Một số kết quả điều tra về tình hình tập quán trồng rau muống nước, vi sinh và độc chât tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Rau muống nước là cây dễ trồng, thích hợp ở những vùng đất trũng, thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật thì hiện trạng diện tích sản xuất rau muống nước (RMN) của thành phố đến nay có khoảng 508,4 ha, chiếm 25,5% diện tích sản xuất rau các loại, vùng sản xuất RMN trên địa bàn thành phố phân bố như sau: Vùng bị ô nhiễm phải chuyển đổi sang cây trồng khác: 115,66 ha (tập trung ở các quận Gò vấp, Thủ Đức, quận 9, quận 12), vùng RMN đã xác định là vùng an toàn: 169,63 ha, vùng đủ điều kiện sản xuất RMN an toàn: 203,0 ha và vùng cần thẩm định: 20,15 ha.

Rau muống nước tập trung thành vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên chất lượng rau muống được cải thiện đáng kể giúp người mua và sử dụng an tâm. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, bất chấp rau có bị ô nhiễm hay không, nhiều hộ nông dân vẫn còn sản xuất trên nguồn nước bị ô nhiễm, bón phân, sử dụng thuốc BVTV tuỳ tiện, không đảm bảo thời gian cách ly. Do vậy, khiến báo chí và người tiêu dùng đã phải lên tiếng cảnh báo.

Chi cục BVTV đã tiến hành điều tra tình hình sử dụng thuốc BVTV và lấy mẫu phân tích, đánh giá diễn biến dư lượng thuốc trừ sâu trong rau muống nước tại các vùng sản xuất an toàn của thành phố đến nay đã có một số kết quả như sau:

- Về đất trồng và nguồn nước tưới: 100% sản xuất rau muống nước ở những vùng đất trũng ngập nước và hầu hết sử dụng nguồn nước kênh rạch. Diện tích sử dụng nguồn nước kênh rạch bị ô nhiễm chiếm 47.34% (phường Thạnh Xuân quận 12 thuộc kênh Tham Lương vả Phường Tam Phú, quận Thủ Đức rạch Cầu Lớn và rạch Nghe thuộc nhánh sông Sài Gòn), đây là những vùng đã được đề nghị chuyển đổi nhưng tiến độ còn chậm.

- Về phân chuồng: Nông dân bón phân chuồng cho 1 ha, cao nhất 10 tấn, trung bình 7 tấn, thấp nhất 3 tấn, tỉ lệ nông dân bón phân chuồng khô (hoai mục hay chưa thì phải kiểm tra cụ thể) chiếm tỉ lệ 100%.

Ngoài ra theo số liệu điều tra có 70% nông dân còn sử dụng các loại phân bón lá và các chất kích thích tăng trưởng như: Thần dược, Atonik, HVP, Toponsu, Hormic.. (có trong danh mục được phép sử dụng trên cây rau), thời gian bón phân trước thu hoạch từ 5-7 ngày.

- Về sử dụng thuốc BVTV: Theo số liệu điều tra mặc dù đã có 100% nông dân đã qua lớp tập huấn chuyên môn về sử dụng thuốc BVTV nhưng đa số vẫn còn sử dụng thuốc BVTV theo cảm tính như: 30% phun định kỳ 2-3 lần/ lứa thu hoạch (chu kỳ 1 lứa thu hoạch từ 20-25 ngày). Tỉ lệ hộ phun xịt 1,2,3 lần tương ứng tỉ lệ 13,63%; 77%; 16,34% . Thời gian phun xịt trước thu hoạch từ 7-10 ngày.

- Về sử dụng nhớt: Vẫn còn 30% nông dân sử dụng dầu nhớt để phòng trừ rầy mềm ở giai đoạn 2-3 ngày sau thu hoạch trên rau muống nước. Chi cục bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy 95 mẫu rau muống tại 5 quận, huyện sản xuất rau muống nước để phân tích dư lượng thuốc trừ sâu nhóm lân, carbamate, vi sinh, nitrat (NO-3), chì (Pb). Trong đó:

- 40 mẫu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu theo phương pháp GT-Test Kit của Thái Lan

- 45 mẫu phân tích dư lượng các chỉ tiêu: Salmonella, Escherichia coli, Nitrat, chì do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phân tích.

Kết quả như sau:

- Về dư lượng thuốc trừ sâu nhóm lân, carbamate: qua 40 mẫu rau kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu kết quả chưa phát hiện mẫu vượt dư lượng cùng với kết quả trong 6 tháng đầu năm 2007 Chi cục BVTV đã phân tích 190 mẫu ở các vùng sản xuất rau muống nước trong thành phố cũng chưa phát hiện mẫu vượt dư lượng thuốc trừ sâu cho phép.

- Về Escherichia coli : Đối với vùng sản xuất có tỉ lệ 70% mẫu có hàm lượng E. coli; vùng lưu thông (chợ) có 55% mẫu có hàm lượng E.coli. Đa số các mẫu rau nhiễm cao hơn mức quy định

- Về Salmonella: tất cả 40 mẫu lấy từ vùng sản xuất và vùng lưu thông đều không phát hiện khuẩn Salmonella.

- Về Nitrat (NO-3): 10/10 mẫu có kết quả phân tích biến động từ 10-70 mg/kg. đều dưới mức giới hạn (NO-3) ở một số sản phẩm rau tươi.

- Về chì (Pb): 15/15 mẫu gồm (7 mẫu ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi; 3 mẫu ở phường Thạnh Xuân, Quận 12; 2 mẫu ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn; 2 mẫu ở phường Tam Phú và 1 mẫu ở phường Trường Thọ Quận Thủ Đức) tất cả đều không phát hiện nhiễm chì (Pb).

(Lưu ý: Kết quả trên phản ánh ở những vùng điều tra lấy mẫu phân tích)

Từ kết quả điều tra trên chúng tôi có một số kết luận như sau:

- Rau muống nước mang lại hiệu quả kinh tế khá cao do đó nông dân thuê mướn đất trồng rau muống nước chiếm tỉ lệ 54% đa số là nhập cư từ các tỉnh phía Bắc, địa phương khó quản lý; 47,34% hộ điều tra đã sử dụng nguồn nước tưới trên sông bị ô nhiễm. Nông dân trồng rau muống nước tương đối trẻ tuổi so với điều tra năm 2002, do đó ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt, nhưng sử dụng phân bón chưa cân đối ở một số địa phương, vẫn còn nông dân phun thuốc BVTV định kỳ và thuốc BVTV không có trong danh mục sử dụng thuốc trên cây rau (nhưng không bị cấm trong danh mục thuốc), và sử dụng nhớt phòng trừ sâu hại trên rau muống nước.

- Kết quả phân tích các chỉ tiêu về thuốc trừ sâu, Salmonella, NO-3, Pb trên các mẫu RMN trên đều an toàn (đối chiếu với tiêu chuẩn vệ sinh tại Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN ngày 19 tháng 1 năm 2007, ban kèm các phụ lục về dư lượng thuốc BVTV, vi sinh, kim loại nặng); riêng số mẫu nhiễm E.coli cao hơn mức quy định.

- Người tiêu dùng chỉ nên mua rau muống nước ở những của hàng rau an toàn, cần phải rửa kỹ nhiều nước, hạn chế ăn rau tươi, chỉ sử dụng rau sau khi nấu kỹ.

- Đối với người sản xuất: Đây là nguồn thu nhập chính, để người tiêu dùng không quay lưng với sản phẩm rau muống nước, thì người sản xuất cần áp dụng đúng quy trình sản xuất rau an toàn, chỉ trồng rau ở những vùng đủ điều kiện sản xuất.

- Đối với những vùng ô nhiễm, địa phương cần tuyền truyền vận động nông dân chuyển đổi cây trồng khác (ngoại trừ cây lương thực thực phẩm), không cho thuê mướn trồng rau muống nước tại những vùng này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,384,178
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây