Đề án chuyển đổi này đã nhận được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, cùng sự hỗ trợ giúp đỡ của các phòng ban chuyên môn cấp thành phố và cấp huyện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về chủ trương và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã được thực hiện tốt nên sau gần 3 năm thực hiện đề án đã có một số kết quả nhất định như:
1. Xã Bình Mỹ
Diện tích lúa có năng suất thấp giảm 270 ha, đạt 69,2 % kế hoạch. Chuyển sang cây trồng khác, trong đó: rau muống nước: 59,5 ha, đạt 88,8 %; cây ăn trái: 75 ha, đạt 82 %; cây lài: 30 ha, đạt 91 %; thủy sản: 26 ha, đạt 100 %; trồng cỏ: 55 ha, đạt 90 %; hoa kiểng: 4,5 ha, đạt 100 %,…
Tổng đàn bò tăng 1.169 con, trong đó bò sữa tăng 1.130 con. Heo tăng 200 con. Diện tích nuôi cá tăng 26,37 ha… Ngoài ra còn phát triển một số vật nuôi khác như nhím, heo rừng, baba…
2. Xã Nhuận Đức
Diện tích trồng lúa nước giảm 238 ha, đạt 29,4 %; rau ăn quả với diện tích canh tác 218 ha, đạt 44,2 %; cỏ trồng 83 ha, đạt 41,5 %; chăn nuôi bò tăng 145,8%. Diện tích nuôi cá: 26 ha, đạt tỷ lệ 21,7% kế hoạch.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau: Một số nông dân chưa mạnh dạn trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chính sách hỗ trợ cho nông dân chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chuyển đổi đã được triển khai nhưng thực hiện còn chậm và chưa đồng bộ, quy trình hỗ trợ vốn theo quyết định 105 vẫn còn chậm gây khó khăn cho người nông dân trong quá trình vay vốn hỗ trợ sản xuất. Mặt khác, thị trường giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi sản phẩm đầu ra chưa ổn định. Và Ban Chỉ đạo xã còn chưa có kinh nghiệm trong việc chỉ đạo điều hành…
Tại buổi hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại 2 xã Bình Mỹ và Nhuận Đức, Bà Tô Từ Nguyên – Phó Chủ tịch thường trực huyện Củ Chi đã chỉ đạo một số công tác trọng tâm để hoàn thành kế hoạch vào năm 2010:
- Đối với xã Bình Mỹ:
Cần gấp rút hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông nông thôn và hệ thống thủy lợi để sớm đưa vào hoạt động phục vụ cho sản xuất. Củng cố lại ban chỉ đạo và tổ giúp việc của xã, có sự phân công rõ ràng để kiểm tra đôn đốc việc thực hiện đề án. Đồng thời rà soát lại các đề án của xã để có sự chỉ đạo tập trung. Song song đó, khuyến khích nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả như mô hình trồng hoa lan, mô hình chăn nuôi bò, mô hình trồng lài kết hợp chăn nuôi bò… Ngoài ra, xã cần chú trọng phát triển một số cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt hoặc trồng xen cây ca cao trong những vườn cây ăn trái; Riêng về chăn nuôi cũng nên đưa vào mô hình phát triển trong đề án những loại có giá trị kinh tế và phù hợp với đặc thù địa phương như nuôi ếch, nhím…
- Đối với xã Nhuận Đức:
Cần chú ý phát triển những loại cây trồng truyền thống như ớt, dưa leo, khổ qua…Ngoài ra cần nghiên cứu phát triển cây bắp lai và cây măng tây vì đây là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và đã có thị trường tiêu thụ. Và tận dụng nguồn nước kênh đông để phát triển thủy sản, chủ yếu là những loại cá có giá trị kinh tế cao. Đồng thời ưu tiên phát triển đàn bò sữa song song với phát triển diện tích trồng cỏ.
Để phục vụ tốt cho công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện Củ Chi đã ban hành qui trình để thực hiện chương trình 105. Như vậy từ khi nộp dự án cho ban điều hành chương trình 105 cho đến khi giải ngân, thời hạn sẽ không quá 01 tháng. Đồng thời thời hạn hoàn vốn cũng được kéo dài thêm: từ 06 tháng lên 01 năm cho sản xuất cây rau và cây hoa lan từ 03 năm lên 05 năm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn