GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐỘC HẠI TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐỘC HẠI

TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

I. Toàn cảnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Thành phố Hồ Chí Minh

1. Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích đất nông nghiệp khoảng 78.000 ha, tập trung chủ yếu ở 5 huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Trong đó, diện tích sản xuất lúa 20.000 ha, diện tích sản xuất rau 14.000 ha, hoa lan cây kiểng 2.200 ha, còn lại là các cây trồng khác như cây bắp, cây ăn trái, cây công nghiệp.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị. Hiện nay thuốc BVTV vẫn được xem là yếu tố hàng đầu trong việc kiểm soát và phòng ngừa sâu bệnh sau thời kỳ cách mạng xanh. Tuy nhiên chúng là những nguyên nhân gây hệ lụy cho môi trường, con người, cây trồng, vật nuôi và hệ sinh thái.

2. Theo kết quả điều tra đánh giá ảnh hưởng thuốc BVTV sử dụng trên rau trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm 2012 và 2013 của Chi cục BVTV thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy

- Về loại thuốc BVTV có 102 loại thuốc BVTV thương phẩm, thuộc 50 hoạt chất khác nhau của 12 nhóm thuốc hóa học được sử dụng. Trong đó các nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để trừ sâu hại gồm nhóm vi sinh (Abamectin, Emamectin benzoat, Dinotefuran, …), nhóm cúc tổng hợp (Cypermethrin, Alpha-Cypermethrin), nhóm Carbamate (Fenobucard) với tỷ lệ lần lượt là 63,4%; 14,1% và 5%. Ngoài ra, các loại thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ như Profenfos, Chlorpyrifos ethyl vẫn được nông dân sử dụng trên ruộng rau với tỷ lệ thấp (khoảng 1%).

Thuốc trừ bệnh phổ biến thuộc các nhóm Carbamate (Carbendazin) chiếm tỷ lệ 24,5%; nhóm hữu cơ nội hấp (triazole) bao gồm các hoạt chất Hexaconazole, Difenoconazole chiếm 17,4%; nhóm kháng sinh (Validamycin A) là 10,5%, nhóm lưu huỳnh hữu cơ (Mancozeb, Propineb, Zineb) là 9,6%.

Thuốc diệt cỏ thuộc các nhóm chlorinate phenoxy (2,4D, fenoxaprop) và admire (butachlor và pretilachlor) được sử dụng phổ biến.

Để trừ sâu hại, thuốc BVTV thuộc nhóm độc II (mức độ độc cao) được sử dụng phổ biến (78,2%), thuốc BVTV thuộc nhóm độc III và IV được sử dụng với tỷ lệ khoảng 17,9%. Ngoài ra, thuốc BVTV thuộc nhóm độc I (mức độ rất độc) vẫn còn được sử dụng với tỷ lệ 3,8%. Các hoạt chất thuốc BVTV thuộc nhóm lân hữu cơ vẫn được sử dụng và các hoạt chất này thường thuộc nhóm độc II.

Thuốc trừ nấm bệnh sử dụng phổ biến thuộc nhóm độc IV và III với tỷ lệ lần lượt là 55,6% và 42,2%. Bên cạnh đó vẫn còn 2,2% thuốc BVTV thuộc nhóm độc II được sử dụng. Các hoạt chất thuốc thuộc nhóm độc I không còn được sử dụng. Nhóm Carbamate được sử dụng nhiều nhất, kế đến là nhóm triazole. Phần lớn thuốc diệt cỏ thuộc nhóm độc IV, ngoại trừ hoạt chất 2,4D thuộc nhóm độc II.

- Về hỗn hợp thuốc còn dư sau khi phun, phần lớn nông dân xử lý bằng cách phun trực tiếp cho cây trồng ven bờ hay những nơi bị sâu bệnh tàn phá nhiều, hoặc đổ trực tiếp xuống mương, ruộng. Việc súc rửa bình phun thuốc được phần lớn nông dân thực hiện ngay tại kênh nội đồng, mương và nước thải được đổ trực tiếp xuống ruộng, mương. Việc làm này đã đưa dư lượng thuốc BVTV vào nước trong kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và tác động xấu đến hệ sinh thái.

- Phun thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: Bên cạnh các biện pháp thủ công như nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh, sử dụng bẫy bã để bắt côn trùng, gom - bắt và tiêu diệt sâu hại bằng tay thì biện pháp sử dụng thuốc BVTV là biện pháp chủ yếu được nông dân sử dụng để phòng trị sâu bệnh hại.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng phương pháp không những không đem lại hiệu quả phòng trừ mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động, người sử dụng nông sản và môi trường sống. Theo kết quả điều tra cho thấy, phần lớn nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng và nồng độ thuốc theo hướng dẫn ghi trên nhãn ( khoảng 90 %). Vẫn còn khoảng 10 % nông dân sử dụng tăng liều so với khuyến cáo. Lý do chính của việc sử dụng với liều cao hơn chỉ dẫn là để chắc chắn đạt hiệu quả sau khi phun. Không có trường hợp nông dân sử dụng ít hơn liều lượng chỉ dẫn.

Ngoài ra, người dân còn trộn hai hoặc nhiều hơn loại thuốc trong một lần phun xịt (khoảng 10%), lý do của việc làm này là để tiết kiệm thời gian, công lao động, và tăng hiệu quả phòng trừ nhiều loại sâu bệnh hại trên ruộng. Bên cạnh kỹ thuật sử dụng thuốc thì trang bị bảo hộ lao động khi pha, phun xịt thuốc cũng là vấn đề cần được quan tâm.

- Bảo hộ lao động giúp bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân người trực tiếp sử dụng thuốc, tuy nhiên trang bị bảo hộ của người dân vẫn còn xơ xài, chưa đầy đủ. Chỉ có 4,6% nông dân sử dụng mặt nạ; 26,2% số người có đeo kính mắt; 61,5% mặc quần áo bảo hộ lao động; 76,2% đeo găng tay; 96,9% đội nón và 97,7% số người đeo khẩu trang. Không phải người dân không biết đến những trang bị bảo hộ này mà xuất phát từ chính ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. Khi phỏng vấn nông dân về tác dụng của các trang bị bảo hộ này, đa số nông dân đều trả lời được, tuy nhiên do cảm thấy rườm rà, bất tiện nên người dân không sử dụng nhất là mặt nạ và mắt kiếng.

- Xử lý bao bì, vỏ chai thuốc BVTV: Theo điều tra của những năm trước đây, phần lớn nông dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thì bao bì, vỏ chai thuốc bị vứt trực tiếp tại nơi sử dụng, thường là trên bờ ruộng, kênh, trên vườn. Một số nông dân khác thì thu gom vỏ chai, bao bì thuốc đem đốt hoặc chôn lấp không an toàn ngay tại ruộng, vườn. Ngoài ra, một số hộ dân còn tận dụng các chai, bình thuốc để làm các vật dụng trong gia đình. Việc làm này đã góp phần không nhỏ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng động.

Từ năm 2010, Chi cục BVTV triển khai xây dựng thí điểm mô hình thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV tại các vùng sản xuất lúa, rau tập trung trên địa bàn thành phố và tiếp tục nhân rộng mô hình trong những năm sau đó. Mô hình hệ thống thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV hoạt động đã nâng cao ý thức của người dân, góp phần thay đổi một cách sâu sắc nhận thức của nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, không còn vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bừa bãi ngoài đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả điều tra của Chi cục BVTV năm 2010 có 47,6% nông dân vứt vỏ chai, bao bì thuốc tại nơi sử dụng, đến năm 2013 tỷ lệ này đã giảm xuống đáng kể chỉ còn khoảng 5% nông dân không thu gom vỏ chai, bao bì thuốc sau khi sử dụng mà vứt trực tiếp tại ruộng.

3. Thực trạng sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh làm nổi lên vấn đề đáng lưu tâm là việc lựa chọn thuốc BVTV để sử dụng trên cây trồng. Có trên 78 % sử dụng thuốc BVTV thuộc nhóm độc II (mức độ độc cao). Với sự đa dạng các loại thuốc BVTV trên thị trường hiện nay, người dân gặp khó khăn trong việc lựa chọn thuốc để sử dụng.

Theo Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng nhóm thuốc trừ sâu đã có 745 hoạt chất và 1.662 tên thương phẩm, thuốc trừ bệnh có 552 hoạt chất và 1.229 tên thương phẩm. Phần lớn là các hoạt chất thuốc hóa học (trên 70%), và khoảng 30% hoạt chất thuốc sinh học. Trong số này hoạt chất hóa học có độ độc nhóm II (độ độc cao) chiếm tỷ lệ lớn, một số thuốc có thành phần hoạt chất clor hữu cơ, lân hữu cơ vẫn được phép sử dụng.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn thuốc bị tác động bởi nhiều yếu tố như theo tư vấn của nhân viên cửa hàng bán thuốc, kinh nghiệm bản thân, giá cả, hiệu lực của thuốc,...Kết quả điều tra cho thấy hai hoạt chất Abamectin và Emamectin benzoat thuộc nhóm thuốc trừ sâu sinh học được nông dân sản xuất rau trên địa bàn thành phố sử dụng phổ biến (trên 60%), tuy nhiên hai hoạt chất này có độ độc cao (nhóm II). Số nông dân còn lại chọn thuốc hóa học để sử dụng do tác động của thuốc nhanh, phổ tác động rộng mà giá thành lại rẻ hơn thuốc sinh học.

Hiện nay, theo khuyến cáo của Cục BVTV thuốc BVTV sử dụng trên rau nên sử dụng là những thuốc có nguồn gốc vi sinh, tuy nhiên thuốc phải có độ độc cấp tính thấp và có thời gian cách ly ngắn để đảm bảo sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và an toàn cho môi trường. Do vậy, nên từng bước loại bỏ dần thuốc có độ độc cao (nhóm II), thuốc có gốc clor hữu cơ, lân hữu cơ mà thay vào đó là sử dụng các thuốc an toàn với môi trường và con người bên cạnh hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao.

II. Giải pháp giảm thiểu thuốc BVTV độc hại trong sản xuất nông nghiệp

Việc sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng là việc làm cần thiết, tuy nhiên do có độ độc cao nên các hóa chất BVTV cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhằm góp phần giảm thiểu dần thuốc BVTV độc hại trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục BVTV thành phố đã thực hiện một số giải pháp như:

1. Xây dựng kênh truyền thông hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV: Ban hành cẩm nang danh mục thuốc BVTV sử dụng trên rau, trên cơ sở Danh mục các hoạt chất thuốc BVTV được Cục BVTV khuyến cáo lựa chọn để sử dụng trên rau khi cần thiết và Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Các hoạt chất thuốc khuyến cáo nông dân sử dụng trong danh mục này chủ yếu có nguồn gốc sinh học, có độ độc cấp tính thấp và có thời gian cách ly ngắn. Cuốn cẩm nang này, ngoài mục đích chính là hướng dẫn cho nông dân trong việc lựa chọn loại thuốc thích hợp để phòng trị sinh vật hại trên rau mà còn giúp cho các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV cũng như cán bộ kỹ thuật tại địa phương có cơ sở để hướng dẫn, khuyến cáo người nông dân trong việc lựa chọn loại thuốc thích hợp khi sử dụng, tránh tình trạng sử dụng thuốc BVTV bừa bãi không theo khuyến cáo, không tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng về sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.

2. Các giải pháp phòng trị sinh vật hại

- Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): Bên cạnh việc sử dụng thuốc BVTV thì việc áp dụng các biện pháp canh tác cơ bản như vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối, luân canh, xen canh cây trồng, sử dụng giống kháng và tuân thủ lịch thời vụ cũng có thể làm sâu bệnh ít xuất hiện, giảm việc phun thuốc giai đoạn đầu vụ. Việc giảm sử dụng thuốc BVTV giai đoạn đầu vụ làm cho sinh vật có lợi và thiên địch duy trì trên đồng ruộng, làm tăng đa dạng sinh học, giúp khống chế sinh vật hại trong một ngưỡng cho phép. Chương trình IPM được chứng minh là có hiệu quả trong thực tế quản lý dịch bệnh.

- Áp dụng phương pháp đấu tranh sinh học để quản lý sâu hại trên đồng ruộng bằng cách sử dụng thiên địch (bọ xít hoa gai vai nhọn Eocanthecona furcellata), ong ký sinh... từ đó giúp giảm lượng thuốc trừ sâu nông dân sử dụng, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Công nghệ sinh thái cũng có thể áp dụng để khống chế sâu hại trên ruộng, làm giảm sử dụng thuốc BVTV. Ven bờ ruộng trồng các loại hoa có phấn hoa (sao nhái, đậu bắp, xuyến chi, ..) nhằm thu hút các loài thiên địch, góp phần làm tăng đa dạng sinh học trên ruộng, giúp khống chế sâu hại.

- Quy hoạch thu gom, tập kết bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng: đây là một trong những giải pháp có tác động lớn góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay là hệ thống cống thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV. Từ năm 2010, Chi cục BVTV phối hợp với Trung Tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT xây dựng, lắp đặt hệ thống cống thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV tại những điểm trên hệ thống giao thông nội đồng tại những cánh đồng sản xuất lúa, rau của các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Mô hình hệ thống thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV hoạt động đã nâng cao ý thức của người dân, góp phần thay đổi một cách sâu sắc nhận thức của nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV , không còn vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bừa bãi ngoài đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.

- K iểm tra , hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV trên rau. Kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng theo tiêu chuẩn cơ sở TC21:2008; Thanh, kiểm tra việc chấp hành các điều 39, 40 và điều 41 của Thông tư 03/2013/TT-BNN-PTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Điều 21 của Điều lệ quản lý thuốc BVTV ban hành theo Nghị định 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ. Bên cạnh việc kiểm tra sử dụng thuốc ngoài đồng ruộng, Chi cục BVTV sẽ tiến hành lấy mẫu rau của hộ nông dân đang hay chuẩn bị thu hoạch để tiến hành kiểm tra dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư trong sản phẩm.

Ngoài việc kiểm tra sử dụng thuốc BVTV ngoài đồng, còn hướng dẫn người dân kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, Đúng lúc, Đúng nồng độ và liều lượng, Đúng cách; đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Trang bị bảo hộ và an toàn lao động khi phun thuốc. Cách thức xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi đã sử dụng.

“Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ một nền sản xuất nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường” là phương hướng sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp trong thời gian tới. Để thực hiện được điều đó, nên từng bước chuyển sang sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV có hiệu quả cao trong phòng trừ sâu bệnh nhưng an toàn hơn với người và môi trường – những sản phẩm thuốc BVTV thân thiện với môi trường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,220,349
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây