Nhện gié – Đối tượng dịch hại mới trên cây lúa cần quan tâm, cảnh báo

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Tại Việt Nam nhện gié đã xuất hiện và gây hại khá lâu, tuy nhiên những năm gần đây nhện gié đã xuất hiện ngày càng phổ biến và gây thiệt hại mạnh đến năng suất, phẩm chất của cây lúa, vì vậy việc nghiên cứu, thống kê, cảnh báo và chỉ đạo phòng trừ nhện gié cần được quan tâm, chú trọng.

1. Phân loại – Phân bố - Ký chủ

Tên thường gọi: Nhện gié (Bệnh cạo gió).

Tên khoa học: Steneotarsonemus spinki Smiley, Tên tiếng anh: Rice Panicle Mite (RPM).

Lớp Nhện (Arachnida), Bộ ve bét (Acarina)

Họ Tarsonemidae Canestrini và Fanzango, 1877

Loài Steneotarsonemus spinki Smiley, 1967

Nhện gié phân bố ở Châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Phillipin, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam) và Châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Costa Rica, Cuba, Haiti, Nicaragua, Panama và Cộng hòa Dominica).

Ký chủ chính của nhện gié là lúa nước ( Oryzae sativae L.). Ngoài ra nhện gié cũng hoàn thành vòng đời trên một loài ký chủ phụ là lúa dại ( Oryzae latifolia).

2. Triệu chứng gây hại

Nhóm dịch hại này có đặc điểm chung là sự gia tăng quần thể lớn, sinh sản mạnh, vòng đời ngắn và thường bị nhóm thiên địch phong phú khống chế.

Theo Nguyễn Văn Đĩnh và Trần Thị Thu Phương (2006) xác định mức độ nguy hiểm của nhện gié khi lây nhiễm trong phòng thí nghiệm và ghi nhận năng suất giảm 42,3 – 48,3%. Đỗ Thị Đào và CTV (2008) đã xác định nếu được phòng trừ nhện gié đúng kỹ thuật, năng suất tăng hơn so với đối chứng là 59,6%. Nhện gié gây hại trên tất cả các bộ phận của cây lúa, chủ yếu từ giai đoạn đẻ nhánh đến trổ.

- Giai đoạn mạ: Ở giai đoạn mạ nhện thường không hại ở gân lá mà chủ yếu hại ở bẹ lá, chích hút nhựa cây ngay ở ngoài bẹ lá, phần tiếp xúc giữa các bẹ lá với nhau. Vết hại ban đầu là các chấm nhỏ màu trắng vàng về sau thành đám màu vàng nâu đến nâu đen. Đặc biệt, những dảnh mạ bị nhện gié hại nặng có hiện tượng lùn thấp hơn, có hiện tượng đẻ nhánh sớm hơn so với những dảnh mạ khác (hình 1).

Hình 1. Triệu chứng nhện gié hại trên mạ


 

- Giai đoạn lúa cấy

Trên thân: Thân cây lúa bị nhện gié chích hút ban đầu là những đốm nhỏ màu vàng nhạt về sau vết chích kéo dài hình chữ nhật và dần biến sang nâu đen.

Trên bẹ lá: Nhện gié gây hại ở những bẹ lá sát gốc, vết hại ban đầu là các chấm nhỏ màu trắng vàng về sau lan rộng kéo dài thành các vệt sọc hình chữ nhật, chuyển dần sang màu vàng nhạt rồi vàng nâu, nâu đen. Các vệt sọc hình chữ nhật dài từ 0.2 - 15 cm. Đối với những bẹ ở phía trên (bẹ lá đòng, bẹ sát dưới bẹ lá đòng), nhện thường chích hút ngay ở bên ngoài bẹ, phần tiếp giáp giữa bẹ và thân cây lúa, đôi khi nhện cũng đục và chui vào khoang mô gây hại. Vết hại ban đầu là các chấm nhỏ có thể hình chữ nhật, màu trắng vàng đến vàng nhạt về sau thành nâu đậm hoặc thâm đen. Các vết hại tập trung thành từng đám màu nâu nhạt, nâu đậm đến thâm đen trông giống như vết "cạo gió" (hình 2).

Hình 2. Triệu chứng nhện gié trên bẹ lá
 (A: bẹ lá đòng; B: bẹ lá sát gốc)

Trên gân lá: Vết hại trên gân lá ban đầu là các chấm nhỏ màu trắng vàng về sau vết hại lan rộng thành các vệt sọc chạy dọc gân lá, màu sắc vết bệnh biến đổi từ nâu vàng sang nâu đậm rồi nâu đen (hình 3).


Hình 3. Triệu chứng nhện gié trên gân (A) và cuống lá (B)

Trên bông lúa giai đoạn trổ: Bông lúa bị nhện gié hại trước trổ thường thấy hiện tượng bông lúa không trổ thoát, hạt lép, bông lúa hoặc thân đòng bị cong queo. Nếu bông lúa trổ thoát thì nhện vẫn tấn công hạt lúa ngay trong khi trổ và sau khi trổ. Toàn bộ cuống bông lúa và hạt lúa bị biến màu từ trắng vàng sang màu nâu, hạt lúa xuất hiện những lốm đốm màu nâu đen ở vỏ trấu, nếu bị nặng toàn bộ hạt trên bông lúa biến màu nâu đen và đôi khi hạt trên bông bị biến dạng méo mó (hình 4). Bông lúa không cong bình thường mà có chiều đứng thẳng.

 

Hình 4. Triệu chứng nhện gié gây hại trên bông lúa

Trên gié lúa: Gié lúa bị nhện hại thường cong queo, phía duới cuống gié cong, cuống gié, cuống hạt, hạt trên gié cũng bị biến màu từ vàng nhạt sang vàng nâu rồi nâu đen.

Trên hạt lúa: Hạt lúa bị nhện gié gây hại thường bị biến dạng cong queo, lép hoàn toàn, lửng hoặc bình thường. Vỏ trấu bị biến màu hoàn toàn hoặc lốm đốm nâu đến nâu đen (Hình 5). Hạt lép hoàn toàn có đài hoa, nhị, nhuỵ bị biến màu, khô teo và nâu đen.

Hình 5. Triệu chứng nhện gié hại trên hạt lúa

3. Đặc điểm hình thái

Nhện gié có 3 pha phát dục: Trứng – Nhện non (di động, không di động) – Trưởng thành.

- Trứng có màu trắng trong, hình trái xoan, đẻ rải rác từng quả hoặc thường dính lại với nhau thành từng đám 5-10 quả.

- Nhện non di động và nhện non không di động có màu trắng đục với 3 đôi chân.

- Trưởng thành có màu trắng đục hơi vàng, có 4 đôi chân, rất khó quan sát bằng mắt thường. Con cái trưởng thành có chiều dài 274m m, bề rộng cơ thể là 108m m. Con đực có kích thư­ớc chiều dài và bề rộng cơ thể tư­ơng ứng là 217m m và 121m m. Các đặc điểm cấu tạo hình thái đặc trưng cho họ Tarsonemidae. Điểm dễ phân biệt giữa con đực và con cái là ở đôi chân thứ 4: Đôi chân thứ 4 con đực phình to phía trong tạo thành đôi kìm hỗ trợ cho việc vận chuyển con cái và giao phối, còn đôi chân thứ 4 của con cái tiêu giảm nhỏ bé, có dạng vuốt dài.

Hình 6. Trứng, nhện trưởng thành, gây hại trên lúa


4. Đặc điểm sinh học và sinh thái

Nhện gié có sức tăng quần thể rất cao, có thể tăng gấp đôi số lượng trong thời gian khoảng 5 ngày. Vòng đời nhện gié thay đổi theo nhiệt độ, vòng đời ngắn đến rất ngắn từ 4 – 7 ngày, tùy theo nhiệt độ.

Trong một quần thể nhện thưởng thấy tỷ lệ 3 con cái : 1con đực, khi điều kiện sống thuận lợi tỷ lệ này là 8 cái : 1 đực. Chúng có khả năng sinh sản đơn tính, con cái không qua giao phối vẫn có thể đẻ trứng nhưng tỷ lệ nở ra con đực cao hơn so với trứng được thụ tinh. Trung bình một con cái trưởng thành có thể đẻ 50 trứng. Trưởng thành có thể sống được 15 – 30 ngày. Thời gian sống của tr­ưởng thành phụ thuộc điều kiện nhiệt độ và cây ký chủ. Nhện gié có khả năng chịu đựng tốt với các điều kiện nhiệt độ bất lợi, có thể tồn tại từ -5oC - 41oC.


Hình 7. Vòng đời nhện gié

Khi không có thức ăn, tất cả các pha nhện gié đều có khả năng tồn tại tốt trong nước. Trưởng thành nhện gié có khả năng tồn tại trong nước lâu nhất là 23 ngày (trưởng thành cái sống dài hơn trưởng thành đực), nhện non 25 ngày, trứng và nhện non không di động đều có khả năng nở (tỷ lệ nở bình quân 94,33%) và lột xác trong môi trường nước (Xu et al., 2002).

Nhện gié phát triển mạnh khi nhiệt độ 280C-300C, ẩm độ cao 96%. Nhiệt độ thấp hơn, chúng phát triển chậm hơn. Trong năm, ở miền Bắc nhện gié gây hại năng trên lúa hè thu và lúa mùa sớm, ở những chân ruộng cao thiếu nước. Ở miền Nam, nhện gié gây hại quanh năm, nhưng nặng nhất là lúa vụ Hè thu.

Nhện gié có thể lan truyền nhờ hạt giống, gió, nước, côn trùng, chuột, công cụ sản xuất nông nghiệp, tàn dư thực vật từ vụ trước qua vụ sau...

Trên các chân ruộng thì chân đất trũng bị hại nhẹ hơn chân đất cao thiếu nước. Ruộng bón nhiều đạm bị hại nặng hơn ruộng bón ít đạm. Ruộng cấy dầy thường bị hại nặng.

Các loài nhện trong họ Phytoseiidae, bộ ve bét Acarina có khả năng khống chế đ­ược nhện gié S. Spinki. Ở châu Á có hai loài thiên địch quan trọng là Amblyseius taiwanicusLasioseus parberiesei Bhattcharya (Lo & Ho, 1979). Nhện bắt mồi có thể tấn công và khống chế nhện hại hiệu quả.

Các chế phẩm sinh học như Hirsutela nodulosa, Bacillus thuringiensis, Beauveria bassiana, Verticilin lecaniiMetazhizium anissopliae có thể khống chế nhện hại hiệu quả.

5. Biện pháp phòng trừ

- Cày lật gốc rạ (vùi hết tàn dư cây lúa và tránh lúa chét mọc/đốt hết tàn dư đối với những ruộng vụ trước bị hại nặng) ngay sau thu hoạch lúa, làm sạch cỏ bờ để nhện không có nơi trú ngụ.

- Cho đất nghỉ từ 10-15 ngày.

- Đất ruộng phải được làm kỹ, nhuyễn, san phẳng mặt ruộng trước khi gieo, cấy.

- Sử dụng giống lúa xác nhận (có bao gói và địa chỉ rõ ràng), có khả năng kháng với các đối tượng sâu bệnh chính trong vùng như rầy. Không sử dụng các giống thường bị nhện gié hại nặng.

- Lượng giống: Đối với lúa sạ 80-100 kg/ha; Đối với lúa cấy: 45-75kg/ha.

- Phân bón: 80-90 N; 40 - 60 P2O5; 30 - 50 K2O (kg nguyên chất/ ha).

- Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự xuất hiện gây hại của nhện gié, đặc biệt từ khi lúa làm đòng đến trỗ (35-60 ngày sau gieo, cấy)

- Phòng trừ nhện: Không phun thuốc quá sớm và không phun ngừa để tạo điều kiện cho thiên địch như Bọ trĩ (Bù lạch) đen và Nhện nhỏ bắt mồi phát triển. Đặc biệt chú ý phát hiện nhện gié hại ở 2 thời kỳ là cuối giai đoạn lúa đẻ nhánh (40-50 ngày sau sạ) và trước trổ 5-7 ngày. Khi thấy triệu chứng nhện gié gây hại, có thể phun trừ nhện gié bằng Kinalux 25 EC, Danitol S 50 EC hoặc thuốc được đăng ký trong danh mục trừ nhện gié./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,227,194
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây