Kỹ thuật canh tác xoài thái

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Xoài ăn xanh hiện nay có rất nhiều giống, tuy nhiên giống xoài được ưa chuộng và phổ biến nhất hiện nay là Khiêu Xa Vơi có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc điểm: Phiến lá tương đối nhỏ, lá màu xanh đậm, thân cành thường bị xì mủ, chảy nhựa. Vỏ trái có màu có màu xanh đậm, hạt dẹp mỏng và thường lép hạt. Trái tròn dài, hơi cong ở phía đuôi, trọng lượng trái trung bình 300 - 350gr. Trái có thể ăn xanh, chín đều rất ngon.

1. Chọn giống

Khi trồng nên chọn giống ghép, cây phải khỏe mạnh, sạch bệnh, đúng giống. Vị trí ghép cách gốc từ 15-20cm, chiều cao cây 50-70cm tính từ mặt bầu lên.

2. Thời vụ

Xoài được trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa.

3. Mật độ và khoảng cách

Tùy điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật thâm canh… có thể trồng với mật độ khác nhau. Mật độ trung bình 300 – 350 cây/ha (6m x 5m), trồng dày mật độ 500 – 950 cây/ha, với mất độ (4m x 5m hoặc 3m x 3,5m).

4. Cách trồng

+ Chuẩn bị hố trồng: Trước khi trồng khoảng 1 tháng, đào hố vuông rộng 70 - 80cm, sâu 50 – 70cm.

+ Bón lót cho 1 hố: 20 - 30kg phân chuồng hoai mục + 1 – 2kg super lân + 0,3 – 0,5kg vôi bột, có thể trộn thêm 1 -2kg phân hữu cơ vi sinh. Trộn đều phân với đất, lấp đất bằng miệng hố (công việc này làm xong trước khi trồng khoảng 1 tháng).

+ Cách trồng: Đào một hốc nhỏ ở chính giữa hố, rạch bỏ túi bầu nilon và đặt bầu cây vào giữa hốc, lấp đất vừa bằng cổ rễ, nén chặt xung quanh. Sau đó, cắm 2 cọc chéo chữ X vào cây và buộc dây để tránh lay gốc làm chết cây. Sau khi trồng tủ xung quanh gốc bằng rơm, rác mục và tưới nước liên tục trong một tháng đầu để tạo độ ẩm cần thiết cho rễ phát triển. Sau trồng 1 tháng cây ổn định, rạch bỏ nilon ở vết ghép để cây sinh trưởng, phát triển.

5. Chăm sóc

+ Tưới nước: Thời kỳ đầu sau khi trồng cần đảm bảo tưới đủ nước cho cây, để cây sinh trưởng phát triển. Trời nắng hạn tưới 1-2 lần/ngày. Càng về sau tùy điều kiện thời tiết và sinh trưởng của cây để tưới.

+ Bón phân:

Giai đoạn cây tơ:cây cần nhiều đạm và lân, bón 0,3 – 0,5kg phân NPK 16-16-8, và 0,2kg ure, chia làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa.

Giai đoạn cây cho thu hoạch: Mỗi cây bón 1,5 – 2kg phân NPK 16-16-8, chia làm 2 lần bón/năm, sau khi cây ra hoa và sau khi thu hoạch quả. Có thể bón thêm chất kích thích để tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả.

Cách bón: Đào rãnh chung quanh tán cây cách thân từ 1 -2m đường kính, sâu 15 – 30cm, đặt phân và lấp đất, hoặc bón theo lỗ từ 6-8 lỗ quanh thân cây.

+ Tỉa cành, tạo tán:

Xoài là cây ra hoa đậu trái ở đầu cành, tạo tán tròn đều nhận ánh sáng từ mọi phía sẽ thuận lợi cho việc ra hoa đậu trái. Khi cây có chiều cao 1m cắt tỉa cành chỉ để lại chiều cao khoảng 0,8m, cây phát triển 5-7 cành mới cắt chỉ để 3 cành khung tỏa đều 3 hướng làm cành cấp I. Khi cành cấp I dài 0,5-0,8m tỉa tiếp và chỉ để lại 3 cành làm cấp II và từ cành cấp 2 chỉ tỉa để lại 3 cành cấp III. Sau đó ngưng tỉa để cây phát triển tự nhiên, lúc này cây sẽ có bộ khung vững chắc và tán sẽ phát triển theo dạng tròn.

Hàng năm sau khi thu hoạch nên tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành khuất trong tán, cành mất cân đối, để cây thông thoáng. Việc tỉa cành nên làm ngay sau khi thu hoạch trái để dễ dàng xử lý cây ra hoa.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Bệnh thán thư : Do nấm. Bệnh gây hại trên cành non, lá, hoa và trái. Trên lá đốm bệnh có màu xám nâu, tròn hay góc cạnh, liên kết lại làm rách và rụng lá. Trên bông vết bệnh là những đốm màu nâu đen, làm hư và rụng bông. Trên trái bệnh làm cho trái bị thối đen.. Dùng Antracol 70WP, Amistar 250SC, Manage 15WP, Mataxyl 500WP,.....

Bệnh phấn trắng : Do nấm. Nấm bệnh đóng thành lớp phấn trắng và thường bắt đầu từ ngọn của phát hoa rồi lan dần đến cuống hoa, lá non và cành. Trái bệnh bị biến dạng và rụng. Có thể dùng Rhidomila MZ 72WP, Anvil 5SC,...

Bệnh muội đen (bồ hóng): Do nấm. Nấm tạo thành những mảng bồ hóng đen trên lá và trái. Nấm không gây hại trực tiếp vì không hút dinh dưỡng của cây nhưng làm giảm quang hợp của lá. Bệnh phát triển theo chất thải của rầy rệp. Có thể dùng: Bassa 50 EC, Trebon 2,5 EC và có thể phun các loại thuốc trừ nấm có gốc đồng,...

Bệnh xì mủ thân : Các loại thuốc có thể áp dụng hiệu quả phòng trị bệnh này như Kasuran, Coc 85, Kocide, Copper zine, Kasumin…

Rầy bông xoài : Rầy chích hút gây hại trên đọt non, phát hoa và trái non, sau đó đẻ trứng lên phát hoa. Tiếp theo ấu trùng mới nở đục vào cuống phát hoa hút nhựa hủy toàn bộ phát hoa. Ấu trùng trưởng thành đục lỗ nhỏ từ cuống phát hoa đang phát triển chui ra chích hút làm trái non bị vàng rồi rụng. Có thể dùng Bassa 50 EC, Trebon 2,5 EC, Supracide 40 EC, Song mã 24,5 EC,...

Sâu đục thân, đục cành : Dùng bẫy đèn bắt sâu trưởng thành, có thể tiêm vào lỗ những loại thuốc có tính xông hơi mạnh hoặc nội hấp như: Actara 25 WG, Padan 95SP, bịt lỗ bằng đất sét để diệt sâu non.

Ruồi đục quả : Ruồi đục vào quả lúc vỏ quả già, đẻ trứng dưới lớp vỏ, sâu non ăn thịt quả gây thối, rụng quả. Có thể dùng Sherpa 25 EC, Lục Sơn 0,26 DD, Padan 95 SP.

7. Thu hoạch

- Khi quả già, vỏ quả hồng sáng, độ chín đặc trưng của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo.

- Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,387,550
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây