Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh
Quản lý bệnh đen xơ gây hại trên cây mít
Thứ hai - 27/05/2024 22:03
Mít là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi rộng, dễ trồng, chăm sóc nên được trồng ở nhiều nơi như Tiền Giang, Hậu Giang, Long An, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…Hiện nay, trồng mít cho thu hoạch sớm, năng suất cao, đem lại lợi nhuận khá lớn vì trái mít bên cạnh tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới nên được nông dân ưa chuộng. Song thời gian gần đây, bệnh đen xơ đã xuất hiện và gây hại nghiêm trọng ở hầu hết các vùng trồng mít, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, giảm năng suất, đặc biệt làm giảm giá trị thương phẩm và chất lượng của trái mít. * Tác nhân gây bệnh Bệnh đen xơ mít do vi khuẩn Pantoea stewartii gây ra. Bệnh đen xơ xuất hiện quanh năm nhưng tỷ lệ bệnh xuất hiện nhiều và phổ biến trong mùa mưa, nơi có ẩm độ cao. Bên cạnh đó, việc cung cấp thiếu Bo cho cây mít đặc biệt trong điều kiện đất bị nén chặt, thiếu chất hữu cơ, dinh dưỡng bề mặt dễ bị rửa trôi làm tăng tỷ lệ bệnh trên cây. Bệnh gây hại nặng ở giống mít có độ ngọt cao như mít Thái. Vi khuẩn xâm nhập vào trái qua khe hở giữa các múi hoặc theo nước mưa vào cửa ngõ là nướm, sau đó đi vào vòi nhụy và bầu noãn. * Triệu chứng bệnh Một số triệu chứng bên ngoài trái để nhận biết bệnh đen xơ là hình dạng trái, mầu, gai và cuống bất thường. Trái bị bệnh đen xơ thường bị méo mó, trái nhỏ, mầu nhỏ, cuống nhỏ và thâm đen.
Bệnh đen xơ mít bắt đầu xuất hiện vào thời điểm đậu trái, bệnh có thể xảy ra theo từng phần hoặc toàn bộ trái, khi bệnh phát triển nặng, các vết đen giữa xơ và múi làm cho chúng dính chặt với nhau.
Khi trái bị bệnh bên trong cuống trái xuất hiện màu nâu chạy dọc theo các mạch dẫn trong cuống. Đối với cùi trái, khi bị đen xơ cũng xuất hiện các đốm nâu nhạt khi bị nhẹ và các đốm nâu sẽ lan rộng, sần sùi khi bị nặng. Đối với xơ bị đen, trên bề mặt xơ xuất hiện những đốm có màu từ nâu tới nâu đen, các đốm này có hình dạng và kích thước khác nhau, dùng tay chạm vào có cảm giác nhám, sần sùi.
Hình 4. Triệu chứng bệnh đen xơ giai đoạn chín
Về cảm quan bên ngoài, các múi xuất hiện hiện tượng này có màu sắc và mùi vị tương tự những múi bình thường và thường biểu hiện nặng hơn trên xơ, khi bị nặng các xơ và múi gần nhau sẽ bị dính lại, các đốm đen này lan rộng, sần sùi, rõ rệt trên bề mặt múi làm mất giá trị của trái mít. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở cây tơ hơn là những cây trưởng thành, những trái gần mặt đất cũng bị nhiều hơn những trái trên cao. * Biện pháp phòng trừ Để hạn chế bệnh đen xơ gây hại mít cần áp dụng các biện pháp tổng hợp (IPM) để phòng trừ có hiệu quả. Trồng mít với mật độ hợp lý với khoảng cách trồng 3 x 4m. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật, đặc biệt các quả mít bị bệnh đem đi tiêu hủy. Tiến hành tỉa cành, tạo tán, cắt tỉa sớm những trái dị dạng, trái bị bệnh và trái gần mặt đất. Bón phân cân đối, đặc biệt sử dụng đạm hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bổ sung phân Canxi Bo cho mít sau khi đậu trái 15 – 20 ngày. Vườn trồng mít phải thoát nước tốt trong mùa mưa, chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất, vệ sinh quanh vườn thông thoáng nhằm hạn chế sâu bệnh. Giai đoạn mít ra hoa: dùng miếng nilon làm mái che không cho nước mưa xâm nhập vào miệng cuống, tránh nước mưa tiếp xúc hoa cái. Từ đó hạn chế được vi khuẩn xâm nhập qua đường nước mưa vào trái. Tránh để trái tiếp xúc với đất, nên để trái cách ít nhất 1 m từ mặt đất trở lên. Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh có hoạt chất như: Copper Oxychloride,Streptomycin Sulfate,Oxolinic acid, Kasugamycin,Bronopol để phòng trừ bệnh đen xơ hại mít.