Bệnh Đạo ôn có dễ phòng trừ?

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Trong 6 tháng đầu năm 2012, bệnh đạo ôn có xu hướng gia tăng diện tích (DT) và tỷ lệ nhiễm bệnh. Từ đầu tháng 6 đến nay, ở ĐBSCL đã có hơn 70.000 ha lúa hè thu bị bệnh đạo ôn. Bệnh xảy ra ở tất cả các tỉnh, nghiêm trọng nhất là đã có một số nơi như An Giang, Kiên Giang phải tiêu hủy hàng chục hecta do bị nhiễm bệnh quá nặng với tỷ lệ bệnh trên 25 % (Trung Tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam).

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm bệnh đạo ôn nặng như: thời tiết thất thường, mưa nắng xen kẽ đã tạo độ ẩm cao trong ruộng lúa, nhất là ở những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, bị ngộ độc hữu cơ (do khâu làm đất không kỹ) và một số vùng đất còn bị nhiễm phèn làm phát sinh bệnh đạo ôn nặng hơn. Đặc biệt, bệnh bột phát mạnh trên trà lúa từ 20-30 ngày tuổi và phát sinh nhiều trên các ruộng trồng giống lúa OM 4218, IR 50404 và các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao như Jasmin, VD95-20…

Trước tình hình bệnh đạo ôn bột phát mạnh nhiều bà con nông dân lo lắng, nghe theo khuyến cáo của các đại lý bán thuốc không những không hết bệnh mà còn bị nhiễm bệnh đạo ôn nhanh và nặng hơn. Việc dùng chung thuốc đặc trị nấm với một loại phân bón lá để điều trị bệnh đạo ôn trên lúa là việc làm phản khoa học, (theo TS. Hồ Văn Chiến - GĐ Trung Tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam: “khi cây lúa bị bệnh đạo ôn tức có dấu hiệu thừa đạm, trong khi phân bón lá hầu hết chứa tới 80 – 85 % đạm nên khi phun vào thì hiện tượng cháy lá sẽ nặng thêm”).

“Tuyệt đối không được dùng chung phân bón lá với thuốc đặc trị nấm bệnh trong quá trình phun xịt trị bệnh đạo ôn trên cây lúa. Bởi phân bón lá sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh có điều kiện phát triển gây hại nặng hơn” (Tiến sĩ Vũ Anh Pháp - Trưởng Bộ môn Tài nguyên Cây trồng - Trường ĐH Cần Thơ).

Theo dự báo của Cục BVTV, cho đến hết vụ hè thu 2012, bệnh đạo ôn vẫn là đối tượng nguy hiểm cần hết sức cảnh giác khi có những chuyển biến thời tiết bất thường, đặc biệt là giai đoạn lúa sắp trổ đến trổ đều, ngậm sữa.

Do đó, bà con nông dân cần nhận dạng đúng đối tượng và áp dụng phương pháp phòng trừ đạo ôn có hiệu quả nhằm giảm tối thiểu thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra./.

BỆNH ĐẠO ÔN TRÊN LÚA

Bệnh đạo ôn hay còn gọi là bệnh Cháy lá, là một dịch hại nguy hiểm và phổ biến trên cây lúa.

Tên tiếng anh: Rice blast disease
Tên khoa học: Pirycularia oryzae

Tác nhân: do nấm Pirycularia oryzae gây ra. Bệnh gây hại trên lá, đốt thân, cổ bông, cổ gié và hạt.

Triệu chứng gây hại của bệnh đạo ôn: Bệnh đạo ôn gây hại ở trên lá, cổ bông, gié lúa. Bệnh hại từ giai đoạn mạ đến khi thu hoạch (gây hại cổ bông).

Trên mạ vết bệnh có màu hồng hình thoi, sau chuyển qua màu nâu vàng, khô héo chết.

Trên lá lúa (giai đoạn đẻ nhánh) vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, hai đầu nhọn dọc theo gân lá, giữa bạc trắng, xung quanh viền nâu, ngoài cùng có quầng vàng hẹp. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau tạo thành vết lớn và gây hiện tượng cháy lá. Các vết bệnh màu nâu nhỏ thường gọi là triệu chứng mãn tính, khi trên lá xuất hiện những vết bệnh màu xám nhạt và lớn gọi là triệu chứng cấp tính.

Trên thân, ban đầu là vết bệnh là một chấm nhỏ màu đen về sau lớn dần bao quanh thân, làm cho thân teo lại, cây lúa dễ bị gãy gục.

Trên cổ bông, cổ gié, vết bệnh màu nâu, làm cả bông lúa hoặc gié lúa bị lép trắng, dễ bị gẫy.

Trên hạt, ít bị tấn công. Nhưng khi xâm nhập lên vỏ hạt tạo nên hiện tượng lem vỏ hạt lúa.

Điều kiện phát sinh và phát triển :

Bệnh phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh do đó bệnh phát triển thất thường.

- Điều kiện thời tiết: bệnh hại nặng vào lúc trời mát, gió nhẹ, ẩm độ không khí cao, có mưa thường xuyên và kéo dài, trời âm u ít nắng cũng thuận lợi cho bệnh phát triển và gây hại nặng.

- Điều kiện dinh dưỡng (phân bón): Bón nhiều phân đạm, thiếu lân và kali thường làm cho bệnh phát triển. Ở những ruộng đã bón nhiều đạm, nếu bón thêm phân lân sẽ làm bệnh nặng hơn. Còn nếu đất thiếu lân thì bón thêm lân hạn chế được bệnh (ở những vùng đất phèn). Bón kali nhiều hay ít cần phải cân đối lượng đạm bón vào ruộng.

- Giống lúa: Ở nước ta đã xác định được nhiều giống chống bệnh trong điều kiện ngoại cảnh ở các địa phương. Phản ứng với bệnh của các giống biến đổi theo từng nước, thậm chí từng vụ ở ngay trong một địa phương. Mức độ chống bệnh của các giống liên quan đến điều kiện thời tiết, đất đai và kỹ thuật canh tác.

Tính chống bệnh của giống lúa có liên quan đến các đặc điểm hình thái và thành phần hoá học trong cây lúa.

- Điều kiện khô hạn: ở những vùng lúa bị hạn, những vùng trồng lúa rẫy, nhiệt độ ngày đêm có chênh lệch, sương mù bệnh phát triển nặng.

- Nguồn bệnh: nấm bệnh lưu tồn trong rơm rạ, cỏ dại, hạt giống… là nguồn bệnh lây lan qua vụ sau.

Các giai đoạn cần lưu ý bệnh đạo ôn:

- Giai đoạn mạ: thường phát sinh trên các giống nhiễm, làm cây suy yếu ảnh hưởng năng suất về sau.

- Giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng.

- Giai đoạn trước và sau trổ.

Để hạn chế bệnh phát sinh phát triển gây hại, bà con thường xuyên thăm đồng, nhất là vào các giai đoạn cần lưu ý (quan sát kỹ từng bụi lúa, đặc biệt những nơi lúa tốt, rậm rạp nằm giữa ruộng hoặc gần bờ bao, cống bộng dẫn nước) để phòng trị kịp thời.

Biện pháp phòng trị

- Gieo trồng các giống lúa kháng bệnh thích hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

- Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ quanh bờ trừ dịch hại, đốt tàn dư sau khi thu hoạch, cày vùi sâu. Đối với các giống nhiễm, cần xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt giống trong nước có nhiệt độ 54 0C trong 10 phút hoặc sau khi ngâm giống, vớt để ráo nước, phun thuốc Rovral 50WP, Folicur 430SC hay Copper B-WP với liều lượng 5 gr/20 kg rồi sau đó ủ giống như bình thường.

- Không nên bón nhiều phân đạm, nên bón làm nhiều lần và không bón khi bệnh đang phát triển.

- Có thể sử dụng một số thuốc đặc trị bệnh đạo ôn như New Hinosan 30EC, Kitazin 50EC, Kasai 21,2%, Fujione 40EC, Beam 75WP, Trizol 20WP hoặc 75WP, Rabcide 30WP, Bump, Nativo ...

- Khi bệnh phát sinh, kết hợp với sử dụng thuốc nên cho thêm nước vào ruộng và ngưng bón phân đạm, không phun phân bón hoặc chất kích thích sinh trưởng./.

Hình 1. Triệu chứng bệnh đạo ôn trên lá khi mới chớm (a) và về sau (b)
Triệu chứng bệnh đạo ôn trên cổ gié (c)

Hình 2. Bào tử đính (connidia) và cuống mang bào tử (conidiophore) của nấm Pirycularia oryzae gây bệnh đạo ôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 10,453,702
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây