Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh
Một góc nhìn về nông nghiệp công nghệ cao
Chủ nhật - 15/10/2023 23:03
Theo các chuyên gia tại Học viện nông nghiệp Việt Nam “Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững”. Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ còn là xu hướng mà là tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt đối với vùng có diện tích nông nghiệp nhỏ bé, manh mún, điều kiện tự nhiên gây khó khăn sản xuất. Thực tế, nhờ ứng dụng công nghệ cao nền nông nghiệp đã có những thành tựu nổi bật.Cụ thể: Đầu tiên phải kể đến là nước Israel. Diện tích cả nước khoảng 22,1 nghìn km2, trong đó diện tích nông nghiệp chiếm khoảng 20%; dân số khoảng 9,5 triệu người vào năm 2022 (Tạp chí Khoa học và Công nghệ, năm 2022). Nếu so sánh với vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam, Israel tương đương về diện tích nhưng nhân lực chỉ bằng khoảng ½. Israel có diện tích đất nông nghiệp nhỏ bé, điều kiện thiên nhiên không thích hợp cho việc sản xuất tập trung thuộc nhóm lúa gạo. Đất đai cằn cỗi với quá nửa là sa mạc. Vậy mà Israel đã trở thành một trong những hình mẫu về nông nghiệp cho cả thế giới. Nông sản chủ yếu của Israel tất nhiên không thể là ngũ cốc hay chăn nuôi gia súc, gia cầm; chủ yếu là trái cây, rau quả và bắp.
Tiếp theo là nước Nhật Bản: năm 2022, diện tích cả nước khoảng 377.900 km2, diện tích đất canh tác là 4,2 triệu ha; dân số khoảng 126 triệu người (theo Wikipedia). Hiện nay, Nhật Bản đã rở thành những nước có nền sản xuất nông nghiệp tốt nhất thế giới. Cũng như Israel, sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản phần lớn từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do phải hứng chịu nhiều trận bão dữ dội và tuyết rơi trong năm, Nhật Bản đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gần như tất cả các khâu của sản xuất được ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại, giảm tối đa sức lực cho người lao động.
Theo thống kê của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (năm 2020), chỉ 3% dân số của Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng cung cấp đầy đủ thực phẩm chất lượng cao cho hơn 127 triệu dân của quốc gia này, ngoài ra còn dư thừa để xuất khẩu.
Như chúng ta thấy, nông nghiệp công nghệ cao của hai nước kể trên đều có những đặc điểm chung: phần lớn áp dụng phương pháp canh tác trong nhà màng và gần đây là phương pháp thủy canh, mô hình nhà máy sản xuất thực vật (plant factory). Các phương pháp này cho phép kiểm soát chặt chẽ điều kiện môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, phân bón, sâu bệnh (giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu), sản xuất tập trung và nhiều tầng để tiết kiệm đất đai, thuận tiện khi thu hoạch... Bên cạnh đó, dù tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hai nước này vẫn quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực. Israel tập trung sản xuất bắp và đứng đầu thế giới về sản lượng tính trên đơn vị diện tích. Nhật Bản nổi tiếng với cánh đồng vài chục ha chuyên sản xuất lúa đặc sản, lúa dược liệu. Với những gì chúng ta đã thấy thì nông nghiệp công nghệ cao có thể hiểu được bằng những từ khóa như: nhà màng, nhà kính, nhà máy sản xuất thực vật, không dùng hay chỉ dùng rất ít đất nhưng trồng nhiều tầng, kiểm soát môi trường sản xuất từ nhiệt độ, độ ẩm, không khí (điều tiết lượng O2 và CO2), tưới nhỏ giọt với nước pha chất dinh dưỡng, thủy canh (hoàn toàn không cần đến đất), ... Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ và dần phổ cập của internet vạn vật (IoT), nông nghiệp công nghệ cao lại tiến thêm một bước nữa bằng cách sử dụng các công nghệ cảm biến, vi mạch, máy tính, công nghệthông tin và công nghệđiều khiển hoàn toàn tự động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, từ lâu thành phố chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, là xu hướng chủ đạo và tất yếu để sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, mang lại thu nhập cao cho nông dân Thành phố. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân TPHCM đã phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030. Đây là định hướng để tập trung nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa TPHCM trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, thành phố tiếp tục nghiên cứu bổ sung nội dung thu hút đầu tư hiệu quả cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là lĩnh vực đất đai, vốn và khoa học công nghệ. Đặc biệt, ít nhất 70% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song song đó, Thành phố quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm bổ sung đưa vào sử dụng 2, 3 khu nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố ưu tiên cho thuê đất, giao đất và các chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng, khoa học và công nghệ, môi trường... cho hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố cũng khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tham gia và thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao; triển khai chính sách vay vốn ưu đãi đối với trường hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có cơ chế đặc biệt về hỗ trợ tín dụng, đất đai như miễn thuế, giảm thuế trong thời gian đầu kinh doanh./.