Hội nghị cây ăn trái lần thứ 2Hiện trạng sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái ở Nam Bộ và giải pháp phát triển các vùng cây ăn trái tập trung theo VietGAP

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

 

 

Trong những năm qua sản xuất cây ăn trái Nam Bộ đã có những bước tăng trưởng đáng kể và tích cực về cơ cấu cây trồng, diện tích năng suất và sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm 2010, tổng diện tích gieo trồng cây ăn trái ở Nam bộ là 408,3 ngàn ha, sản lượng đạt 4,1 triệu tấn chiếm 52,6 % diện ích và 57,41 % về sản lượng so với cả nước.

Tuy nhiên, do nhu cầu của con người ngày càng nâng cao nên không những đòi hỏi về chủng loại, số lượng mà còn phải bảo đảm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hơn nữa để tạo cơ hội cho cây ăn trái Nam bộ tham gia vào các thị trường khó tính có yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, việc định hướng và đưa ra các giải pháp xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với phát triển cây ăn trái trong tình hình hiện nay là phù hợp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Sáng 24/5, tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, tỉnh Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị cây ăn trái Nam bộ lần thứ hai với chủ đề “ Hiện trạng sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả - giải pháp phát triển các vùng cây ăn quả tập trung theo VietGAP”. Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bông chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Văn phòng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các Sở nông nghiệp, lãnh đạo cục Trồng trọt, cục BVTV, lãnh đạo các viện, trường đại học, một số hội doanh nghiệp và báo đài.

Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng sản suất và tiêu thụ cây ăn trái đồng thời lắng nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các ý kiến đánh giá, nhận xét kiến nghị, đề xuất của Sở NN & PTNT, các Viện, hiệp hội, đơn vị, doanh nghiệp từ đó tạo sự đồng thuận và đề xuất các giải pháp thiết thực khả thi cho việc phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung.

Theo Cục trồng trọt, chỉ trong vòng 10 năm (2000-2010), diễn biến về diện tích trồng cây ăn trái ở Nam Bộ gần như trái ngược nhau. Giai đoạn 5 năm (2000-2005) gia tăng nhanh từ 287.857 ha lên 396.500 ha (tăng 108.643 ha) nhưng giai đoạn 5 năm tiếp theo tăng không đáng kể trong đó có một số tỉnh diện tích giảm nhiều.

Năng suất năm 2010 của tất cả các loại cây ăn trái của vùng Nam Bộ đều cao hơn năm 2000 do sử dụng giống mới và áp dụng thâm canh tăng năng suất. Sản lượng cũng tăng lên nhanh chóng, hiện ước đạt 4,1 triệu tấn, chiếm 57,41 %sản lượng cả nước, trong đó ĐBSCL: 2,93 triệu tấn (chiếm 71,88%) và Đông Nam bộ: 1,146 triệu tấn (chiếm 28,12%).

Phát triển cây ăn trái theo hướng GAP đã tạo được thương hiệu cho trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế như thanh long (Bình Thuận), chôm chôm, bưởi da xanh (Bến Tre), mãng cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc.

Người trồng Cây ăn trái đã biết đầu tư kỹ thuật trong sản xuất nên sản lượng hằng năm vẫn luôn tăng tuy nhiên việc áp dụng quy trình canh tác vẫn chưa thống nhất giữa các vùng sản xuất, quản lý sử dụng giống chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó tình hình sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cây trồng và phẩm chất nông sản như bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi, ruồi đục quả, xì mủ sầu riêng…

Hội nghị cũng đề ra giải pháp chủ yếu để phát triển sản xuất và tiêu thụ trong thời gian tới, cụ thể: Rà soát quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn trái, hiện đại hóa công nghệ chế biến nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa cho vùng cây ăn quả; tổ chức sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm quả xuất khẩu.

Cũng tại hội nghị Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam ông Nguyễn Minh Châu đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất ở các tỉnh phía Nam như sau: Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, thành lập các văn phòng hướng dẫn phát triển vùng chuyên chuyên canh từ trung ương đến địa phương. Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính để nông dân xây dựng, mở rộng mô hình và tiếp tục hỗ trợ việc tiêu thụ bằng các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đồng thời, tăng cường công tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

Kết thúc hội nghị ông Bùi Bá Bổng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo những công việc cần tập trung triển khai:

- Tiến hành rà soát quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dựa vào điều kiện sinh thái từng vùng và mỗi địa phương cần chọn từ 2 – 3 loại cây ăn trái chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng.

- Từ vùng tập trung lựa chọn 200 – 500 ha đăng ký thực hiện dự án với ngân hàng thế giới.

- Xây dựng các chương trình phát triển vùng tập trung nguồn lực tổng hợp (Ban chỉ đạo, hỗ trợ nhân giống, tổ chức tập huấn VietGAP, mô hình liên kết 4 nhà).

- Theo hướng GAP: Hiện đối với lúa đang triển khai “nông dân nhỏ - cánh đồng lớn”, vậy đối với CAQ cũng phải làm được “nông dân nhỏ - vùng sản xuất tập trung” cho sản phẩm chủ lực.

- Công tác tổ chức sản xuất cần tiến hành xây dựng vùng cây ăn trái tập trung theo VietGAP phục vụ thị trường xuất khẩu. 

Hình ảnh hội nghị:

 
 

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT ông Bùi Bá Bổng phát biểu tại hội nghị

 

 
 
 
Đại biểu tham dự hội nghị 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 9,896,032
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây