Kỹ thuật phòng trừ một số sâu, bệnh hại cây ớt cay

Thứ tư - 27/03/2024 23:44
Cây ớt cay (Capsicum annuum L.) thuộc họ Cà Solanaceae, chi Capsicum, có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ. Với không ít người, ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, giúp người ăn tăng cảm giác ngon miệng và tăng vẻ đẹp thẩm mỹ của món ăn. Để quả ớt được đảm bảo chất lượng khi thu hoạch, bên cạnh khâu chọn giống và kỹ thuật trồng, việc phòng trừ sâu, bệnh gây hại trên cây ớt là rất cần thiết. Đặc điểm nhận diện và phương pháp phòng trừ một số sâu, bệnh hại trên cây ớt cay như sau:
1. Nhện đỏ (Tetranychus spp.)
Hình thái: Nhện đỏ trưởng thành có 8 chân, thân hình bầu dục, thân nhỏ khoảng 0,4 mm. Ấu trùng giống con trưởng thành nhưng chỉ có 03 đôi chân.
z5301500545422 c5402306200bed1fc4c36557e9734b3c

Hình 1. Hình thái nhện đỏ trưởng thành
Triệu chứng: lá cây ớt mất màu xanh, mặt lá bị loang lỗ, mặt dưới lá có nhiều vết trắng lấm tấm giống bụi cám do nhện đỏ ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá. Hoa ớt bị rụng, trái ớt chuyển sang màu vàng, sạm và nứt khi trái lớn.
Biện pháp phòng trừ:
Tưới nước giữ ẩm cho cây trong mùa khô; Dùng voi phun nước với áp lực mạnh lên cây khi mật độ nhện đỏ trong ruộng gia tăng; Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ, tiêu hủy các tàn dư thực vật; Một số thuốc trừ nhện đỏ có thể sử dụng có hoạt chất như Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm), Rotenone,…Ngoài ra, có thể sử dụng một số loài thiên địch để phòng trừ nhện đỏ gây hại trong vườn ớt như bù lạch 6 chấm (Scolothrips sexmaculatus), bù lạch bông (Frankliniella occidentalis), bọ rùa (Stethorus sp.), bọ xít nhỏ (Orius tristicolorChrysoperla carnea)...
2. Bọ trĩ (Thrip sp.)
Hình thái: Bọ trĩ dài khoảng từ 1 đến 2 mm, thân màu vàng đậm hoặc nâu đen và có 4 cánh dài.
z5301502301444 2157ed231af897fb5a4b7804be7e95ef

Triệu chứng: Lá ớt xuất hiện các đốm trong như giọt dầu, ở giữa có chấm vàng do bọ trĩ chích hút gây hại. Các chồi non, lá non, nụ hoa của cây ớt không phát triển, cánh hoa bị xoăn biến dạng.
Biện pháp phòng trừ:
Chăm sóc cây ớt khỏe mạnh để hạn chế sự gây hại của bọ trĩ; Tưới đủ ẩm cho cây trong suốt mùa khô; Thường xuyên thăm đồng, loại bỏ và tiêu hủy cây ớt bị bọ trĩ gây hại; Có thể sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc màu xanh da trời để thu hút bọ trĩ trưởng thành. Một số thuốc trừ bọ trĩ có thể sử dụng có hoạt chất như Spinetoram, Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm), Rotenone,…
3. Sâu xanh đục quả (Helicoverpa armigera)
Hình thái: Sâu xanh non có màu xanh lá cây, hồng nhạt hoặc nâu thẫm, trên thân có sọc đen mờ.\
z5301507419173 5e10298ac2799bcc3b9984fe2384437f

Hình 2. Cây ớt bị bọ trĩ gây hại
Hình 3. Hình thái sâu xanh đục quả hại ớt
Triệu chứng: Sâu gây hại trên nhiều bộ phận của cây cây ớt như đục ăn lá, búp, đọt non, ăn nụ hoa, nhị hoa và thịt quả. Khi quả ớt còn xanh, sâu đục từ giữa quả vào, vết đục thường có phân tràn ra ngoài, thỉnh thoảng có thể thấy nửa thân sâu nằm trong quả, nửa thân nằm ngoài lỗ đục. Khi quả ớt già và sắp chín, sâu đục từ trên cuống quả xuống sau đó sâu chui hẳn vào trong quả để phá hại. Những quả già thường dễ rụng, khi gặp mưa dễ bị thối. Sâu phát sinh và gây hại nặng vào mùa khô trong giai đoạn cây ớt ra hoa, tạo quả.
Biện pháp phòng trừ:
Để phòng trừ sâu xanh đục quả, khi chuẩn bị trồng ớt nên bố trí mật độ cây hợp lý và bón phân cân đối. Làm kỹ đất trước khi trồng để diệt nhộng côn trùng lưu tồn trong đất. Trong quá trình chăm sóc cây ớt, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, ngắt bỏ ổ trứng, thu gom, tiêu hủy những chồi, quả ớt bị sâu gây hại. Sử dụng bẫy dính, bẫy pheromone để dẫn dụ bướm trưởng thành. Một số thuốc trừ sâu xanh đục quả có thể sử dụng có hoạt chất như Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm), Rotenone, Bacillus thuringiensis var. aizawai,…
4. Bệnh thán thư (Colletotrichum spp.)
Hình 4. Triệu chứng bệnh thán thư gây hại
trên quả ớt
Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu có hình tròn, úng nước, hơi lõm xuống. Sau thời gian, vết bệnh lan rộng, có đường kính từ 0,5 – 2 cm, tâm vết bệnh có màu nâu đen, viền màu nâu xám. Bên trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm và nhiều chấm nhỏ li ti màu đen. Bệnh thán thư gây hại trên tất cả các bộ phận của cây ớt. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao hoặc ruộng ớt trồng dày, bón thừa phân đạm.
z5301510959530 7a2d3575e00f9d5b768ebb52daa7281d

Biện pháp phòng trừ:
Để phòng trừ bệnh thán thư gây hại cho cây ớt, trước khi trồng người nông dân cần cân đối mật độ cây thích hợp trong ruộng. Trồng luân canh trong ruộng ớt với các cây trồng khác họ. Thường xuyên thăm đồng, vệ sinh đồng ruộng thông thoáng và loại bỏ tàn dư thực vật. Thu gom lá, quả ớt bị bệnh và những cây bị bệnh nặng để tiêu hủy. Chọn giống ít nhiễm bệnh thán thư. Một số thuốc trừ bệnh thán thư có thể sử dụng có hoạt chất như Kasugamycin, Azoxystrobin…
5. Bệnh đốm đen vi khuẩn (Xanthomonas campestris pv. vesicatoria)
 
Triệu chứng: vết bệnh là những chấm nhỏ đọng nước, sau chuyển thành vết hoại tử có viền màu vàng xung quanh. Bệnh gây hại trên thân, lá và quả của cây ớt từ khi cây còn nhỏ đến khi thu hoạch. Các lá ớt bị nhiễm bệnh nặng dẫn đến rụng lá nghiêm trọng. Mầm bệnh tồn tại lâu dài trong hạt giống và trên tàn dư thực vật. Trên vườn ớt, bệnh đốm vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao từ 23ºC đến 30ºC và trong điều kiện ẩm độ không khí cao, đặc biệt là khi lá cây ẩm ướt, trong thời kỳ mưa gió, sương mù xảy ra liên tục.
z5301514521093 c72041fb733dc540d817834538e8c261

Biện pháp phòng trừ:
Để phòng trừ bệnh đốm đen vi khuẩn, trong quá trình canh tác, người nông dân cần thường xuyên thăm đồng, vệ sinh đồng ruộng thông thoáng. Trồng luân canh trong ruộng ớt với các cây trồng khác họ. Tăng cường bón phân hữu cơ cho cây khỏe, tăng sức để kháng. Sử dụng các giống chống chịu, giống kháng bệnh. Khi phát hiện cây bị bệnh, lá bị bệnh cần loại bỏ và tiêu hủy. Có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học, nấm ký sinh, nấm đối kháng Trichoderma hạn chế một số loại nấm bệnh trong đất. Một số loại thuốc trừ bệnh đốm đen vi khuẩn trên ớt có thể sử dụng có hoạt chất như Kasugamycin, Bismerthiazol (Sai ku zuo), Cytosinpeptidemycin,…

6. Bệnh đốm lá (Cercospora capsici)
Triệu chứng: Vết bệnh đốm lá có dạng hình tròn, đường kính vết bệnh khoảng 1 cm, có màu nâu ở viền, tâm màu xám nhạt (mắt ếch). Vết bệnh trên thân, cuống lá, cuống quả có hình elip, viền sẫm và tâm màu xám. Bệnh không gây hại trên quả. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nóng, ẩm, nhiệt độ càng cao, lây nhiễm càng nhanh, có thể gây rụng lá hàng loạt. Bệnh thường gặp trên các cây ớt già, cây giai đoạn bén rễ hồi xanh.
z5301521073739 4e57bc3a967eba47a76f0788e25b6aa7

Biện pháp phòng trừ:
Để phòng trừ bệnh đốm lá gây hại cho cây ớt, người nông dân cần thường xuyên dọn sạch tàn dư thực vật sau khi thu hoạch. Cân đối mật độ trồng cây thích hợp. Trồng luân canh cây ớt với cây trồng khác họ trong ruộng. Bón phân cân đối. Một số thuốc trừ bệnh đốm lá trên ớt có thể sử dụng có hoạt chất như Azoxystrobin 100g/l + Chlorothalonil 500g/l, Chlorothalonil,…
*Lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Nên sử dụng luân phiên các nhóm thuốc có hoạt chất khác nhau giữa các lần phun hoặc các vụ để tăng hiệu quả phòng trừ và hạn chế khả năng kháng thuốc của sâu, bệnh gây hại. Chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành có cập nhật hằng năm; Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện theo nguyên tắc bốn đúng bao gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,049,175
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây