Cây cần sa thường gọi là cây gai dầu, còn gọi là cây gai mèo, lanh mèo, lanh mán, đại ma có tên khoa học
Cannabis sativa L.., thuộc họ Gai mèo
Cannabinaceae.
Cây cần sa
Trong cây cần sa có chứa chất Tetrahydrocannabinol là một loại chất kích thích thuộc danh mục I các chất ma túy rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế, việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học và điều tra tội phạm phải theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
Theo điều 3 Luật phòng, chống ma túy, ngày 09 tháng 12 năm 2000; Nghị định của Chính phủ số 67/ 2001/ NĐ - CP ngày 01 tháng 10 năm 2001; Nghị định số 133/ 2003/ NĐ - CP ngày 06 tháng 11 năm 2003, ban hành các Danh mục chất ma túy và tiền chất; Bảng IV Công ước của Liên hợp quốc năm 1961 và Bảng I Công ước của Liên hợp quốc năm 1971 thì các chất trong Danh mục I là các chất ma tuý rất độc. Do đó cây cần sa là loại cây cấm nhập khẩu, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ và xuất khấu trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên trong thời gian qua, lực lựợng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phát hiện và khám phá đường dây tổ chức trồng và mua bán trái phép cần sa (một loại ma tuý) tại một số tỉnh thành trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.
Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, năm 2004 Công an huyện Bình Chánh phát hiện 1 vụ trồng cây cần sa trong khu vực trồng mía ở ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh trên diện tích hơn 1.000m2, thu giữ 1.450 cây cần sa có trọng lượng 14,4 kg (với danh nghĩa là trồng cây bông cúc). Tháng 1/2006, Công An quận 2 khám phá và thu giữ 10,2 kg cần sa, 1.000 bịch ươm cây cần sa non ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Để ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chất ma tuý trên địa bàn thành phố, Chi cục bảo vệ thực vật xin cung cấp một số thông tin về cây cần sa như sau:
1. Nhận biết cây cần sa:
- Cây cần sa ( Cannabis sativa L) là cây thảo, sống hàng năm, khác gốc, thân thẳng đứng cao 1-2m, phân cành ít hoặc nhiều.
- Toàn bộ các bộ phận của cây đều phủ một lớp lông mịn.
- Lá thường mọc cách, có cuống, có lá kèm. Lá phía dưới chia thùy đến tận cuống, phiến thùy hình mác, nhọn, mép có răng cưa. Lá phía trên đơn hay chia 3 thùy. Cây đực thường gầy mảnh hơn cây cái.
- Hoa đực mọc thành chùy với 5 cánh dài và 5 nhị. Hoa cái mọc thành xim xen lẫn với lá bắc hình lá, đài hoa hình mo, bọc lấy bầu hình cầu, hai vòi nhụy đính ở gốc bầu, hình chỉ, dài hơn bầu nhiều, 1 noãn ngược.
- Quả bế (gọi là chenevis) hình trứng dài 2,5 - 3,5 mm, nhẵn, xám nhạt, hạt có dầu. Cây cần sa ( Cannabis Sativa L) có chất Tetrahydrocannabinol là chất ma túy rất độc và gây nghiện.
2. Hậu quả khi sử dụng cần sa:
2.1. Hậu quả gần: Khi dùng nhiều, cần sa làm giảm trí nhớ, kém tập trung. Cần sa làm rối loạn sự nhận thức và kéo dài thời gian phản ứng, dễ đưa tới tai nạn xe cộ. Cần sa khiến học sinh đãng trí, dành ít thì giờ cho việc học, đạt điểm xấu, hay trốn học.
2.2. Hậu quả lâu dài: Qua nhiều nghiên cứu, người hút cần sa mỗi ngày thường hay đau ốm vặt. Cần sa làm tiêu hao T-cell, tế bào chính để chống nhiễm trùng, đưa đến suy yếu tính miễn dịch.
Cũng như thuốc lá, cần sa ảnh hưởng tới phổi, khiến ho có nhiều đàm, dễ bị sưng phổi. Trong cần sa cũng có những hoá chất gây ung thư phổi như thuốc lá. Vài nghiên cứu cho biết cần sa có thể đưa đến ung thư cổ và đầu. Một vài nghiên cứu cho thấy cần sa có nhiều chất gây ung thư hơn thuốc lá tới 50-60%. Ngoài ra cần sa không có đầu lọc và người hút thường hít mạnh hơn, giữ khói lâu hơn trong phổi.
Phụ nữ có thai mà hút nhiều cần sa thì sanh non, con nhẹ ký, đầu nhỏ. Mẹ hút cần sa, cho con bú thì hoạt chất THC từ sữa làm ảnh hưởng không tốt tới các cử động bắp thịt của trẻ.
Ảnh hưởng của cần sa vào người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh mạch máu não rất đáng quan tâm. Cần sa làm tăng nhịp tim, tăng máu rời khỏi tim, thay đổi, giảm dưỡng khí cho mạch máu tim, tất cả đều đưa đến hậu quả xấu.
3. Dự báo khoanh vùng điều tra phát hiện cây cần sa:
3.1. Các khu vực có thể có cây cần sa:
- Cần sa thường được trồng xen kẽ với các loại cây dược liệu khác như cây Thanh hoa bông vàng (với danh nghĩa cây lấy sợi hoặc nguyên liệu giấy).
- Khu vực có trồng cây xanh, cây lấy sợi hoặc các nguyên liệu, cây kiểng. - Khu vực hẻo lánh, có người nhập cư đến thuê đất trồng hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm trồng cây dược liệu hoặc cây lấy sợi, cây nguyên liệu giấy…
- Khu vực có người nghiện hút cần sa
3.2. Phát hiện người sử dụng cần sa:
- Cuộn như thuốc lá để hút.
- Nhồi ống điếu để hút.
- Hút như kiểu hút thuốc lào trong điếu cày.
- Nhai hoặc trộn trong thức ăn.
4. Biện pháp xử lý khi phát hiện có cây cần sa:
- Báo cáo Chính quyền địa phương và Cơ quan Công an địa phương để ngăn chặn xử lý.
Lá
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn