Hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triển khai vụ Đông Xuân năm 2011-2012 các tỉnh Nam bộ

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Ngày 28 tháng 10 năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triển khai vụ Đông Xuân năm 2011-2012 các tỉnh Nam bộ. Đồng chí Trần Công Chánh – Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đến dự và cùng điều hành hội nghị với đồng chí Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tham dự hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các Sở ngành tỉnh Hậu Giang và các Sở NN-PTNT các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Công Chánh thay mặt lãnh đạo Tỉnh chúc mừng đại biểu và phát biểu về kết quả sản xuất lúa tại tỉnh Hậu Giang trong năm qua.

TS. Phạm Văn Dư thay mặt Cục Trồng trọt báo cáo kết quả sản xuất lúa năm 2011 và kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2011-2012 tại các tỉnh Nam Bộ.

- Qua đánh giá của Cục Trồng trọt, diện tích canh tác 4.500.000 ha, với sản lượng gần 25.000 tấn (tăng 1.800.000 tấn so năm 2010).

- Khuyến cáo về cơ cấu mùa vụ, thời vụ xuống giống cho từng vụ lúa, cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật chủ yếu cho sản xuất lúa năm 2012. Đặc biệt đối với vụ Đông Xuân 2011-2012 sắp tới với tình hình lũ vẫn còn là mối lo ngại làm trễ vụ và khả năng xâm nhập mặn ở cuối vụ.

- Thời vụ thuận lợi cho Đông Xuân tới, theo Cục Trồng trọt đề nghị 2 đợt chính, với mục tiêu né rầy và tận dụng tình hình thủy văn thuận lợi: đợt 1: từ ngày 5 – 30/11 (10/10 – 6/11 Âm lịch); đợt 2: từ ngày 5 – 30/12 (11/11 – 6/12 Âm lịch).

- Về giống lúa

+ Giống lúa chủ lực: cơ cấu giống lúa tùy vào điều kiện cụ thể của các địa phương, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ gồm: VND 95.20, OM 4900, OMCS 2000, IR 64, IR 59606, OM 6162, Iasmine 85, ….

+ Giống bổ sung: OM 4218, OM 3536, OM 4498, OM 4900, VD 20,
OM 6976, ….

+ Giống triển vọng: OM 6161, OM 7253, OM 8923, ….

- Các giải pháp kỹ thuật chủ yếu bao gồm: tập trung theo dõi diễn biến tình hình rầy nâu và bệnh lúa (vàng lùn - lùn xoắn lá, đạo ôn), tiếp tục vận động gieo sạ né rầy; hạn chế sử dụng phân bón lá trong điều kiện sương mù, độ ẩm cao. Sử dụng phân bón cân đối bằng các loại chuyên dùng để tính toán hàm lượng NPK cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng, lưu ý tăng cường sử dụng các loại phân bón tan chậm, bền và tiết kiệm. Áp dụng giải pháp canh tác tổng hợp 3 giảm 3 tăng, sử dụng và điều tiết nước tiết kiệm, tăng cường phổ biến gói kỹ thuật nền trong sản xuất lúa 1P-5G (1 phải 5 giảm). Khuyến khích thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, sản xuất theo quy trình GAP. Tiếp tục liên kết với doanh nghiệp để mở rộng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao giá trị xuất khẩu cho thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

Về bảo vệ thực vật, TS. Nguyễn Hữu Huân thay mặt Cục Bảo vệ thực vật đánh giá và khuyến cáo như sau:

- Rầy nâu xuất hiện nhiễm trên lúa thấp hơn năm trước, chỉ vụ Hè Thu thì diện tích tăng so năm 2010, tỉ lệ rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn lùn xoắn lá cao hơn gấp 4 lần do rầy di trú và phát tán mầm bệnh từ vụ Xuân Hè 2011 sang.

- Việc thí điểm có kết quả khả quan tại các cánh đồng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm kết hợp sinh thái trồng hoa bờ ruộng cho thấy hệ thiên địch ký sinh rầy nâu phát triển cao hơn và rầy nâu thấp hơn đối với đối chứng ruộng tự nhiên. Đây là mô hình cần phát triển rộng trong vùng lúa tương lai để duy trì tính ổn định cân bằng sinh thái, giảm áp lực sử dụng thuốc trừ sâu.

- Vấn đề bảo vệ thực vật cho vụ Đông Xuân 2011-2012, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý:

+ Tiếp tục theo dõi tình hình rầy nâu di trú: tháng 11/2011: 12 – 22/11 (17 – 27/10 Âm lịch); tháng 12/2011: 14 – 24/12 (20 – 30/10 Âm lịch)

+ Tăng cường điều tra phát hiện rầy nâu, tỉ lệ rầy nâu mang mầm bệnh. Khuyến cáo nông dân sử dụng phân đạm hợp lý. Thực hiện tiêu chí cánh đồng mẫu lớn là tăng năng suất và giảm giá thành. Tăng cường mở rộng gói kỹ thuật 1P-5G và ruộng sinh thái.

Hội nghị tiếp tục nghe các báo cáo tình hình nguồn nước và giải pháp đảm bảo nước trước vụ Đông Xuân 2011-2012 của đồng chí Trần Gia Khảm – Tổng cục Thủy lợi và báo cáo về xuất khẩu gạo năm 2011, dự báo thị trường gạo năm 2012 do đồng chí Trần Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam trình bày.

Kết thúc hội nghị, đồng chí Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kết luận và chỉ đạo như sau:

1. Các tỉnh Nam bộ đã hoàn thành hai vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu, năng suất cao, được giá. Sản lượng tăng so với năm trước, khả năng tăng hơn 1,3 triệu tấn (vượt chỉ tiêu tăng 1 triệu tấn). Kéo theo những dịch vụ phát triển theo, thu nhập của nông dân cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, các Tỉnh Nam bộ cần tính toán tỉ lệ duy trì và phát triển phù hợp trong sản xuất vụ Thu đông tại các vùng sản xuất 3 vụ, vùng sản xuất 2 vụ ven biển.

2. Đối với vụ Đông Xuân:

Cần đảm bảo tỷ lệ diện tích gieo sạ trong tháng 11 và tháng 12 là 50:50, chú ý đảm bảo nước tưới.

Cần chủ động nguồn giống vì có khả năng thiếu cục bộ.

Tiếp tục phát huy việc gieo sạ đồng loạt, né rầy; xây dựng quy trình sản xuất theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; thu hoạch bằng máy

Lưu ý: tìm giải pháp trong giải quyết việc sấy lúa; tìm giải pháp tạo thương hiệu của gạo Việt Nam xuất khẩu.

Duy trì cách đồng mẫu lớn; “Nông hộ nhỏ - cánh đồng lớn”; vai trò của doanh nghiệp là quan trọng trong cách đồng mẫu lớn.
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 9,883,128
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây