Vụ Đông xuân là thời vụ thuận lợi cho cây trồng phát triển nhất là cây rau với diện tích gieo trồng trung bình khoảng 6.000 ha. Tuy nhiên t rong vụ Đông xuân cần lưu ý các sinh vật hại chủ yếu là bọ nhảy, sâu xanh, sâu tơ, dòi đục lá, sâu đục trái, rầy mềm, rầy xanh, rầy xám, sâu ăn tạp, bọ xít đen, bệnh phấn vàng, phấn trắng, rỉ trắng, vàng lá và OBV.
Về thời vụ Đông xuân 2013 – 2014 được xác định từ ngày 01/10/2013 đến 31/03/2014. Do đó khi sản xuất rau cần bố trí luân canh cây trồng hợp lý và nên luân canh với cây khác họ (ví dụ: cải – đậu – dưa).
Khi sản xuất rau vụ Đông xuân cần chú ý
1. Vệ sinh đồng ruộng
- Loại bỏ các cây (hoặc các phần cây) bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng, thu gom tập trung và xử lý nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan.
- Xử lý đất, phơi ải để diệt mầm bệnh và nhộng, sâu trong đất.
- Tỉa bỏ lá già, dọn sạch cỏ dại để tạo sự thông thoáng trên ruộng rau.
2. Giống - kỹ thuật trồng
- Chọn giống có khả năng chống chịu sâu bệnh, sạch bệnh và được thị trường ưa chuộng.
- Nên gieo ươm cây con bằng khay, bầu để tạo cây con khỏe mạnh.
- Mật độ trồng nên theo đúng khuyến cáo ghi trên bao bì, không trồng dày, vừa tốn giống, vừa làm tăng số lượng côn trùng gây hại nhưng nếu quá thưa sẽ lãng phí đất và tăng chi phí tưới nước, phòng trừ cỏ dại.
3. Phân bón
- Nên dùng phân hữu cơ đã ủ hoại mục (tận dụng những phế phẩm nông nghiệp, chất thải gia súc) để bón lót cho cây vừa cải tạo độ màu mỡ của đất, giảm chi phí sử dụng phân bón, giảm ô nhiễm môi trường.
- Bón phân đủ liều lượng, tỷ lệ N-P-K thích hợp, thời gian bón hợp lý cho từng loại cây trồng, đất, mùa vụ và không bón đạm gần ngày thu hoạch.
4. Phòng trừ sinh vật hại
- Xen canh để hạn chế sự truyền lan từ cây này sang cây khác, làm sâu hại khó tìm ra cây chủ hoặc trồng xen một số cây có tác dụng xua đuổi, ngăn ngừa côn trùng xâm nhập.
- Sử dụng các loại bẫy bả như bẫy chua ngọt, bẫy dính, bẫy dẫn dụ, bẫy màu… để bắt thành trùng. Dùng lưới chắn côn trùng và sử dụng màng phủ đất để hạn chế cỏ dại và một số dịch bệnh trong đất.
- Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm phát và sâu còn nhỏ (sâu tuổi 1 đến tuổi 3).
- Sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết và khi phun xịt thuốc BVTV phải theo “4 đúng”.
Áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, để góp phần làm giảm chi phí đầu vào (bao gồm cả chi phí hạt giống, phân bón, thuốc BVTV…), mà không làm giảm sản lượng.
Một số SVH trên rau:
* Nhóm rau muống nước và rau nhút: Trong điều kiện khô nóng, sâu ăn tạp, rầy xám là đối tượng gây hại nặng. Khi thời tiết có mưa nhiều, ẩm độ cao, bệnh thối nhũn, bệnh gỉ trắng sẽ phát sinh nhiều.
* Cây cải bông, cải củ và các loại cải ăn lá ngắn ngày họ hoa thập tự như cải xanh, cải thìa, cải ngọt:
+ Nếu trời nóng và khô bọ nhảy sẽ gây hại nặng. Thành trùng bọ nhảy gây hại nặng cải ăn lá ngắn ngày trong khí đó ấu trùng bọ nhảy sẽ gây hại nặng cây củ cải.
+ Sâu đục nõn sẽ gây thiệt hại năng suất khi cải ăn lá ngắn ngày còn nhỏ hoặc khi cải bông chuẩn bị ra bông và sẽ rất khó diệt trừ nếu sâu đã đục vào trong đọt.
+ Sâu tơ chỉ gây hại cây họ hoa thập tự, sâu phá hại nặng khi trời lạnh và mát. Tuy sâu thường gây hại nặng trong giai đoạn phát triển thân, lá nhưng nặng nhất là thời gian thu hoạch.
+ Bệnh thối nhũn do vi khuẩn và do nấm phát triển thích hợp ở điều kiện nóng ấm, ẩm độ cao.
* Cây khổ qua, cây dưa leo và các cây bầu, bí, mướp:
+ Sâu xanh 2 sọc trắng gây hại khổ qua, dưa leo, sâu gây hại từ cây con, đọt non, lá và trái. Sâu gây thiệt hại năng suất, giá trị thương phẩm khi tấn công giai đoạn cho trái.
+ Ruồi đục quả phá hại nhiều loài cây họ bầu bí như dưa leo, khổ qua, bầu, bí, mướp. Ruồi thường đẻ trứng và phá hại từ khi quả già đến chín.
+ Ruồi đục lá (dòi đục lá, sâu vẽ bùa) xuất hiện nhiều lứa trong 1 vụ rau nhưng thường gây hại nặng khi nắng, nóng.
+ Bệnh phấn vàng (bệnh sương mai) thường phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, mưa nhiều hoặc ban đêm có nhiều sương.
* Đậu cove, đậu đũa
+ Ruồi đục thân (dòi đục thân) thường xuất hiện sớm khi cây mới có 1 – 2 lá thật và khi trời nóng, ẩm, có sương hoặc mưa nhẹ.
+ Sâu đục trái cắn phá các nụ, hoa, quả, lá non và các chồi cây đậu. Trong các vụ đậu Đông xuân thường bị sâu gây hại nặng.
* Cây ớt
+ Bệnh thán thư phát triển nhiều khi thời tiết nóng, ẩm độ cao.
+ Các bệnh do virus như bệnh khảm, đốm gân lá, xoăn lá do các loại rầy, rệp, bọ trĩ và bọ phấn lan truyền.
- Để phòng trị các SVH trên đồng ruộng Bà con nông dân nên sử dụng các loại thuốc trong danh mục, có thời gian cách ly ngắn, an toàn với con người và môi trường như:
* Trừ sâu:
+ Sâu khoang, sâu xanh 2 sọc trắng, sâu đục trái, sâu tơ, sâu đục nõn, bọ nhảy, dòi đục lá, bọ trĩ: Nhóm Abamectin (Abamine, Brightin, Reasgant, Vibamec…), Xentari, Map Green, Success, Visher
+ Rầy xám, rệp: Trebon, Actara
+ Ruồi đục quả, ruồi đục thân: Oshin, Actara
* Trừ bệnh:
+ Bệnh phấn vàng (bệnh sương mai), bệnh phấn trắng, bệnh mốc sương, đốm vòng, thán thư: Amistar Top, Amistar, Daconil, Map Green 10 AS, Hoạt chất Carbendazim (Carben, Vicarben…), Ridomin Gold,…
+ Bệnh thối nhũn, thối đen do vi khuẩn: Visen, Vidoc, hoạt chất Kasugamycin (Asana, Kasumin)
+ Bệnh do virus hiện nay không có thuốc trị, chỉ dùng biện pháp phòng và trị các đối tượng là môi giới truyền bệnh.
Bên cạnh đó, hiện nay do giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao, để sản xuất có hiệu quả bà con nông dân nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật của Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần hạn chế chi phí ở mức thấp nhất.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn