Biện pháp phòng chống bệnh chết héo cây keo

Thứ năm - 03/12/2020 22:34
       Bệnh chết héo cây keo là một loại bệnh mới xuất hiện gần đây tuy nhiên đây là một loại bệnh rất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho người trồng nếu không phát hiện kịp thời và có những biện pháp quản lý hữu hiệu.
       Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo trên cây Keo lai, Keo tai tượng và Keo lá tràm do nấm Ceratocystis manginecans gây ra là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quang vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết.
image 20201210103659 1
Hình 1. Cây keo bị nhiễm bệnh, giai đoạn sau lá héo
image 20201210103659 2
Hình 2. Cây keo bị nhiễm bệnh, vỏ khô có màu đen
image 20201210103659 3
Hình 3. Cây keo đã nhiễm bệnh, nhựa chảy ra ngoài
image 20201210103659 4
Hình 4. Cây bị nhiễm bệnh, cắt ngang thân, gỗ màu xanh đen

       Để ngăn ngừa và hạn chế bệnh chết héo trên cây keo bà con cần hạn chế trồng keo ở nơi có lượng mua bình quân trên 2.400 mm/năm. Ở nơi đã xuất hiện bệnh, cần xử lý thảm thực vật trên bề mặt và làm đất theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm loại bỏ hoặc diệt trừ mầm bệnh. Nên luân canh loài cây, giống cây giữa các chu kỳ, đặc biệt từ chu kỳ 2 trở đi. Phòng tránh việc gây tổn thương cơ giới cho cây trồng, nhất là cây trồng ở độ tuổi 1 - 3.
* Xử lý đất đước khi trồng cần lưu ý một số vấn đề sau:
+ Trước khi trồng 3 tháng cần thu gom thảm thực vật trên bề mặt, cành nhánh sau khai thác, băm nhỏ, xếp theo đường đồng mức, xử lý bằng vôi bột với liều lượng 1 - 2% vôi bột so với tổng khối lượng vật liệu cần xử lý hoặc có thể đốt thực bì có kiểm soát.
+ Đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng; bón vôi (0,3 - 0,5 kg/ hố) và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố; phơi ải hố ít nhất 2 tuần sau khi bón vôi; sử dụng các chế phẩm phòng chống mối, kiến trước khi trồng. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng keo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sử dụng chế phẩm vi sinh vật hỗ trợ MF1, chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma spp. và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis bón vào hố trước khi trồng, liều lượng 10 g/hố.
+ Đối với các lô rừng được trồng từ chu kỳ 3 trở lên có dấu hiệu giảm năng suất so với chu kỳ trước, cần bón bổ sung phân vi lượng (trong đó có Bo), liều lượng 01 g/cây.
+ Những nơi đất có độ dốc thấp (dưới 15o), nếu trồng rừng keo từ chu kỳ 3 trở lên cần chú ý loại bỏ gốc cây cũ, làm đất toàn diện, xử lý đất bằng vôi bột (1,5 – 2,0 tấn/ha), những nơi có nguy cơ ngập úng, cần lên líp để trồng.
       Về xử lý cây con trước khi trồng bà con nên sử dụng các giống chưa phát hiện bị bệnh hoặc tỷ lệ bị bệnh thấp. Đồng thời, trước khi trồng 1 - 3 ngày tiến hành phun thuốc có hoạt chất Metalaxyl (tên thương phẩm là Metaxyl 500WP), Mancozeb (tên thương phẩm là Manozeb 80WP), Metalaxyl + Mancozeb (tên thương phẩm là Lanomyl 680WP và Ridomin gold 68WG…) để phòng bệnh cho cây con.
       Việc trồng rừng nên thực hiện vào đầu mùa mưa để cây nhanh phát triển. Nên trồng hỗn giao theo lô. Các lô cạnh nhau cần trồng giống cây hoặc loài cây khác nhau. Cần luân canh giống cây hoặc loài cây giữa các chu kỳ kinh doanh. Trong quá trình bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng, cần tránh không làm tổn thương đến thân, cành, rễ của cây; cần sử dụng phân có hàm lượng đạm thấp khi bón thúc.
       Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng; định kỳ điều tra bệnh cây ít nhất 01 lần/tháng trên các ô tiêu chuẩn được bố trí theo phương pháp hệ thống ngẫu nhiên trên lô. Diện tích mỗi ô tiêu chuẩn đảm bảo có ít nhất 31 cây/ô, tổng diện tích các ô tiêu chuẩn bằng 0,5 – 1,0% tổng diện tích của lô rừng trồng thuộc đối tượng điều tra. Trong mọi trường hợp, số ô tiêu chuẩn ít nhất là 01 ô/lô (thuộc đối tượng điều tra).
       Xác định tỷ lệ bị bệnh của lô rừng (là tỷ lệ phần trăm của số lượng cây bị bệnh so với tổng số cây điều tra). Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân của lô rừng dưới 15%: tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy (đốt các cây bị bệnh chết héo; giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh. Không tận thu các cây bị bệnh chết héo, không vận chuyển sang nơi khác.
Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân từ 16 đến 50%: tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy các cây bị chết héo. Đồng thời, áp dụng biện pháp hóa học cục bộ theo đám (khi cây chết theo đám) hoặc toàn bộ lô (khi cây chết rải rác). Sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất hoá học như Metalaxyl, Mancozeb, Metalaxyl + Mancozeb… Chú ý pha thuốc với chất bám dính; nồng độ 03g hoạt chất/lít, liều lượng 400 - 600 lít dung dịch/ha, phun nhắc lại 02 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
       Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân trên 50% cần thanh lý rừng theo quy định của pháp luật. Việc trồng lại rừng sau khi thanh lý rừng bị bệnh cần lưu ý xử lý thực bì, đất theo các khuyến cáo đã nêu trên. Ngoài ra, bà con có thể luân canh loài cây trồng khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương.
Phòng Bảo vệ thực vật  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 10,994,217
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây