3. Giá trị đa dạng sinh học
3.1. Đa dạng sinh học duy trì sự sống trên trái đất
Các HST là cơ sở sinh tồn của sự sống trên trái đất, trong đó có loài người. Các HST đảm bảo sự chu chuyển của các chu trình địa hoá: oxy và các nguyên tố cơ bản khác trên hành tinh như cácbon, nitơ. Chúng duy trì tính ổn định và màu mỡ của đất ở hầu khắp các vùng trên trái đất, làm giảm nhẹ sự ô nhiễm, giảm nhẹ thiên tai.
Bảo vệ tài nguyên đất và nước
Các quần xã sinh vật đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, những HST vùng đệm, giảm nhẹ mức độ lũ lụt và hạn hán cũng như duy trì chất lượng nước. Tán cây và các lớp lá rụng dưới đất ngăn cản sức rơi của những giọt mưa làm giảm tác động của mưa lên đất; rễ cây và các vi sinh vật đất làm thông thoáng không khí trong đất và giảm bớt khả năng xảy ra lũ lụt khi có mưa lớn và làm cho dòng chảy chậm lại đến hàng ngày, hàng tuần sau khi mưa.
Việc huỷ hoại thảm thực vật do khai thác gỗ, do khai hoang làm nông nghiệp và những hoạt động khác của con người làm tốc độ xói mòn đất và sạt lở đất tăng lên rất nhanh, làm giảm giá trị sử dụng đất đối với con người. Đất bị suy thoái khiến thảm thực vật không thể phục hồi được và rất có thể làm cho đất không thể dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp được nữa.
Thêm vào đó tầng đất màu khi bị rửa trôi theo nước sẽ chảy tràn xuống HST thuỷ sinh, có thể gây ra ô nhiễm làm chết các động vật sống trong nước. Phù sa trôi vào sông, suối còn làm đục nước thậm chí gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Việc xói mòn đất cũng gây bồi lấp các hồ chứa nước của các trạm thuỷ điện, làm suy giảm khả năng phát điện hoặc làm cản trở các tàu bè đi lại trên các sông và cảng. Những trận mưa lụt chưa từng thấy ở khắp nơi trên toàn cầu trong thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng, khai thác quá mức trên các khu vực rừng đầu nguồn. Điều này đã buộc chính phủ nhiều nước phải ra sắc lệnh hạn chế khai thác gỗ hoặc đóng cửa rừng, nhiều nơi phải phát động phong trào trồng cây gây rừng. Giá trị hạn chế lũ lụt của những vùng đầm lầy nói riêng và các vùng đất ngập nước nói chung cũng hết sức quan trọng.
Điều hoà khí hậu
Quần xã thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà khí hậu địa phương, khí hậu vùng và ngay cả khí hậu toàn cầu.Trong khuôn khổ địa phương, cây cối cung cấp bóng mát và khuyếch tán hơi nước làm giảm nhiệt độ không khí khi thời tiết nóng nực. Cây cối trong vườn, trong công viên còn có tác dụng chắn gió và hạn chế sự mất nhiệt từ các toà nhà lớn trong điều kiện khí hậu lạnh giá.
Phân huỷ các chất thải
Các quần xã sinh vật có khả năng phân huỷ các chất gây ô nhiễm kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các chất thải sinh hoạt khác đang ngày càng tăng do các hoạt động của con người. Các loài nấm và vi khuẩn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những quá trình phân huỷ này. Khi những HST như vậy bị tổn thương hay bị suy thoái thì cần phải thay thế bằng một hệ thống nhân tạo để kiểm soát ô nhiễm với giá tiền đắt gấp nhiều lần với chức năng tương tự.
Khả năng sản xuất của hệ sinh thái
Khả năng quang hợp của các loài thực vật và các loài tảo lam làm cho năng lượng mặt trời được cố định lại trong những tế bào sống. Năng lượng được tích luỹ trong thực vật được con người thu lượm để sử dụng một cách trực tiếp như khi họ thu lượm củi hoặc cắt cỏ làm thức ăn cho gia súc, hay hái lượm các loài rau, thực phẩm trong thiên nhiên. Những vật liệu có nguồn gốc thực vật cũng là điểm khởi đầu của các chuỗi thức ăn. Việc huỷ hoại thảm thực vật trên một khu vực mà nguyên nhân là do chăn thả động vật nuôi, do khai thác gỗ một cách quá mức hoặc do nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên đã huỷ hoại khả năng tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất của các HST, do vật sẽ dẫn đến việc mất những sản phẩm do thực vật sản sinh nên các quần thể động vật sống trong vùng (kể cả con người) đều phải gánh chịu hậu quả.
Tương tự như vậy, ở các khu vực cửa sông, dải ven biển là nơi thực vật và tảo thường phát triển rất mạnh. Những thực vật và tảo là mắt xích đầu tiên của hàng loạt các chuỗi thức ăn tạo thành các hải sản như trai, sò, tôm, cua. Sự đánh bắt quá mức dẫn đến việc huỷ hoại các vùng cửa sông và vùng duyên hải làm cho nước Mỹ mất đi trên 200 triệu đôla mỗi năm, trong đó chủ yếu là mất đi các loài cá thương mại và mất đi những khu vui chơi, giải trí cùng các dịch vụ đánh bắt cá thể thao. Dù cho các HST đã bị huỷ hoại hoặc suy thoái này đều có thể phục hồi nhưng phải trả với cái giá rất đắt và thường l à không thể phục hồi đầy đủ được các chức năng sinh thái như đã có, còn tính ĐDSH thì không bao giờ có thể khôi phục được.
Những giá trị kinh tế gián tiếp của ĐDSH như các quá trình xảy ra trong môi trường và các chức năng của HST là những mối lợi không đo đếm được và nhiều khi là vô giá. Do những lợi ích này không phải là hàng hoá hay là dịch vụ nên thường không tính đến trong quá trình tính toán giá trị GDP của quốc gia. Tuy vậy, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các sản phẩm tự nhiên mà nền kinh tế các nước không bị phụ thuộc.
3.2.Giá trị sử dụng trực tiếp của đa dạng sinh học
ĐDSH trực tiếp phục vụ đời sống của con người góp phần xoá đói, giảm nghèo… Đây là các giá trị kinh tế trực tiếp được con người trực tiếp thu lượm và sử dụng. Những giá trị này thường được tính toán thông qua việc điều tra, khảo sát những hoạt động của một số nhóm người đại diện tại các điểm khai thác và đối chiếu so sánh với những số liệu được thống kê về xuất nhập khẩu. Những giá trị trực tiếp có thể được tiếp tục chia thành giá trị sử dụng cho tiêu thụ, đối với những sản phẩm hàng hoá được sử dụng ở địa phương và giá trị sử dụng cho sản xuất, cho các sản phẩm bán ra thị trường.
Giá trị sử dụng cho tiêu thụ
Giá trị sử dụng cho tiêu thụ được đánh giá bao gồm các sản phẩm tiêu dùng cho cuộc sống hàng ngày như củi đốt và những loại sản phẩm khác được sử dụng cho gia đình và không xuất hiện ở thị trường trong nước và quốc tế. Những người dân sống gần những nguồn tài nguyên thiên nhiên thường có xu hướng khai thác sử dụng chúng phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của họ. Nếu người dân không có điều kiện để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này bởi nhiều nguyên nhân như do môi trường bị xuống cấp, do nguồn tài nguyên bị khai thác quá mức hoặc do sự quản lý nghiêm ngặt của các khu bảo tồn các nguồn tài nguyên nhiên nhiên thì chất lượng cuộc sống của họ bị xuống cấp, đến mức họ không thể sống được và buộc phải di chuyển đến nơi khác để khai thác.
Các nguồn tài nguyên ĐDSH có thể được sử dụng trong rất nhiều mặt của cuộc sống như củi đun, rau cỏ, hoa quả, thịt cá, dược phẩm, nguyên vật liệu,... 80% dân số thế giới vẫn dựa vào những dược phẩm mang tính truyền thống lấy từ các loài động thực vật để sử dụng cho những sơ cứu ban đầu khi họ bị nhiễm bệnh.
Hiện nay, đã có 119 chất hoá học tinh chế từ 90 loài thực vật có mạch bậc cao được sử dụng trong dược học hiện đại trên toàn thế giới và ngày càng phát hiện thêm nhiều cây con có khả năng cứu loài người khỏi các bệnh tật hiểm nghèo. Nền y học dân tộc dựa chính vào việc sử dụng các cây cỏ, là cơ sở của việc bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho 80% dân các nước đang phát triển. Mặc dù cây cỏ hoang dã đã được sử dụng rộng rãi trong việc chữa bệnh trên khắp thế giới nhưng mới chỉ có 2% của 270.000 loài thực vật có mạch bậc cao được nghiên cứu một cách đầy đủ, trong đó có nhiều loài có triển vọng. Ước tính việc buôn bán các loại thuốc có nguồn gốc từ cây cỏ thiên nhiên và từ vi sinh vật trên toàn thế giới thu lợi hàng tỷ đôla Mỹ mỗi năm.
Một trong những nhu cầu không thể thiếu được trong cuộc sống là nguồn prôtein, có thể lấy được thông qua việc săn bắt các loài động vật. Trên toàn thế giới, 100 triệu tấn cá, chủ yếu là các loài hoang dã bị đánh bắt mỗi năm, phần lớn số cá này được sử dụng ngay tại địa phương.
Mặc dù hầu hết các nguồn thực ăn của con người hầu hết được đáp ứng bởi các nguồn từ động vật nuôi, thực vật và cá, tuy nhiên, các loài động thực vật hoang dã cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng của con người. Rất nhiều các loài động vật hoang dã được sử dụng làm thức ăn, cung cấp rất nhiều các dưỡng chất cần thiết như protein, chất béo và dầu. Nguồn protein động vật dồi dào nhất là từ các động vật cỡ trung bình cho đến cỡ lớn. Những người đi săn cũng thường săn bắn các loài thú hơn là chim và bò sát.
Điều rất phổ biến ở các nước đang phát triển là cuộc sống bị phụ thuộc vào nhiều vào nguồn tài nguyên. Ngay cả ở một số vùng ở Bắc nước Mỹ, hàng trăm ngàn người cũng có cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên như củi để đun nấu, sưởi ấm hay thịt cho bữa ăn hàng ngày.
Nguồn: www.gef.monre.gov.vn
Nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi
ĐDSH cung cấp nguồn gen để nâng cao chất lượng vật nuôi cây trồng. Một trong những giá trị của ĐDSH được thể hiện rõ ràng là đa dạng di truyền trong nông nghiệp. Năng suất đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật (hóa chất nông nghiệp và máy móc) và yếu tố di truyền.
Nhiều loại sinh vật hoang dại họ hàng gần gũi với cây trồng, vật nuôi có những đặc tính quý giá như: Sức chống chịu đối với sâu bệnh cao; Chống chịu đối với sự thay đổi kỹ thuật trồng trọt (ví dụ như phản ứng đối với thuốc trừ sâu); Có các loại gen có năng suất cao hơn (ví dụ kích thước của hạt thóc lớn hơn…); Có các đặc tính về chất lượng (ví dụ như sự thay đổi về lượng protein hay dầu trong lá, thân, hạt…);…
Các loài cây, con mà chúng ta đang nuôi trồng luôn cần được bổ sung những tính trạng di truyền mới lấy từ các cây, con hoang dã là những họ hàng gần gũi sống trong thiên nhiên bằng cách lai giống. Trong điều kiện thiên nhiên, các loài hoang dã đã tiếp tục được biến hoá, thay đổi để thích nghi với những điều kiện sống mới như thay đổi khí hậu và có khả năng chống chịu với những loại bệnh mới. Các loài đó là nguồn cung cấp các gen mới để cải tạo các cây, con nuôi trồng của chúng ta. Tiềm năng của ĐDSH được đánh giá một cách rõ ràng qua ví dụ sau: một số giống ngô hoang dại kháng được nhiều bệnh của ngô, có khả năng sinh trưởng lâu năm. Gen của các giống ngô này được ghép vào những giống ngô thuần chủng, có khả năng tăng sản lượng ngô trồng trên thế giới đạt giá trị hàng tỷ đôla, giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu…
3.3.Đa dạng sinh học phục vụ đời sống tinh thần và văn hoá
Khía cạnh văn hoá
Thế giới tự nhiên có ảnh hưởng đến triết học, ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo và rất nhiều các khía cạnh khác của xã hội của các cộng đồng. Trong nền văn hoá châu Phi và châu Á, các loài động vật hoang dã được coi là biểu tượng trong tín ngưỡng, thần thoại và các tác phẩm hội họa và điêu khắc. Sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các nguồn tài nguyên hoang dã đã tạo nên mối quan hệ gần gũi giữa các yếu tố sinh thái chi phối các loài động thực vật hoang dã và các tổ chức xã hội trong một số bộ tộc người.
Ví dụ, sự thay đổi theo mùa của các kỹ thuật săn bắn (vào mùa mưa hoạt động săn bắn mang tính cá nhân, còn vào mùa khô xu hướng săn bắn mang tính tập thê-là dùng các lưới bắt và đi thành từng nhóm đông người) của bộ tộc người Babinga ở nước Cộng hoà Trung Phi tác động đến các địa điểm cắm trại, thành phần của các nhóm người và quan hệ xã hội. Trong rất nhiều nền văn minh, giá trị xã hội của người đàn ông được thể hiện thông qua lòng dũng cảm của anh ta trong hoạt động săn bắn.
Giải trí, du lịch và thẩm mỹ
Rất nhiều loài động vật hoang dã được thuần dưỡng với mục đích bầu bạn với con người, như sử dụng làm vật nuôi, do nhu cầu giải trí, của cá nhân hay cho cộng đồng như việc trưng bày trong các vườn thú. Tại Nam nước Mỹ, khảo sát tại 4 làng Kayapo đã cho kết quả là có ít nhất 31 loài động vật hoang dã được thuần dưỡng thành các loài động vật nuôi, trong đó có 4 loài rùa, 16 loài vẹt và vẹt đuôi dài, một loài thằn lằn và 1 loài nhện (Redford và Robinson, 1991).
Nguồn: www.safari.vinpearlland.com
Nuôi dưỡng thú vật đã trở thành thói quen rất phổ biến của con người. Do vậy, hoạt động thương mại xuất khẩu các loài động vật hoang dã làm thú nuôi từ các nước nhiệt đới đến các nước phát triển rất phát đạt và thu được nguồn lợi lớn. Ví dụ doanh thu chỉ của việc buôn bán vẹt, bao gồm cả các loài hoang dã và các loài đánh bắt được ước tính khoảng 300 triệu đôla mỗi năm. Tổng giá trị của việc xuất khẩu vẹt ở các nước Trung và Nam Hoa Kỳ từ năm 1982 đến 1986 ước tính khoảng 1,6 tỷ đô la Mỹ. Vẹt là loài động vật có giá trị hơn các loài chim nhỏ khác mặc dù chúng chỉ được buôn bán với số lượng rất nhỏ nhưng chúng lại đóng góp phần lợi nhuận rất lớn trong hoạt động buôn bán này.
Rất nhiều thú vui của con người được tạo nên thông qua các loài động vật hoang dã như tổ chức các cuộc tham quan, dã ngoại để quan sát đời sống hàng ngày của chúng, xem vô tuyến và các đoạn phim về động vật hoang dã hay chỉ đơn giản là biết rằng chúng vẫn đang tiếp tục tồn tại. Hình thức sử dụng không tiêu thụ này rất khó để xem xét, đánh giá nhưng đây có thể là giá trị kinh tế lớn nhất mà các loài động vật hoang dã đem lại. Một trong những cách dễ dàng hơn nhằm đánh giá giá trị của hoạt động này là định lượng số tiền mà các khách du lịch sẵn sàng chi trả cho hoạt động vui chơi giải trí của họ với các loài động vật hoang dã. Người ta ước tính rằng các khách du lịch trả 200 đôla Mỹ/người cho một giờ chiêm ngưỡng loài Gorilla Gorilla beringei ở Guanda. Những du khách này đã đóng góp gần 1 triệu đôla Mỹ hàng năm do doanh thu trực tiếp của vườn thú. Tại Kenya, người ta ước tính rằng voi châu Phi đóng góp khoảng 25 triệu đôla Mỹ mỗi năm cho nền công nghiệp du lịch. Thưởng ngoạn các loài động vật và các sinh cảnh hoang dã là một trong những lĩnh vực được phát triển và mở rộng nhanh nhất trong ngành công nghiệp du lịch. Du lịch sinh thái là một phần quan trọng của ngành công nghiệp du lịch và có tầm quan trọng đối với cộng đồng địa phương, đặc biệt là ở các nước đang phát triển./.
NH.
Tài liệu tham khảo:
1. Lovejoy T.E., 1980. Changes in Biological Diversity, Barney GO (ed) The Global 2000 Report to the President, Vol 2 (The technical report). Penguin, Harmondsworth, UK, pp 327–32.
2. Norse E.A., McManus R.E., 1980. Ecology and living resources biological diversity, Quality C on E (ed) Environmental quality 1980; The eleventh annual report of theCouncil on Environmental Quality. Council on Environmental Quality, Washington D.C., USA, pp 31–80.
3. Wilson E.O., 1985. The biological diversity crisis: A challenge to science. Issues Sci. Technol.2:20–29.
4. Convention Biological Diversity, 1992.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn