Hoạt động chuyên môn phòng chống dịch
Trước khi vào vụ sản xuất, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thiết lập hệ thống thực hiện công tác giám sát diễn biến dịch hại để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ rầy nâu và bệnh hại lúa.
- Tổ chức tập huấn các văn bản, các thông tin mới có liên quan đến rầy nâu và các bệnh do rầy nâu làm môi giới cho cán bộ kỹ thuật (CBKT) và lực lượng mạng lưới cộng tác viên bảo vệ thực vật (CTV BVTV) cơ sở.
- Củng cố, tăng cường hệ thống bẫy đèn (9 bẫy), bẫy gió (2 bẫy) ở các khu vực trọng điểm, ở từng vùng sinh thái, giúp phát hiện nhanh chóng, kịp thời rầy di trú phát sinh, từ đó có dự tính dự báo chính xác thời điểm tổ chức xuống giống né rầy hoặc phun thuốc trừ rầy hiệu quả cho từng khu vực, từng cánh đồng.
- Xây dựng các điểm điều tra định kỳ SVH cây lúa trong các vùng sản xuất lúa trọng điểm theo nguyên tắc mỗi CBKT và CTV BVTV cơ sở phụ trách ít nhất 1 điểm điều tra định kỳ, để theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu, thiên địch rầy nâu trên đồng ruộng, tham mưu các giải pháp phòng trừ rầy nâu có hiệu quả- an toàn và giảm đáng kể lượng thuốc trừ rầy sử dụng trong năm 2007.
- Thu thập hàng tuần các thông tin về tình hình thời tiết, thuỷ văn và tiến độ sản xuất, tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở các vùng lân cận thành phố như Long An, Đồng Nai, Tây Ninh ...để bổ sung dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch.
Giám định bệnh VL-LXL
Công tác giám định dịch bệnh đã giúp dự báo được sự hiện diện của virus gây bệnh VL-LXL từ đó có giải pháp phòng chống bệnh có hiệu quả, đặc biệt là các trà mạ gieo trước các đợt rầy nâu trưởng thành di trú về thành phố.
- Vụ đông xuân và vụ hè thu 2007 giám định 32 mẫu rầy nâu vào đèn, rầy nâu trên ruộng lúa kiểm tra tỷ lệ cá thể mang virus VL-LXL. Kết quả kiểm tra chỉ có các mẫu thu thập từ ngày 1/10/2006 đến ngày 31/12/2006 mang virus VL-LXL.
- Vụ mùa 2007 đã gởi giám định 438 mẫu mạ mùa, kết quả giám định có 100/438 mẫu nhiễm virus, chiếm 22,83%, chủ yếu là virus gây bệnh lùn lúa cỏ (RGSV) và ghi nhận virus RGSV xuất hiện phân tán trên diện rộng và phổ biến tại các huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn và huyện Cần Giờ.
Hoạt động thông tin tuyên truyền
- Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình HVT, VTV1, Báo Tuổi trẻ, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Người Lao động đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân những biện pháp phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL trên lúa, để nông dân hiểu biết được sự nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh và thực hiện có hiệu quả kỹ thuật gieo sạ “ né rầy”.
- Đài truyền thanh huyện (quận), xã (phường) tổ chức các đợt thông tin tuyên truyền về biện pháp gieo sạ né rầy, thời gian xuống giống an toàn, phòng trừ rầy nâu hại mạ mùa.
- Chi cục BVTV.TP tổ chức 2 xe lưu động thực hiện phát thanh liên tục các chuyên đề về gieo, sạ né rầy, phòng trừ rầy nâu hại mạ mùa, lúa mùa, xây dựng hệ thống pano tuyên truyền về gieo sạ ‘né rầy” và số điện thoại đường dây nóng.
- Cùng với Thành Đoàn tham gia phát tờ rơi, dán áp phích tuyên truyền phòng chống dịch như Tờ rơi gieo sạ né rầy(30.000 tờ), Sổ tay hướng dẫn phòng trừ rầy nâu truyền bệnh VL-LXL (25.000 cuốn), áp phích rầy nâu (2.000 tờ),aa1p phích gieo sạ né rầy (2.000 tờ), tài liệu tóm tắt về rầy nâu, bệnh VL, LXL và biện pháp phòng trừ (120 bộ).
Chuẩn bị vật tư, phương tiện dự phòng chống dịch rầy nâu
- Bình xịt: chuẩn bị 40 bình xịt tay để giao cho 5 Trạm BVTV huyện quận quản lý dự phòng cho nông dân mượn khi có nhu cầu.
- Thuốc trừ rầy nâu: dự phòng lượng thuốc đủ phun cho 1.000 ha lúa.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH
Kết quả thực hiện gieo sạ né rầy
Tuy biện pháp gieo sạ “né rầy”, kỹ thuật né rầy là giải pháp kỹ thuật mới và giải pháp này lần đầu tiên được ứng dụng thí điểm ở vụ đông xuân và đại trà vụ mùa nhưng kết quả có từ 39 % DT (vụ đông xuân) và hơn 50% DT lúa mùa được nông dân tổ chức gieo, cấy tập trung theo chủ trương của thành phố.
Kết quả phòng trừ rầy nâu hại lúa năm 2007
Nhờ vào điều tra dự tính dự báo chính xác và kịp thời thông tin tình hình phát sinh phát triển của rầy nâu trực tiếp đến nông dân các địa phương nên hầu hết DT nhiễm nặng đã được phòng trừ ngay khi rầy tuổi 1 đến tuổi 3, do đó DT nhiễm nặng không tăng và rầy nâu đã không gây thiệt hại cho lúa. So với năm 2006 DT nhiễm, DT nhiễm nặng và DT phòng trị thấp hơn rất nhiều.
Tổng diện tích tổ chức cấp phát thuốc chống dịch là 229,18 ha và số thuốc cấp phát là 217,92 lít bao gồm thuốc trừ rầy Butyl là 13,72 lít, thuốc trừ rầy Bascide là 207,2 lít và thuốc trừ rầy Forcin là 22 lít. Như vậy dù lượng thuốc trừ rầy dự trữ đủ để cấp phát cho khoảng 1.021 ha, nhưng do mật số rầy không cao nên Chi cục BVTV TP chỉ tổ chức cấp phát thuốc tại những ruộng nhiễm bệnh VL-LXL, những vùng không nuôi tôm cá.
Hầu hết các địa phương đều thực hiện rất tốt công tác chỉ đạo, phòng trừ các lứa rầy nâu kịp thời, không xảy ra tình trạng gia tăng đột biến mật số rầy nâu, nhờ vậy rầy nâu không gây thiệt hại cho lúa. Kết quả này cho thấy nhờ vào công tác điều tra phát hiện, dự báo và thông tin kịp thời chính xác nên đã bảo vệ được năng suất, sản lượng. Với chi phí sản xuất thấp và số lần phun thuốc thấp nhất đã làm giảm giá thành sản xuất, giảm độc hại cho nông dân và môi trường.
Công tác nhổ bỏ, tiêu hủy lúa nhiễm bệnh
Đa số nông dân đều nhận biết được tác hại của dịch bệnh VL-LXL trong các vụ trước nên đã rất cảnh giác, thăm đồng thường xuyên để nhổ bỏ cây bị bệnh ngay từ đầu do vậy tỉ lệ diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng và diện tích nhiễm bệnh, tỷ lệ bệnh trên đồng ruộng giảm dần và thiệt hại do bệnh VL-LXL năm 2007 rất thấp. Tổng diện tích lúa và mạ nhiễm bệnh VL-LXL đã được nông dân xử lý triệt để bằng các biện pháp như sau:
- Tiêu huỷ ruộng mạ nhiễm bệnh: 1,39 ha.
- Tiêu huỷ ruộng lúa nhiễm bệnh: 265 ha
- Nhổ bỏ cây lúa nhiễm bệnh kết hợp phun thuốc trừ rầy nâu: 1.392,8 ha.
Mô hình gieo sạ “né rầy”
Trong vụ mùa 2007, nhiều mô hình phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá đã được triển khai có kết quả tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), xã Phước Thạnh, Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) và xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).
- Tổng diện tích mô hình 75,17ha, trong đó có 23 ha lúa cấy và 52,17 ha lúa sạ vào các thời điểm như sau:
* gieo mạ, sạ lúa vào cuối tháng 7, đầu tháng 8: 46,35 ha;
* gieo sạ vào giữa tháng 8: 20 ha.
- Trước khi xuống giống CBKT và 140 hộ nông dân tham gia mô hình đã tiến hành điều tra tập quán canh tác lúa để xây dựng qui trình sản xuất lúa cho từng mô hình.
- Nông dân tham gia mô hình đã tham gia lớp huấn luyện IPM/lúa, sử dụng nấm ký sinh côn trùng Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Hirsutella spp để trừ rầy và được cấp phát sổ tay cánh đồng lúa IPM, bảng so màu lá lúa và các tài liệu kỹ thuật khác. Kết quả sử dụng các loại nấm trên đều có hiệu quả cao với rầy nâu và tỷ lệ rầy nâu bị ký sinh trong các mô hình khá lý tưởng (>75%).
- Nhờ vào kỹ thuật gieo sạ “né rầy”, kỹ thuật 3 giảm và sử dụng bổ sung nấm ký sinh côn trùng cho nên lúa không nhiễm bệnh VL-LXL, giảm được số lần sử dụng thuốc. Số lần sử dụng thuốc BVTV trong mô hình là 5 lần/vụ, bao gồm 2 lần sử dụng nấm ký sinh côn trùng, 1 lần sử dụng thuốc cỏ, 1 lần sử dụng thuốc trừ bệnh và 1 lần sử dụng thuốc trừ sâu rầy. So với nông dân bên ngoài mô hình thì số lần sử dụng thuốc BVTV thấp hơn vì vậy lợi nhuận của mô hình cao hơn nông dân không tham gia mô hình.
Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân
Đến ngày 31/12/2007, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân là 635.142.000 đồng chia ra:
- Tiêu hủy mạ nhiễm bệnh: 9.035.000 đồng.
- Tiêu hủy lúa nhiễm bệnh: 612.500.000 đồng.
- Cấp phát thuốc trừ rầy nâu: 13.607.000 đồng.
NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ
- Công tác thông tin tuyên truyền đã triển khai cùng lúc với rất nhiều hoạt động đặc biệt là các hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng do đó hầu hết nông dân đều biết thông tin về các đợt rầy nâu di trú, kỹ thuật “né rầy”, phương pháp phát hiện, phòng trị và chính sách hỗ trợ phòng trừ rầy nâu, tiêu huỷ lúa nhiễm bệnh VL-LXL. Công tác thông tin tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng vì nhờ đó cán bộ và nông dân nhận thấy được tầm quan trọng và biết cách ngăn ngừa, phát hiện, phòng trị có hiệu quả dịch bệnh.
- Hệ thống BVTV đã thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, khoanh vùng các khu vực nhiễm rầy, nhiễm bệnh và tham mưu Ban chỉ đạo các cấp thực hiện công tác phòng chống dịch kịp thời, chính xác cho nên đã giảm một khối lượng rất lớn thuốc trừ rầy để phun trừ dập dịch.
- Về trang bị vật tư chống dịch (bình bơm, thuốc trừ rầy….) cũng được Chi cục BVTV tổ chức phối hợp với Cty TNHH 1TV BVTV Sài gòn dự trữ và cung ứng kịp thời, đầy đủ.
- Các mô hình gieo sạ “né rầy” đạt được yêu cầu và cung cấp thêm cơ sở dữ liệu, kinh nghiệm để áp dụng kỹ thuật gieo sạ “né rầy” trong điều kiện đặc thù của thành phố. Qua đó rút được bài học kinh nghiệm là gieo mạ, sạ cấy trong tháng 7 sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh VL-LXL do các đợt rầy di trú từ lúa hè thu lan truyền nguồn bệnh, đặc biệt là cho mạ mùa.
- Nhìn chung công tác chống dịch đã được Ban Chỉ đạo các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đảng, Đoàn thể và tổ chức thực hiện quyết liệt và có kết quả. Công tác BVTV đã góp phần giữ vững năng suất, sản lượng lúa đông xuân và lúa hè thu đồng thời đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu và bệnh VL-LXL gây ra ở vụ mùa 2007./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn