Hội nghị “Tổng kết Xây dựng thí điểm nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi giai đoạn 2009-2011”

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Ngày 22 tháng 12 năm 2011 tại Hội trường Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị “Tổng kết Xây dựng thí điểm nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi giai đoạn 2009-2011” cùng với khu vực trưng bày các sản phẩm nông nghiệp – là kết quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại Tân Thông Hội.

Đến dự hội nghị có đồng chí Phan Văn Khải nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển nông thôn mới.

Về phía thành phố có đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy đến dự cùng với đồng chí Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo nông thôn mới của thành phố. Đến dự còn có các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân và các ban ngành thành phố, huyện Củ Chi, xã Tân Thông Hội và các nông dân giỏi có những mô hình sản xuất có hiệu quả.

Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng 19 tiêu chí
nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi năm 2009-2011 với những kết quả cơ bản như sau:

- Qua gần 03 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Thông Hội có thể nói những nhân tố nông thôn mới của xã ven đô thị đã hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng: Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh; Sản xuất phát triển góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần không quá cách biệt so với nội thành, nhân dân ngày một hưởng thụ nhiều hơn về nét đẹp văn hóa làng quê với môi trường xanh, sạch; quy chế dân chủ cơ sở ngày một mở rộng. Hoàn thành gần hết các nội dung (95%) theo như đề án đã được phê duyệt từ Quyết định 4564 ngày 02/10/2009 của UBND thành phố. Các tiêu chí chính như thu nhập, chuyển dịch lao động, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, … đã hoàn thành.

- Tại xã này đón các đoàn và cá nhân trong và ngoài thành phố đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm ngày một nhiều hơn. Tính đến nay, Ban chỉ đạo các cấp và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã tiếp trên 80 đoàn.

- Trong giải pháp thực hiện, nếu như năm 2010 Chương trình chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thì năm 2011 xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng và Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để thực hiện các dự án Phát triển sản xuất, chuyển dịch lao động góp phần nâng cao thu nhập hộ bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình tổ chức lại sản xuất; tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp về xã liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ từ thành phố đến huyện trực tiếp tham gia, cán bộ xã đến ấp được nâng lên một bước. Vai trò hạt nhân Đảng lãnh đạo, đảng viên gương mẫu tiên phong, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị và địa phương với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới. Nhận thức trong nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, người dân tin tưởng, tự tin và chủ động tham gia vào từng việc trong xây dựng nông thôn mới.

- Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phân công nhiệm vụ từng Sở, ngành, đoàn thể trực tiếp giúp xã xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Thường xuyên cử cán bộ, chuyên viên theo dõi địa bàn và kịp thời báo cáo, giúp xã tháo gỡ khó khăn. Thông qua việc xây dựng mô hình thí điểm, các sở, ban, ngành có dịp bám sát thực tế hơn, nên nhiều văn bản, cơ chế, chính sách đã mang “hơi thở” của địa phương, đã đi vào cuộc sống nhanh hơn. Đã huy động thành công được sức mạnh của cộng đồng và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới. Việc hoàn thành tiêu chí do sở, ngành phụ trách cũng xem như hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

- Qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã ghi nhận các điển hình tập thể và cá nhân trong hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giàu, hiếu học, … làm cơ sở khen thưởng và nhân rộng. Kết quả đạt được của từng mô hình cho phép xác định rõ hơn nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế và chính sách cần thay đổi để xây dựng nông thôn mới cho những xã ven đô khác hiệu quả hơn. Những kinh nghiệm từ các mô hình trên sẽ được các sở, ban ngành tiếp thu, đề xuất Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét bổ sung, chỉnh sửa nội dung xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với từng địa bàn.

Một số kinh nghiệm:

- Xây dựng nông thôn mới phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại địa phương, cộng đồng dân cư đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện, giám sát, hưởng thụ. Huy động nguồn lực trong nhân dân phải gắn liền với sức dân; thông qua các dự án hợp lòng dân được nhân dân đồng tâm, hiệp lực, chung sức xây dựng nông thôn mới – mới thành công. Tránh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn nhà nước, nhà nước hỗ trợ đến đâu làm đến đó. Việc huy động sức dân cần phải được cộng đồng dân cư dân chủ thảo luận, quyết định, phù hợp khả năng, điều kiện của từng nơi. Cần động viên nguồn lực nội tại kết hợp với nguồn lực từ nội thành và sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự đồng lòng chung sức của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định. Tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền vận động nhân dân để nhân dân hiểu, đồng tình ủng hộ gắn với Nhà nước hỗ trợ thông qua việc xây dựng hạ tầng, xây dựng chính sách phù hợp.

- Xây dựng nông thôn mới phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại địa phương, cộng đồng dân cư đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện, giám sát, hưởng thụ. Trong đó, giao quyền chủ động cho Ban quản lý xã làm chủ đầu tư các chương trình, dự án để phát huy vai trò chủ động, tích cực. Trong triển khai, khắc phục sự chỉ đạo dàn đều các tiêu chí, đặt quy hoạch phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề lên hàng đầu để tạo bước đột phát trong thời kỳ đầu của xây dựng nông thôn mới. Cụ thể:

+ Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm tiền đề để đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Quy hoạch phải dựa vào lợi thế cạnh tranh của mỗi xã để kết nối với quy hoạch của huyện và phù hợp với tầm nhìn của Thành phố và khu vực, có cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại, kết nối với nội thành; lấy công nghiệp hỗ trợ phát triển nông nghiệp; mời gọi doanh nghiệp về đầu tư phát triển nông thôn; tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại dịch vụ.

+ Trong phát triển sản xuất và chuyển dịch lao động: tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Hình thành những vùng chuyên canh sản xuất giống, cây con có hiệu quả như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP, bò sữa, cá sấu. Phát triển ngành nghề nông thôn. Chú trọng gắn kết giữa phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm ổn định giá cả, góp phần nâng cao thu nhập.

+ Các tiêu chí đã hoàn thành cần tiếp tục hoàn thiện, nâng chất để phát triển chiều sâu.

- Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc thành phố thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý xã để kịp thời hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Trong triển khai, có sự phân công rõ ràng các phần việc do xã làm, của ấp và của nhân dân.

- Việc đánh giá kết quả của Chương trình: bên cạnh đánh giá việc hoàn thành các tiêu chí theo tiêu chuẩn của các Bộ, ngành cần chú trọng ý kiến đánh giá, góp ý của nhân dân, xem đây là yếu tố quan trọng, quyết định tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Qua đánh giá trên thể hiện phát huy và nâng cao vai trò của nhân dân trong xây dựng – quản lý – giám sát. Bên cạnh việc quản lý hành chính của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, hội đoàn thể và cộng đồng dân cư cần phát huy hiệu quả của yếu tố “Hương ước cộng đồng” và truyền thống văn hóa của vùng nông thôn ven đô nhằm hạn chế bớt thành thị hóa nông thôn.

- Chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ; có chế độ, chính sách đối với cán bộ, chuyên viên xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng, biểu dương nhân rộng gương điển hình. Những xã có cán bộ nhiệt tình, nhân dân đồng thuận, chủ động xây dựng nông thôn mới, có nhiều cách làm hay, hiệu quả thì ưu tiên hỗ trợ để làm tốt hơn.

Hội nghị đã nghe các tham luận của Chi bộ ấp Hậu: Về vai trò lãnh đạo của Chi ủy chi bộ ấp trong việc thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới tại ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Báo cáo tham luận về gương điển hình hiến đất và vật kiến trúc xây dựng cơ sở hạ tầng của Bà Nguyễn Thị Biền.

Báo cáo tham luận của Hợp tác xã Sản xuất - Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội và HTX CoopMart.

Báo cáo tham luận về mô hình sản xuất giỏi trồng hoa lan trên địa bàn xã của ông Nguyễn Thanh Ngà.

Hội nghị đã nghe báo cáo tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập hộ bền vững trong tiến trình xây dựng NTM tại xã Tân Thông Hội. Với các kết quả đạt được và vượt yêu cầu đề ra trước khi xây dựng đề án như: Bình quân thu nhập / đầu người / năm là 28,66 triệu đồng (gấp 1,54 lần) đạt tỉ lệ 104% so mục tiêu. Hạ tỉ lệ hộ nghèo còn 636 hộ (theo chuẩn của thành phố), tỉ lệ 7,85% đạt yêu cầu 156% so mục tiêu. Việc phối hợp với các doanh nghiệp đã góp việc làm cho 511 lao động / tổng 1.604 lao động chưa có việc làm đạt 128% kế hoạch năm. Về hình thức tổ chức sản xuất đã được củng cố 01 HTX chăn nuôi bò sữa (60 xã viên), 01 HTX quản lý kinh doanh chợ (170 xã viên) và 03 tổ hợp tác ngành nghề (hoa lan, nuôi trăn, sản xuất rau VietGAP).

Từ các kết quả trên, trong sản xuất nông nghiệp tại xã Tân Thông Hội đã xuất hiện những nhân tố mới

Từ các giải pháp thực hiện đã nêu trên, trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện những nhân tố về các giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng nông nghiệp đô thị như: bò sữa, rau an toàn, hoa lan – cây kiểng, cá kiểng, … Trong đó, sự tham gia tích cực của các hội đoàn thể trong phát triển sản xuất là nhân tố góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, ngành nghề phi nông nghiệp cho các hội viên, từ đó đã góp phần giải quyết lao động nông nhàn ở nông thôn. Đặc biệt sự chủ động của các cơ sở đào tạo nghề trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với thị trường lao động nên ngay sau khi được đào tạo, người tham gia học nghề đã có thể kiếm được việc làm hay có thể vận dụng kiến thức được đào tạo phát triển nghề ngay trên địa bàn mình sinh sống.

Đồng chí Hứa Ngọc Thuận, thay mặt UBND TP tặng huy hiệu Hồ Chí Minh cho 03 đồng chí Lê Huy Ngọ, Nguyễn Đăng Khoa và Dương Công Kích.

Đánh giá cao về hình thức tổ chức và kết quả đạt được trong xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới tại Tân Thông Hội, đồng chí Nguyễn Đăng Khoa – Thủ tướng Bộ Nông nghiệp, Phó Ban Chỉ đạo thường trực chuyên trách, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương đã phát biểu đồng tình về báo cáo trong hội nghị của Ban Chỉ đạo của thành phố. Đồng chí đã nhấn mạnh thêm:

- Về nhận thức là rất quan trọng, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt việc chuyển biến nhận thức trong nhân dân về nông thôn mới, thể hiện qua phong trào hiến đất làm đường, …

- Định hướng nông nghiệp đô thị, xây dựng các mô hình nông nghiệp cao có hiệu quả và bền vững, tập huấn huấn luyện cùng dân nâng cao năng lực quản lý sản xuất của nông hộ.

- Hoạt động nông thôn mới làm nông dân gần gũi nhau hơn, tình làng nghĩa xóm gắn chặt, liên kết sản xuất, tương trợ nhau trong sản xuất thành hàng hóa để tiêu thụ theo sản xuất lớn. Đây là giá trị văn hóa thể hiện cao trong nông thôn mới.

Khẳng định nông dân thành phố hoàn toàn tự mình xây dựng nông thôn mới thành công với sự giúp đỡ của chính quyền thành phố”. Không có hoài nghi và thực tế đã minh chứng điều đó.

- Mời gọi doanh nghiệp về xã để đầu tư, đây là một hình thức rất tốt mà Trung ương đang quan tâm đây là cơ sở đảm bảo sản xuất tiêu thụ bền vững.

Kết luận đúc kết cho cách làm của thành phố Hồ Chí Minh Đ/c Nguyễn Đăng Khoa đã tóm tắt như sau: “Nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đạt được kết quả hợp lý, chất lượng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp nhất để vận dụng cho 58 xã mới.

Đồng chí Lê Thanh Hải phát biểu kết luận hội nghị:

- Năm 2012 hoàn thành bộ 19 tiêu chí tại 6 xã nông thôn mới. Tân Thông Hội nâng cao chất lượng 19 tiêu chí.

- Ban cán sự Đảng UBND thành phố cần hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư nông thôn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn. Gắn với đề án phát triển nông nghiệp đô thị năm 2020. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm các đoàn thể trong chương trình nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả đầu tư.

- 52 xã nhân rộng trong chương trình mục tiêu quốc gia, huy động mọi nguồn vốn, nguồn lực để năm 2015, 100% (58 xã) cơ bản hoàn thành theo bộ tiêu chí nông thôn mới quốc gia. Liên kết giúp sản xuất tiêu thụ.

- Tuyên truyền sâu rộng tạo sự thi đua trong mọi tầng lớp.

- Các Ban thành ủy nghiên cứu sớm có hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về xây dựng Đảng. Tăng cường kiểm tra giám sát kịp thời khắc phục yếu kém, phát huy cái tốt.

Hội nghị củng tổ chức trao nhiều bằng khen và giấy khen của Chính phủ, UBND Thành phố cho các tập thể và cá nhân có thành tích nỗi bật trong thực hiện xây dựng mô hình./.

 
 
Toàn cảnh hội nghị
 
 
 
Các sản phẩm nông nghiệp – là kết quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại Tân Thông Hội
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 9,734,096
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây