Ths.Nguyễn Văn Đức Tiến
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của Thành phố, diện tích gieo trồng rau, chủng loại rau tăng theo từng năm. Năm 2011, diện tích canh tác rau đạt 3024,15 ha, diện tích hơn 50 chủng loại rau với diện tích gieo trồng 12.750,6 ha, tổng sản lượng khoảng 300.900 tấn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 1/4/2010, dân số Thành phố khoảng là 7,3 triệu người, trong đó dân số của nội thành chiếm 83% và dân số sống tại nông thôn chiếm 16%. Tổng sản lượng rau tiêu thụ của Thành phố (chủ lực người dân thành thị và khách vãng lai) ước khoảng 750.000 tấn/năm, sản lượng rau sản xuất tại Thành phố đáp ứng được từ 20 – 30% nhu cầu tiêu dùng rau của người dân Thành phố, số lượng còn lại được cung ứng từ các tỉnh và nhập khẩu.
Điều gì đã tác động đến việc chuyển đổi cây trồng, phát triển diện tích rau chậm so với tiềm năng tiêu thụ rau của dân thành phố?
Trồng rau là một nghề trong nông nghiệp nói chung và cũng là một nghề trong trồng trọt nói riêng để làm ra những sản phẩm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người dân mọi thành phần, mọi tầng lớp.
So với trồng lúa năng suất thấp 3-4 tấn/ha thì trồng rau mặc dù chi phí phải bỏ ra cao hơn gấp 2 lần nhưng bù lại thu nhập tăng hơn gấp 3-4 lần.
Tuy nhiên rau quả là một loại sản phẩm chịu nhiều rủi ro bởi thời tiết và giá cả thị trường chi phối từng ngày, từng buổi chợ do quy luật cung cầu so với các loại cây trồng khác do đó người nông dân hết sức lo lắng và bất an trong việc tổ chức sản xuất những sản phẩm cần phải đạt được các yếu tố thị trường như mẫu mã, giá bán, độ an toàn, thương hiệu để cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại.
Chưa nói đến lợi thế cạnh tranh giữa các vùng miền sản xuất cũng là yếu tố bất lợi cho những sản phẩm có chi phí lao động cao, giá thành đầu vào không giảm do quy trình canh tác và tổ chức cung ứng vật tư chưa hợp lý.
Phân tích chuỗi sản phẩm rau quả tại thành phố (ngoại trừ các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đặc thù từ các vùng miền như rau ôn đới của Lâm Đồng, xà lách xoong của Vĩnh long, rau gia vị của Long An...) thì sức ép cạnh tranh về giá cả từ các tỉnh là chủ yếu đối với các sản phẩm cùng chủng loại. Một kg cải ngọt nếu từ các tỉnh về với giá chợ là 4000 đồng vẫn bán được thì sản xuất tại thành phố có khi lại không bán được do không có lãi. Như vậy chính từ cơ cấu giá thành chi phối rất lớn đến lợi thế cạnh tranh.
Giải pháp nào để giảm áp lực cạnh tranh về giá cả về thu nhập cho người sản xuất?
-Tăng thu nhập bằng cách nâng cao năng suất sản lượng qua áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, hoặc ít nhất cũng theo các kỹ thuật quản lý tổng hợp khai thác triệt để tiềm năng cho năng suất của cây trồng, tăng doanh thu trên một đơn vị diện tích canh tác.
-Tăng thu nhập bằng cách giảm vật tư sản xuất hợp lý, giảm chi phí đầu vào triệt để, nhằm giảm giá thành để tăng lợi thế cạnh tranh thông qua giá chợ.
1.Giải pháp kỹ thuật:
-Giống mới: NS cao phẩm chất tốt (F1) thường cho NS tăng so với giống cũ 10-15% sản lượng với cùng quy trình chăm sóc. Cần thường xuyên thử giống mới trên ruộng của mình hoặc nghe thông tin giống mới từ các đơn vị ngành nông nghiệp khuyến cáo để tăng cường sử dụng giống mới sau khi sử dụng cũ khoảng 2-3 năm.
-Tái tạo đất trồng: đất trồng phải được bồi dưỡng bù đắp dinh dưỡng qua hàng năm bằng một lượng nhất định phân hữu cơ hoai mục, hạn chế tình trạng đổi bề mặt đất canh tác sau 1-2 vụ trồng, làm tăng chi phí sản xuất.
-Lắp đặt hệ thống tưới: tưới tự động nếu là tưới phun, hệ thống tưới ngấm để bảo vệ mẫu mã rau, hệ thống tưới thấm để tiết kiệm nước.
-Cơ giới hóa: Sử dụng máy khi có thể trong các khâu: dùng máy xới tay trong nghề trồng rau để làm đất, phun xịt thuốc, gieo ươm cây con... giảm tối đa công lao động thành thị trong cơ cấu giá thành.
-Giảm thuốc BVTV: Phương châm phòng bệnh hơn trị bệnh, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết và phải sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly.
Tăng cường quan sát phát hiện sâu bệnh hại để kịp thời diệt trừ bằng thủ công ngay từ ban đầu khi có lứa 1 hoặc khi bệnh chớm xuất hiện. Đừng để sâu hại hoặc bệnh lan truyền tăng mật số mới trị thì rất tốn kém.
Tập dần thói quen nuôi và thả thiên địch bắt mồi để diệt sâu hại ngay từ đầu, giảm tối đa sử dụng thuốc BVTV.
-Giảm phân bón nhất là phân đạm: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh tạo sản phẩm an toàn, cây trồng phát triển bền và phẩm chất được cải thiện, nâng cao uy tín, thương hiệu để được chứng nhận rau an toàn, tăng lợi thế cạnh tranh qua thương hiệu VietGAP.
-Công thức 3G3T (3 giảm 3 tăng) cho người trồng rau:
Giảm: Công lao động; chi phí vật tư; thuốc BVTV.
Tăng: Bồi dưỡng đất, năng suất, an toàn.
2.Giải pháp quản lý:
-Quy hoạch vùng chuyên canh: nhằm có cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề trồng rau. Các địa phương phải cùng các đơn vị có chức năng quy hoạch vùng chuyên canh dài hạn 10-20 năm ổn dịnh trồng rau quả theo hướng từ nội địa ra xuất khẩu. Trong trường hợp đang còn sản xuất trong vùng riêng lẻ thì phải tranh thủ tham gia hợp tác sản xuất để hưởng các lợi ích tập thể.
-Cần cải thiện chất lượng hoạt động của các HTX rau hiện có, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên lợi ích tập thể. Nơi nào yếu về năng lực lãnh đạo tổ chức sản xuất, tư lợi trong quá trình kinh doanh thì không tồn tại HTX bền vững. HTX Phước An (Bình Chánh), Liên tổ Tân Trung (Củ Chi), HTX Phước Hải (BR-VT) HTX Anh Đào (Lâm Đồng)…là những đơn vị có năng lực tổ chức quản lý và thụ hưởng trên lợi ích tập thể mang lại trong quá trình hoạt động có hiệu quả.
-Các HTX tổ chức liên kết để mua vật tư giá rẻ, đảm bảo chất lượng, giảm tốn kém do người dân mua lẻ giá cao, nhầm vật tư giả. Liên kết để khống chế giá cả sản phẩm bán ra không bị tư thương ép giá.
-Phải tạo được sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã, giá cả của rau do mình sản xuất bằng sự trợ giúp của Nhà nước. Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng mẫu mã thương hiệu cho các HTX quyết tâm thâm nhập thị trường với số lượng lớn.
-Cần khuyến khích nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường bằng công thức 3 giảm 3 tăng trong canh tác rau. Lấy chất lượng (ngon) giá thành (rẻ) và mẫu mã (đẹp) làm tiêu chí cạnh tranh trên thị trường chung tại địa bàn thành phố./.
|
|
|
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn