Ngày 29 tháng 9 năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2007 và triển khai kế hoạch sản xuất đông xuân 2007-2008 các tỉnh phía Nam.
Tham gia và chủ trì hội nghị có thứ trưởng Bùi Bá Bổng, cùng tham gia có Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quang Minh, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc và các Sở Nông nghiệp và PTNT, TT Khuyến nông, Chi cục BVTV các tỉnh phía Nam từ Ninh Thuận trở vào.
Công tác tuyên truyền, vận động nông dân được tập trung cao độ và hoạt động có hiệu quả, giúp nông dân có được những kiến thức cần thiết trong sản xuất và phòng chống dịch.
Đối với sản xuất rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, Ông Hòa (Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt) đánh giá do nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, hàng năm nhóm cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày phần lớn đều tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Một số cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu phọng, đậu nành phát triển với diện tích khá lớn, là cây cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Sản xuất rau an toàn đã và đang phát triển ở các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh thành công nghiệp như: Tp.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ…
Tuy nhiên sản xuất rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vẫn còn nhiều rũi ro do biến động của thị trường, giá cả không ổn định, giá vật tư cũng như công lao động tăng trong khi đó kỹ thuật thâm canh, thu hoạch, sơ chế bảo quản còn nhiều hạn chế, tổn thất trong và sau thu hoạch lớn, làm tăng chi phí sản xuất.
Sản xuất rau an toàn còn manh mún, phân tán vì vậy số lượng không đáp ứng được thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Quan hệ bốn nhà trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ và quản lý còn lỏng lẻo, chưa có tác động thống nhất và đồng bộ.
Đối với cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, dừa, cao cao nhìn chung có năng suát cao so với năng suất bình quân trên thế giới. Tuy nhiên hạn chế vẫn là xuất khẩu thô, chất lượng chưa cao nên giá xuất khẩu thường thấp hơn một số nước.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Ông Nguyễn Quang Minh, Cục trưởng Cục BVTV yêu cầu các Sở Nông nghiệp và PTNT, các Chi cục BVTV các tỉnh thành phía Nam và Đông Nam Bộ không được chủ quan, phải kiên trì trong việc phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong vụ lúa đông xuân tới. Tập trung tuyên truyền vận động, chỉ đạo kiên quyết nông dân gieo sạ đồng loạt và né rầy theo phương châm phòng là chính.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lưu ý và nhắc nhỡ bốn giải pháp cần lưu ý trong vụ đông xuân tới là thời vụ tập trung né rầy, tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận, vận động sử dụng phân NPK cân đối, tiết kiệm phân đạm, tích cực cày ải phơi đất trong một thời gian nhất định.
Chỉ đạo hội nghị, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng đánh giá cao hai báo cáo của Cục Trồng trọt và BVTV. Về kết quả sản xuất trong năm qua đạt được 17,3 triệu tấn cho đông xuân 2006-2007 và hè thu 2007, vụ mùa ước đạt 3 triệu tấn, tổng cộng 20,3 triệu tấn, chiếm 57,2 % sản lượng lúa cả nước. Tăng 700.000 tấn so với năm trước và tăng 200.000 tấn so với năm 2004-2005, làm tăng giá trị 600 tỉ đồng, trong đó chi phí chống dịch là 120 tỉ, còn lại tăng thu trong nông dân là 450 tỉ. Đây là một thắng lợi lớn cho ngành nông nghiệp. Đặc biệt năng suất lúa của tỉnh An Giang đạt cao ở mức kỷ lục trong nhiều năm qua với bình quân 7,11 tấn/ha.
Về thời gian tới, thứ trưởng yêu cầu tiếp tục theo dõi vụ lúa thu đông và mùa để hạn chế khả năng bột phát, tích tụ, phân tán rầy nâu để xử lý kịp thời, đảm bảo cho 270.000 ha thu đông đạt 1 triệu tấn lúa và vụ mùa 560.000 ha đạt 2 triệu tấn lúa. Đối với đông xuân 2007-2008 phải tăng năng suất bình quân và chất lượng hiệu quả.
Về thời vụ cần tập trung gieo sạ đồng loạt và né rầy vào cuối tháng 10, cuối tháng 11 và cuối tháng 12 (cộng trừ 5 ngày cho các tháng), trong đó lưu ý tháng 11 là thời gian xuống giống với diện tích lớn nhất. Cần theo dõi sát bẫy đèn và thủy văn để xác định thời vụ cụ thể cho từng địa phương.
Về giống lúa cần phải xác định 5-7 giống chủ lực để xuất khẩu và phải công bố trước 15/10 gắn liền với chương trình nhân giống một cách hiệu quả, chú ý cả giống xác nhận, giống chính quy và giống nông hộ.
Về kỹ thuật canh tác cần tăng cường biện pháp 3 giảm 3 tăng và tưới tiết kiệm
Về bảo vệ thực vật lấy phòng là chính, tiếp tục theo dõi sát diễn biến rầy nâu để phòng trị kịp thời, tránh lây lan.
Về chính sách hỗ trợ nông dân phải có mục tiêu, hỗ trợ sản xuất giống, mua máy gặt và khuyến nông có trọng điểm.
Riêng đối với rau màu, cây công nghiệp thì Bộ sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề để thảo luận và có chỉ đạo cụ thể, trước mắt tập trung cho hai cây bắp và đậu nành.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn