Làm thế nào để sản xuất lúa Hè Thu 2011 đạt năng suất, sản lượng cao

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Cây Lúa Hè Thu 2011 đã xuống giống hơn 1 triệu ha tập trung chủ yếu khu vực ĐBSCL (991.941 ha) và khu vực ĐNB (38.049 ha). Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã xuống giống 3.656 ha. Cây lúa chủ yếu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh

Với tình hình thời tiết những năm gần đây có nhiều biến động và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển và tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa cũng có nhiều biến đổi, do đó để sản xuất vụ lúa hè thu an toàn và hiệu quả bà con cần lưu ý một số thông tin sau:

1. Lịch gieo sạ

Lúa Hè Thu được gieo trồng từ 15/4/2011 chậm nhất đến ngày 10/6/2011, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống cần căn cứ vào lượng mưa, độ mặn và dự báo về thời điểm RN trưởng thành di trú để xuống giống tập trung và gieo sạ “né rầy”.

Sau khi thu hoạch lúa Đông xuân hãy cày phơi ải đất ít nhất khoảng 3 tuần để cách ly nguồn bệnh, chuẩn bị giống và chờ rầy vào đèn rộ thì gieo sạ ngay trong vòng từ 1 đến 3 ngày, sau khi rầy vào rộ để lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.

Bà con cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “ba giảm” (giảm giống, giảm phân bón nhất là đạm, giảm thuốc trừ sâu), ”1 phải 5 giảm” (Phải dùng giống xác nhận, giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, giảm lượng thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới và số lần bơm tưới, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch) và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng trong phòng trừ dịch hại.

2. Vệ sinh đồng ruộng

- Tổ chức thu hoạch nhanh, gọn lúa Đông Xuân 2010 – 2011 và sau thu hoạch nếu có điều kiện nên dọn sạch hoặc đốt ngay rơm rạ trên ruộng; cày vùi hay trục ruộng để diệt lúa chét, cỏ dại và ở những nơi có điều kiện nên đưa nước vào ngâm ruộng.

- Dọn sạch cỏ bờ, chú ý cỏ lồng vực, cỏ ống,.....là ký chủ phụ của RN. Có thể nhổ cỏ bằng tay, làm đất, sử dụng nước thích hợp và dùng thuốc hoá học.

- Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ có thể được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì tiết kiệm được công lao động, sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau, và người nông dân đỡ cực nhọc, vất vả như các biệp pháp làm cỏ khác. Có 2 loại thuốc để trừ cỏ:

+ Trừ cỏ tiền nẩy mầm: phun thuốc khi cỏ chưa nẩy mầm (phun từ 0 – 4 ngày sau gieo sạ)

+ Trừ cỏ hậu nẩy mầm: khi cỏ mọc được 1 – 7 lá (6 – 20 ngày sau sạ).

Thuốc trừ cỏ chọn lọc( 1 – 2 nhóm cỏ), thuốc trừ cỏ không chọn lọc (diệt cả 3 nhóm cỏ).

+ Đối với thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm và hậu nẩy mầm sớm: Virisi 25 SC, Saturn 6H, Sunrice 15 WDG, Sofit 300 EC, Star 10 WP, Sirius 10WP, Meco 60 EC, ...

+ Đối với thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm: Viricet 300 SC, Vibuta 32 ND, Nominee 10 SC, Ankilla 40 WP, Solito 320 EC, Pyanco 3 EC, Pyanplus 6 EC, Targa super 5 EC, ...

3. Cơ cấu giống

- Bà con cần lưu ý sử dụng giống xác nhận, kháng rầy nâu, sạch bệnh, sạch hạt cỏ, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương để đảm bảo năng suất và giảm áp lực rầy nâu.

- Tại vùng sản xuất 3 vụ lúa phấn đấu bố trí từ 4 – 5 giống chủ lực và DT giống chủ lực không chiếm quá 20 % và DT gieo trồng.

- Các giống lúa được Cục Trồng trọt khuyến cáo sử dụng tại vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh:

+ Giống chủ lực: VNĐ95-20, OM4900, OMCS2000, OM6162, IR59606 (OMCS94), ML48...

+ Giống bổ sung: Nàng Hoa 9, OM4218, OM6976, OM3536, OM4498, OM4900, OM5451, OM6162, TH6, TH4, IR64 ...

+ Giống triển vọng: OM6916, OM8923, OM7262, OM8018, OM10041, MTL547, MNR2 ...

4. Lượng giống, mật độ cấy

- Không sạ, cấy quá dày vừa tốn giống, vừa làm tăng số lượng côn trùng môi giới trong ruộng, dẫn đến làm tăng bệnh và nên sạ hàng nếu có điều kiện.

- Tùy vào chân đất, chất lượng hạt giống và phương pháp gieo sạ mà định lượng giống sử dụng:

+ Đối với sạ lan: từ 90 - 120 kg/ha/vụ.

+ Đối với lúa cấy: 20 * 20 cm.

5. Bón phân

- Bón phân cân đối N-P-K, chú ý bón phân N vừa phải và nên bón lót 100% phân P và 1/2 phân N, riêng phân K và phân N còn lại chia làm 2 lần bón thúc lần 1 vào thời kỳ lúa đẻ nhánh và lần 2 khi lúa phân hóa đòng. Khuyến cáo bón tăng liều lượng K ở lần bón đón đòng.

- Vùng canh tác giống lúa ngắn ngày, hướng dẫn nông dân sử dụng bảng so màu lá lúa khi bón phân N lần 2 (vào khoảng 18-20 ngày sau sạ) và lần 3 (bón đón đòng).

6. Phòng trừ sinh vật hại

Vụ lúa Hè Thu thường chịu áp lực của sâu bệnh và cỏ dại rất mạnh do đó cần có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hợp lý và diện rộng.

- Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc ”4 đúng” trong phòng trừ SVH.

- Vận động nông dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “ba giảm” (giảm giống, giảm phân bón nhất là đạm, giảm thuốc trừ sâu) nhằm hạn chế đầu vào, nâng cao thu nhập, giữ cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.

- Khuyến khích nông dân canh tác theo chương trình ”1 phải 5 giảm” nhằm đối phó với tình hình sinh vật hại và biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tuy có những khó khăn về áp lực sâu bệnh hại, thời tiết và khí hậu nhưng với những kiến thức, hiểu biết được trang bị để áp dụng sản xuất lúa Hè Thu 2011 sắp tới mong rằng bà con sẽ có biện pháp phòng trừ cụ thể và kịp thời xử lý vượt qua khó khăn để có một vụ lúa bội thu./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,226,368
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây