Giải pháp phục hồi sản xuất cây lài tại TP. Hồ Chí Minh - Phần 1 phòng trừ sinh vật hại chính trên cây lài

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

PHẦN 1. PHÒNG TRỪ SINH VẬT HẠI CHÍNH TRÊN CÂY LÀI

I. HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT VÀ CÁC HẠN CHẾ

1. Hiện trạng sản xuất

Cây lài là một loại cây cho hoa thơm dùng trong chế biến thực phẩm, là cây đặc thù của một số phường xã của Quận 12 và huyện Hóc môn, cây có giá trị kinh tế cao và là nguồn thu nhập hàng ngày của nhiều hộ nông dân. Vào thời điểm năm 2001 là lúc cây lài phát triển mạnh với diện tích 600ha ở các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc và An phú Đông thuộc Quận 12 và trên 100 ha ở xã Nhị Bình thuộc huyện Hóc Môn, nông dân trồng lài có năng suất cao và giá cả thu mua hợp lý đem lại lợi nhuận cho nông dân.

Từ năm 2006 trở lại đây diện tích lài giảm dần hàng năm và đến nay thì chỉ còn lại 74,5 ha ở Quận 12 và 30 ha ở huyện Hóc Môn, năng suất hiện nay thấp và giá cả bấp bênh tùy theo mùa vụ. Diện tích lài giảm một số được nông dân cho mướn đất trồng rau muống nước, một số nông dân chuyển qua cây trồng khác như trồng dừa, hoa kiểng ….

2. Các hạn chế trong quá trình sản xuất

Trong quá trình sản xuất đã nảy sinh các hạn chế chính làm cho người nông dân không còn mặn mà với cây lài nữa, ngoài ra còn có các han chế khách quan cũng tạo điều kiện cho diện tích lài giảm như sau:

a) Các hạn chế chính:

Đa số các vườn lài được trồng vào khoảng năm 2000, đến nay đã già cỗi, phải trồng lại mới, nhưng do muốn trồng mới phải để ải hoặc trồng cây trồng khác vài mùa rồi mới trồng lài, sau trồng đến năm thứ hai mới thu hoạch được, do đó nông dân không thể đầu tư vì không có vốn. Do vậy các vườn lài còn tồn tại hiện nay qua nhiều năm sâu bệnh tích lũy nhiều trong đó có sâu hại: sâu ăn lá (không đáng ngại), sâu đục bông, bọ phấn, bọ trĩ; bệnh hại: bệnh khô cành, bệnh chết bụi, bệnh thối bông, tím bông làm giảm năng suất đáng kể.

Ô nhiễm môi trường nước do các khu công nghiệp thải ra sông, các vườn lài sử dụng nguồn nước tưới từ sông qua các rạch vào ruộng của mình, lâu dần gây ô nhiễm làm cây suy kiệt từ từ, ngoài ra trong năm thường có 80% số vườn lài bị ngập úng do triều cường kết hợp mưa, thời gian ngập từ 3 đến 5 ngày.

b) Các hạn chế khách quan:

- Vật tư nông nghiệp tăng, có thời điểm phân bón tăng cao làm người nông dân sản xuất lài không có lời.

- Giá cả đầu ra bấp bênh, mùa mưa năng suất thấp lại giá cao, mùa nắng lài ra hoa rộ nhưng giá rẻ do do không trùng với thời gian thu hoạch trà.

- Nhân công cho việc thu hoạch lài ít, vào thời điểm lài rẻ, thu hoạch lài bán không đủ trả tiền nhân công.
 
Hiện trạng các vườn lài không được chăm sóc, trồng xen các cây trồng khác Tại Nhị Bình, huyện Hóc Môn

II. PHÒNG TRỪ SINH VẬT HẠI CHÍNH TRÊN CÂY LÀI

1. Sâu hại

- Sâu đục bông ( Palpita vitrealis) xuất hiện quanh năm nhưng phát triển nhiều vào mùa mưa, sâu kích thước rất nhỏ, gây hại trên nụ hoa lúc còn non, đục vào bông làm bông hư hại không thu hoạch được.

Biện pháp phòng trừ có thể sử dụng thuốc nhóm Abamectin như Vertimec 1,8 EC, Tập kỳ 1,8 EC….. để phòng trị

- Bọ phấn ( Bemisia sp) Bọ trĩ ( Thrips orientalis Bagnall) là côn trùng chích hút có kích thước nhỏ, thường tập trung ở đọt và mặt dưới lá non, chích hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, ngoài ra còn là môi giới lan truyền bệnh virus, thường phát triển nhanh trong điều kiện thời tiết nóng và khô.

Biện pháp phòng trị gồm chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế tác hại của bọ, dùng các loại thuốc có tác động tiếp xúc như Confidor 100 SL, Admire 050 EC, Regent 800 WG… nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun.

2. Bệnh hại

- Bệnh khô cành chết nhánh do nấm Gloes porium sp, Colletotrichum sp, bệnh xuất hiện quanh năm, thường cao điểm từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, các nhánh héo và khô dần, có thể khô một đoạn hoặc khô cả cành.

Biện pháp phòng trị gồm cắt tỉa cành tạo cho cây thông thoáng và loại bỏ những cành bị bệnh, bón phân cân đối hợp lý tăng cường bón lân và kali, có thể sử dụng các loại thuốc sau Rinhmyn 680 WP, Sulfat Đồng, Aliette 800 WG.

- Bệnh chết bụi do nấm Pythium sp, Fusarium sp thường xuất hiện vào mùa mưa cao điểm bệnh vào tháng 8, thường nặng sau thời điểm ruộng bị ngập nước do mưa và triều cường, triệu chứng cây bị vàng lá và từ từ chết cả cây.

Biện pháp phòng trị cần kết hợp biện pháp canh tác như xử lý đất bón vôi, tăng cường lân và kali giảm lượng đạm trong mùa mưa, mực nước trong mương phải được chủ động, tránh ngập trong mùa mưa, đồng thời sử dụng các loại thuốc gốc đồng như Sulfat đồng, Aliette tưới gốc và phun lên cây. Ngoài ra giải quyết được vấn đề ngập úng chung cho vùng đất trồng lài trong mùa mưa, vấn đề ô nhiểm nguồn nước, gia cố bờ bao ven sông sẽ giảm nhiều đến bệnh chết bụi.

Bệnh chết bụi
Bệnh khô cành chết nhánh

- Bệnh thối bông, tím bông do nấm Gloeosporium sp. bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường nặng vào mùa mưa làm ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch bông, triệu chứng thối bông thường xuất hiện trên nụ mới tượng, tím bông thường xuất hiện khi bông nở, ảnh hưởng do mưa nhiều và có vết thương.

Biện pháp phòng trị gồm cắt tỉa cành bệnh, tạo cây thông thoáng ra nhiều chồi non và mầm hoa, tránh gây xây xát tạo vết thương, bón phân NPK cân đối hợp lý, đồng thời sử dụng các loại thuốc như Score 250 EC, Ridomil MZ 720 WP, Coc 85WP Phun vào thời điểm có nhiều nụ hoa.

Bệnh thối bông
Bệnh tím bông

Chú ý khi sử dụng thuốc BVTV phòng trị sâu bệnh trên cây lài đúng kỹ thuật chủ yếu là thực hiện nguyên tắc 4 đúng

*Đúng thuốc: Chọn dùng loại thuốc có hiệu quả phòng trừ cao, ít độc cho thiên địch, con người và môi trường.

*Đúng lúc: Dùng thuốc BVTV khi dịch hại đang phát sinh và có khả năng ảnh hưởng năng suất

*Đúng liều lượng và nồng độ pha chế: Trên mỗi nhãn chai hoặc bao thuốc đều có ghi nồng độ và liều lượng thuốc phun xịt, đọc kỹ và thực hiện đúng theo hướng dẫn.

*Đúng cách: Tùy theo từng dạng thuốc mà phải dùng cho đúng cách (như thuốc rải, thuốc hòa nước, thuốc trộn hạt giống ……) Phun kỹ vào nơi sâu bệnh phá hoại và tập trung. Một điều quan trong cần tuân thù là phải giữ đúng thời gian cách ly của từng loại thuốc khi thu hoạch./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 10,712,973
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây