩn gây bệnh cho ấu trùng: Bacillus thuringensis
Biện pháp phòng trừ
Nhiều loại thuốc hóa học có thể dùng để trừ sâu xanh có hiệu quả cao như Cyperin, Sherzol, Vertimex, Tập kỳ..., lưu ý khi dùng thuốc:
- Dùng thuốc khi sâu còn nhỏ.
- Khi dưa có trái nên dùng thuốc sinh học như nhóm thuốc gốc BT cũng có hiệu quả cao và an toàn cho người sử dụng.
Ý kiến bạn đọc