Con người ngày càng nhận thức rõ ràng vai trò của rừng đối với cuộc sống “ Rừng là lá phổi xanh của nhân loại”. Ở Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh với nhịp sống năng động và nhộn nhịp, là trung tâm kinh tế phát triển nhất của cả nước, cùng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao thì mặt trái của nó là một môi trường sống phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm tăng cao. Thật may mắn khi ngay trong lòng thành phố là một khu rừng ngập mặn “rừng Đước Cần Giờ” không chỉ đóng vai trò là “lá phổi xanh của thành phố” mà còn là “quả thận” lọc nước từ thượng nguồn đưa xuống trước khi chảy ra biển.
Rừng Đước Cần Giờ được trồng vào năm 1978 với mục tiêu ban đầu là khôi phục nhanh vùng rừng Sác đã bị hủy diệt bằng chất độc hóa học. Đến nay, rừng Đước Cần Giờ đóng vai trò là rừng phòng hộ môi trường cho thành phố Hồ Chí Minh và năm 2001 được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Tổng diện tích rừng phòng hộ Cần Giờ hiện nay là 37.236,93 ha, trong đó diện tích rừng là 30.530,21 ha (18.937,46 ha rừng trồng, 11.592,75 ha rừng tự nhiên) và diện tích đất khác là 6.671 ha. Rừng Cần Giờ có 97% là Đước, còn lại là một số cây khác như: Mắm, Sú…
Từ năm 1999, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã ban hành quyết định số 3172/QĐ-UB-CNN ngày 02/6/1999 về việc nghiêm cấm tỉa thưa rừng phòng hộ Cần Giờ đến nay do không có tác động lâm sinh nên rừng trồng đã có những dấu hiệu thoái hóa như: tỉ lệ giữa đường kính thân và chiều cao không hợp lí, cây dễ ngã gảy khi có gió mạnh, tình hình sinh trưởng kém do mật độ quá dày, các cành dưới tán rừng bị chết khô do không cạnh tranh được đủ ánh sáng, tình hình sinh vật hại cây rừng (sâu đục thân, mối…) có chiều hướng tăng…
Trước những nguy cơ suy thoái hệ sinh thái Rừng Đước Cần Giờ, ngày 19/10/2011 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi hội thảo “Đánh giá hiện trạng rừng Đước trồng Cần Giờ và đề xuất các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ” với sự góp mặt của các chuyên gia lâm nghiệp, các giáo sư tiến sĩ đầu ngành và một số đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Qua hội thảo, nhận định hiện tượng suy thoái của rừng Đước Cần Giờ là một quá trình diễn ra tự nhiên do rừng Đước không được tác động lâm sinh và đã quá tuổi thành thục do đó cần phải có biện pháp tác động đến rừng trồng. Các biện pháp lâm sinh cải tạo rừng trồng được đưa ra như:
- Tỉa thưa rừng trồng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn, lựa chọn tỉa những cây sinh trưởng yếu do bị chèn ép, những cây đã quá tuổi thành thục (khoảng 25-30 tuổi), những cây bị sâu bệnh gây hại nặng… chừa lại những cây khỏe, đang trong độ tuổi phát triển mạnh.
Công tác tỉa thưa phải được quản lý theo một qui trình kỹ thuật nhất định, được các đơn vị phối hợp điều tra, giám sát thực hiện chặt chẽ. Phải chú trọng đến công tác triển khai thực hiện tỉa thưa với mục đích tái sinh, khôi phục rừng trồng tránh tư tưởng tỉa thưa rừng trồng với mục đích kinh tế.
- Tạo lập một hệ sinh thái rừng với chủng loại cây trồng đa dạng, phong phú nhiều tầng nhiều tán. Do quá trình lưu chuyển nước và bồi đắp từ thượng nguồn nên rừng Đước Cần Giờ dần thay đổi địa hình thành hình chảo, hình nón. Do đó, theo lẽ tự nhiên sẽ hình thành nên một số chủng loại cây trồng khác thích nghi hơn. Một hệ sinh thái đa chủng loại sẽ bền vững và phát triển mạnh hơn so với một hệ sinh thái đơn thuần.
- Cải tạo rừng Đước Cần Giờ theo hướng tự nhiên.
- Một số ý kiến còn mong muốn tạo lập được sự lưu chuyển, khai thông dòng chảy trong vùng sinh thái rừng dọc sông Đồng Nai, tạo môi trường phát triển tự nhiên cho hệ sinh thái rừng.
Những giải pháp trên đều được thảo luận và đánh giá có tính thực tiễn và hữu hiệu cao, cần được thực hiện trong thời gian gần. Tin rằng, với những biện pháp hữu hiệu sẽ tiến hành rừng Đước Cần Giờ sẽ sớm được phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần đáng kể trong công tác cải thiện môi trường sống của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và xã hội nói chung./.
Hình ảnh hội thảo “ Đánh giá hiện trạng rừng Đước trồng và đề xuất các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ”
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn