Một trong những khó khăn lớn mà bà con hiện nay gặp phải là vấn đề sâu bệnh gây hại trên cây lúa, làm giảm năng suất, phẩm chất của lúa. Trong đó rầy nâu là đối tượng gây hại được lưu ý vì rầy nâu chính là véc tơ truyền bệnh của bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá (VL-LXL) hại lúa. Bệnh VL-LXL do virus gây ra, hiện chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nào có thể phòng trị. Tuy nhiên, khi nắm bắt được đặc tính phát sinh gây hại của bệnh thì có thể áp dụng phương pháp phòng trị đơn giản và hiệu quả đã được cơ quan chức năng nghiên cứu, thực hiện và được bà con ứng dụng ngày càng rộng rãi, có hiệu quả - đó chính là biện pháp “Gieo sạ né rầy” (biện pháp này đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận tại Quyết định số 325/2009/QĐ-BVTV, ngày 17 tháng 03 năm 2009 về việc công nhận “giải pháp gieo sạ đồng loạt né rầy trên diện rộng để phòng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở đồng bắng sông Cửu Long là tiến bộ khoa học kỹ thuật”).
“Gieo sạ né rầy” (GSNR) là biện pháp theo dõi lượng rầy vào đèn để xác định thời điểm rầy di trú rộ, từ đó xác định thời gian sạ cấy và gieo mạ. Bà con nông dân có thể căn cứ vào con nước và lịch dự báo gieo sạ của các cơ quan chuyên ngành BVTV, đồng thời phối hợp với điều tra lượng rầy vào đèn tại chỗ để xác định thời gian gieo mạ. Sau thời điểm rầy di trú rộ từ 3 – 5 ngày thì tiến hành gieo, cấy ngay.
1. Qui trình áp dụng: thực hiện qui trình cần tuân thủ 09 bước như sau:
- Gieo sạ đồng loạt trên diện rộng, mỗi đợt gieo sạ không kéo dài quá 10 ngày.
- Phải tiến hành gieo sạ trong khoảng thời gian an toànnhất, khi rầy nâu vào đèn đạt đỉnh cao thì khuyến cáo nông dân chuẩn bị ngâm ủ giống, và gieo sạ vào 2-3 ngày sau đỉnh cao rầy vào đèn, chấm dứt gieo sạ trong vòng 10 ngày sau đó.
- Mỗi địa phương phải có lịch thời vụ, ấn định khoảng thời gian gieo sạ thống nhất theo hướng dẫn của Cục Trồng Trọt.
- Thời gian gieo sạ không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ, tính thời gian giãn cách 3 tuần lễ giữa 2 vụ lúa để cày ải phơi đất.
- Theo dõi, đo đếm và tính toán mật độ số rầy hàng ngày, sử dụng số liệu bẫy đèn của địa phương làm cơ sở để khuyến cáo thời điểm gieo sạ, tham khảo với các thời điểm dự báo rầy di trú của Cục Bảo vệ thực vật.
- Giống lúa sử dụng phải có tính chống chịu rầy nâu, bệnh VL-LXL. Sử dụng một giống lúa dù là giống chống chịu hay giống nhiễm cũng không vượt quá 15-20% trong cơ cấu giống lúa, để làm chậm sự thích nghi của rầy nâu, tránh bộc phá dịch rầy.
- Tăng cường hệ thống cung ứng giống lúa mới chống chịu bệnh VL-LXL và có chất lượng cao. Đa dạng hoá sinh học trong công tác giống.
- Trong trường hợp điều kiện canh tác khó khăn không thể theo đúng lịch gieo sạ đồng loạt, nên ưu tiên dùng giống chống chịu đối với bệnh và tuỳ điều kiện tại chỗ có thể bổ sung thêm các giải pháp thích hợp khác.
- Áp dụng "3 giảm, 3 tăng" trong canh tác thâm canh 3 vụ lúa để giảm chi phí giá thành, giảm áp lực sâu bệnh hại khác, tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả sản xuất.
2. Điều kiện áp dụng
Ngoài 09 bước cho giải pháp trên, tuy nhiên để áp dụng giải pháp được hiệu quả hơn, địa phương cũng cần lưu ý thêm:
- Tăng cường hệ thống bẫy đèn các địa phương cấp huyện (vì rầy di trú có qui mô của vùng, và còn có di chuyển ở phạm vi địa phương), căn cứ theo dự báo về lứa rầy di trú cấp vùng (do Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật), cấp tỉnh (do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành) và Trạm Bảo vệ thực vật huyện theo dõi tình hình rầy vào đèn ở huyện và tham mưu cho chính quyền địa phương thông tin về lịch gieo sạ.
- Chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã tổ chức họp với các ban ngành đoàn thể triển khai giải pháp trong từng cụm nông dân, nêu ý nghĩa và giải quyết các thắc mắc của bà con nông dân về giải pháp.
Bẫy đèn (Xuân Thới Sơn, Hóc Môn)-công cụ dẫn dụ rầy nhằm kiểm tra mật độ rầy để xử lý kịp thời điểm phun xịt đạt hiệu quả cao |
Biểu đồ diễn biến rầy vào đèn và diện tích nhiễm rầy năm 2009 |
- Kiểm tra theo dõi hệ thống bẫy đèn (14 bẫy) và khảo sát quần thể rầy vào đèn hàng ngày để dự báo khả năng phát triển của RN.
- Lực lượng chuyên ngành BVTV đã phát hiện bệnh sớm và dự báo chính xác các lứa RN phát triển đến từng vùng sinh thái khác nhau nên đã tổ chức khuyến cáo “gieo sạ né rầy” kịp thời - hiệu quả.
- Sự phối hợp của cơ quan chức năng với chính quyền các xã đã tổ chức các đợt tập trung GSNR đúng thời điểm.
3. Kết quả đạt được
Tại Tp. Hồ Chí Minh: theo lịch khuyến cáo GSNR của các cơ quan chuyên ngành BVTV chỉ đạo cho các quận, huyện trong vụ lúa năm 2009 đã có 6.885 ha lúa trong thời gian khuyến cáo GSNR. DT lúa được gieo trồng trong khoảng thời gian này tránh được những thiệt hại đáng kể do RN, VL-LXL gây ra.
Lúa vụ Đông xuân 2008-2009 tập trung xuống giống trong tháng 12 và tháng 01, trong đó theo lịch khuyến cáo GSNR của các cơ quan chuyên ngành BVTV nông dân đã xuống giống được 1.452 ha lúa, là vụ lúa có diện tích GSNR đạt tỉ lệ cao nhất (22,5 % tổng DT gieo trồng). Cụ thể, Thủ Đức có DT GSNR đạt tỉ lệ 100%, tuy nhiên diện tích gieo trồng không đáng kể, Bình Tân có tỉ lệ lúa GSNR rất cao 97,9 % trên tổng diện tích xuống giống, tiếp theo là Hóc Môn (38,5 %), Củ Chi (19,0 %) và cuối cùng là Quận 9 (14,1 %).
Ở vụ lúa Hè thu nông dân xuống xuống giống GSNR được 917 ha lúa và 55 ha mạ (tương đương 550 ha lúa), chiếm 21,2 % tổng DT gieo trồng.
Trong vụ lúa Mùa, đã có 1.278 ha lúa và 68 ha mạ (tương đương 680 ha lúa) được nông dân xuống giống theo lịch khuyến cáo GSNR, tập trung thực hiện từ ngày 5/8 đến ngày 12/8, chiếm 14,6 % tổng DT gieo trồng. Trong đó, Hóc Môn có DT xuống giống GSNR cao nhất 84,76%; riêng Thủ Đức, Quận 9, Quận 7 không xuống giống trong thời gian khuyến cáo GSNR.
Riêng vụ Đông Xuân 2009-2010, do mật số RN trên ruộng không đáng kể. Bà con đã xuống giống GSNR được 1.018 ha lúa.
Nhìn chung, công tác xuống giống đúng thời điểm khuyến cáo GSNR ngày càng được bà con nông dân quan tâm thực hiện. Trong năm 2009, Bình Tân và Hóc Môn đã thực hiện khá tốt công tác GSNR, riêng Cần Giờ do tình hình thời tiết, địa hình khá phức tạp và khác biệt nên thời gian xuống giống còn chênh lệch với lịch GSNR chung của toàn thành phố.
4. Hiệu quả công tác gieo sạ “né rầy”
Công tác theo dõi bẫy đèn và việc khuyến cáo lịch GSNR được các cơ quan chuyên ngành BVTV thực hiện thường xuyên và bám sát thực tế đồng ruộng do đó đã đạt được những kết quả khả quan. Trong vụ lúa Đông Xuân 2008 - 2009 và Hè Thu 2009 chưa có DT nhiễm VL -LXL, vụ Mùa có DT nhiễm là 836,13 ha chiếm tỉ lệ 6,22% tổng DT lúa gieo trồng.
Ngoài ra đối với việc gieo mạ có thể tham khảo việc áp dụng biện pháp “mạ mùng kết hợp né rầy” là một trong những phương pháp thực hiện đơn giản, đạt hiệu quả cao để phòng trừ rầy nâu di trú mang virus truyền bệnh VL - LXL cho cây lúa. Áp dụng biện pháp này có thể giảm được số lần phun thuốc, hạ giá thành chi phí đầu tư, vừa mang đến vụ mùa bội thu cho bà con nông dân lại vừa đảm bảo sự bền vững của môi trường. Đây là biện pháp đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận tại Quyết định số 356/2009/QĐ-BVTV, ngày 23 tháng 3 năm 2009 về việc công nhận “biện pháp mạ mùng kết hợp né rầy trong sản xuất lúa giống các cấp” là tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Để thực hiện “biện pháp mạ mùng” cần thực hiện những bước cụ thể sau:
- Giăng mùng và chăm sóc cho mạ: Mạ sau khi gieo xong, lấp hạt thì tiến hành giăng mùng ngay. Chỉ cần giăng mùng liên tục vào ban đêm và giỡ bỏ ra vào mỗi buổi sáng sớm để có ánh nắng không làm yếu cây mạ. Chiều cao của lưới mùng từ 30 đến 50 cm, lưới nằm trên một khung để mạ dễ phát triển. Sau khi gieo xong tưới nước từ 1 đến 2 lần mỗi ngày (tùy theo thời tiết) cho đến lúc đưa mạ ra ruộng cấy. Sau khi gieo mạ được 13 đến 14 ngày cho ra ruộng cấy.
- Cấy mạ mùng: Cây mạ hiện hoàn toàn sạch bệnh. Khi rầy di trú vừa kết thúc thì mạ được cấy ngay, ở giai đoạn này mạ phát triển rất nhanh, đến đợt rầy di trú lần thứ 2 thì lúa phát triển trên 40 ngày tuổi. Trong giai đoạn này lúa có khả năng chống chịu hoàn toàn đối với bệnh lùn lúa cỏ và lùn xoắn lá./.
Biện pháp xử lý mạ mùng (ảnh Hồ Văn Chiến) |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn