Phòng trừ bệnh nứt thân chảy nhựa gây hại dưa lưới canh tác trên giá thể trong nhà màng

Thứ năm - 22/06/2023 03:18
Dưa lưới là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng, do hương vị thanh mát và ngon ngọt. Trong quả chứa nhiều vitamin A, C và khoáng chất tốt cho hệ miễn dịch, tim mạch... Trong những năm gần đây, diện tích canh tác dưa lưới ngày càng được mở rộng; có nhiều phương pháp trồng dưa lưới, trong đó trồng trên giá thể trong nhà màng theo hướng công nghệ cao có nhiều ưu điểm, bởi vì có thể sản xuất quanh năm, kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, tạo ra sản phẩm an toàn cho thị trường. Đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau một thời gian thâm canh sản xuất, sâu bệnh hại ngày càng tăng, một số sâu bệnh hại chính trên cây dưa lưới gồm: bọ trĩ, bọ phấn trắng, rệp muội, nhện đỏ, bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh sương mai bệnh thán thư, trong đó bệnh nứt thân chảy nhựa là một trong những bệnh gây hại nặng và ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Bệnh nứt thân chảy nhựa do nấm Didymella bryoniae gây ra. Nấm tồn tại trong hạt giống, tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển.
Bệnh gây hại chủ yếu trên thân, đôi khi trên lá và cuống quả. Trên thân vết bệnh lúc đầu là đốm hình bầu dục, màu xám trắng, kích thước 1-2 cm, vết bệnh hơi lõm, làm khuyết một bên thân hay nhánh. Trên vùng bệnh, nhựa màu nâu đỏ ứa ra thành giọt, sau đổi thành màu nâu sẫm và khô cứng lại. Bệnh nặng làm thân cây bị nứt thành vệt dài và chảy nhựa nhiều hơn, trên đó có những hạt nhỏ màu đen (các ổ bào tử nấm), cả cây có thể bị khô chết.
Trên lá, đốm bệnh không đều đặn và lan rộng dần, có màu nâu xám nhạt. Bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng.
Trên cuống quả, triệu chứng bệnh giống như trên thân, có thể nứt và chảy nhựa, quả nhỏ hoặc thối, bị rụng sớm.
Bệnh lan truyền qua hạt giống, tàn dư cây bệnh, cây họ bầu bí khác và một số cỏ dại. Bệnh lây lan bằng bào tử. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển. Sợi nấm có thể tồn tại trong tàn dư thực vật khoảng 2 năm.
* Biện pháp phòng trừ
Trồng dưa lưới với mật độ thích hợp, khoảng 25.000 cây/ha
Bón phân cân đối, hạn chế bón quá nhiều đạm
Tưới nước vừa phải, hạn chế tưới vào buổi chiều tối và những ngày mưa
Giai đoạn sau tạo lưới nên tỉa bỏ các lá già để tạo vườn thông thoáng, không cắt tỉa vào những ngày mưa có độ ẩm cao.
Sau mỗi vụ thu hoạch cần thu dọn sạch tàn dư cây trồng.
Xử lý, khử trùng giá thể và nhà màng sau khi thu hoạch để hạn chế bệnh vụ sau.
Giá thể trồng cần được xử lý sạch mầm bệnh, trộn chế phẩm Trichoderma vào giá thể trước khi trồng hoặc tưới định kỳ 1 lần/tháng.
Khi phát hiện cây chớm bệnh nên dùng cọ (chổi) quét thuốc vào vị trí bị bệnh
Phun các thuốc BVTV có hoạt chất như Mancozeb, Mandipropamid + Chlorothalonil hoặc phun định kì thuốc vi sinh Streptomyces lydicus 2 – 3 tuần/lần.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,220,168
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây