3. Những nghiên cứu và sử dụng kích kháng trong phòng trừ bệnh hại cây trồng
3.1. Những nghiên cứu liên quan đến chất kích kháng
Hiện tượng kích thích tính kháng bệnh lưu dẫn (systemic acquired resistance, systemic induced resistance), gọi tắt là kích kháng, đã được nhiều tác giả trên thế giới bắt đầu nghiên cứu từ năm 1936 (Mauch-Mani và Metraux, 1997; Van Loon, 2001). Sau đó, rất nhiều tác giả đã nghiên cứu sâu vào cơ chế kích kháng bệnh trên nhiều loại cây trồng ngắn ngày như trên dưa leo, cà chua, dưa bở và nhất là trên cây Arabidopsis thaliana. Trên cây lúa, Manandhar và ctv. (1998) đã thành công trong nghiên cứu sử dụng K2HPO4 để kích thích cây lúa chống lại bệnh cháy lá tại Nepal. Ở Việt Nam, từ năm 1997, Bộ môn Bảo Vệ Thực Vật, Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng, Trường Đại Học Cần Thơ, đã tiến hành nghiên cứu trên hướng tìm ra các chất kích kháng có hiệu quả cao đối với bệnh đạo ôn lá lúa, nghiên cứu sâu vào cơ chế kích kháng để chứng minh tính kích kháng của chúng với dự án hợp tác nghiên cứu giữa Đại Học Nông Nghiệp Hoàng Gia Đan Mạch, Đại học Mysore (Ấn Độ) và Đại Học Cần Thơ (Việt Nam) (1997-2005) và sau đó được nối tiếp với dự án Ươm Tạo Công Nghệ ĐHCT (2006-2007) để triển khai thành chế phẩm kích kháng (CROPSAR-3 ĐHCT) và chuyển giao ra sản xuất (theo Phạm Văn Kim và ctv, 2009).
Phạm Văn Kim và ctv (2009), việc tìm ra chất có khả năng kích kháng giúp cây lúa chống bệnh đạo ôn lá lúa được thực hiện trong nhà lưới của Bộ môn Bảo Vệ Thực Vật, Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng, Trường Đại Học Cần Thơ. Các chất thử nghiệm được kích kháng bằng biện pháp ngâm hạt giống trong dung dịch thử nghiệm trong 24 giờ. Nghiệm thức đối chứng được thực hiện với nước cất đã thanh trùng. Sau khi ủ, hạt được gieo trong hộp nhựa và được chăm sóc trong nhà lưới. Các chậu lúa được lây bệnh nhân tạo bằng cách phun huyền phù bào tử của nấm Pyricularia grisea, thuộc nòi độc đối với giống lúa thử nghiệm, với mật số 50.000 bào tử / ml, phun đều lên khắp các lá của chậu lúa vào 20 ngày sau khi gieo. Sau đó chậu lúa được đưa vào phòng ẩm (phun sương 24 / 24 giờ) ở nhiệt độ 26 ± 2oC để ủ bệnh. Tiếp tục đưa các chậu lúa ra nhà lưới, ở đây có hệ thống phun mưa, phun 30 giây cho mỗi 4 giờ, chăm sóc và theo dỏi đánh giá bệnh. Bệnh cháy lá được đánh giá trên từng lá theo thang điểm 9 cấp của Pinnschmidt và ctv.(1992) vào 7 và 14 ngày sau khi lây bệnh nhân tạo. Kết quả được so sánh với đối chứng để tính ra hiệu quả giảm bệnh của các chất thử nghiệm. Kết qủa đã chọn được 16 chất có khả năng kích kháng giúp cây lúa giảm bệnh cháy lá thuộc hai nhóm như sau:
- Bảy chất kích kháng có nguồn gốc sinh học, bao gồm: 1 chủng vi khuẩn Flavimonas oryzihabitans, 1 chủng nấm Sporothrix sp. ( Colletotrichum sp.), dịch trích của 5 loài cây như cây sống đời ( Kalanchoe blossfeldiana), cỏ cứt heo ( Ageratum conyzoides L.), lá cây ô rô ( Acanthus ebracteatus Vahl.), lá cây ổi ( Psidium guajava L.) và cóc kèn nước ( Derris triifolia Lour.) (Phạm Văn Kim và ctv., 2003 và Ngô Thành Trí và ctv., 2006).
- Chín chất kích kháng có nguồn gốc hóa học, gồm clorua đồng với nồng độ 0,05 mM, benzoic acid với nồng độ 0,5 mM, saccharin, chitosan, glucosamine, natrium tetraborate (Na2B4O7) với nồng độ từ 0,2 đến 0,35 mM, oxalic acid (C2H2O4) với nồng độ 0,5 mM, humic acid với nồng độ 0,25% và salicylic acid với nồng độ 4 mM (Phạm Văn Kim và ctv., 2003).
Nguyễn Đắc Khoa, Dương Minh và Phạm Văn Kim (2010) nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sinh học để quản lý bệnh hại lúa, cây ăn quả và rau màu theo hướng bền vững và không ô nhiễm môi trường . Kết quả đã nghiên cứu thành công 3 sản phẩm sinh học BIOSAR-3 ĐHCT (CuCl2 0,05 mM), BIOBAC-1 ĐHCT (vi khuẩn Pseudomonas fluorescens TG17) và TRICÔ ĐHCT (5 chủng nấm Trichoderma spp.) để quản lý bệnh hại lúa, cây ăn quả và rau màu. Bằng cơ chế kích kháng, BIOSAR-3 ĐHCT phòng trừ tốt bệnh đạo ôn lúa ( Pyricularia oryzae) và có hiệu quả trên một số bệnh cây trồng khác. Hai sản phẩm còn lại phòng trừ bệnh cây dựa vào cơ chế đối kháng giữa các vi sinh vật. BIOBAC-1 ĐHCT phòng trừ tốt bệnh khô vằn trên lúa ( Rhizoctonia solani) và có hiệu quả trên nhiều bệnh cây trồng. TRICÔ ĐHCT có khả năng đối kháng với nấm Fusarium solani, Phytophthora và các loài Fusarium gây bệnh trên cây ăn quả, rau màu và những cây trồng khác. Quy trình sản xuất và ứng dụng của ba sản phẩm đã hoàn thiện. Sản phẩm đã được triển khai trên diện rộng và được bà con nông dân công nhận hiệu quả nên có khả năng thương mại hóa .
Ngoài ra ứng dụng chất kích kháng CuCl2 và Oxalic Acid để quản lý bệnh đạo ôn ( Pyricularia Grisea) trên giống lúa OM 1490 trong điều kiện ngoài đồng cũng được tiến hành tại Thoại Sơn - An Giang. Đề tài tiến hành thí nghiệm tìm hiểu xem trong điều kiện ruộng sản xuất của nông dân, lần phun chất kích kháng lên lá vào 25 ngày sau khi xạ có cần thiết hay không cũng như hiệu quả kéo dài của kích kháng lên bệnh ở lúa.
Phạm Văn Kim và các cộng tác viên (2009) nghiên cứu và triển khai ứng dụng sản phẩm kích kháng CROPSAR3 – ĐHCT để quản lý bệnh đạo ôn lá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Phân bón lá CropSar-3 ĐHCT với hoạt chất chính là clorua đổng (CuCl2.2H2O), nồng độ 0,05 mM, lá chất có khả năng kích thích tính kháng lưu dẩn giúp cây lúa giống nhiễm bệnh trở nên kháng với bệnh đạo ôn lá lúa ( Pyricularia grisea). Sử dụng CropSar-3 ĐHCT để xử lý hạt giống trước khi sạ và phun lên lá lúa vào 25 ngày sau khi sạ, giúp giảm bệnh đạo ôn trên lá từ 58% đến 81% so với đối chứng, hiệu quả tương đương với phun thuốc đặc trị hai lần trong vụ lúa. Cơ chế của hiện tượng kích kháng do CropSar-3 ĐHCT tạo ra đã được chứng minh là do có sự gia tăng hoạt tính của các enzym β-1,3 glucanase, chitinase, phenylalanine ammonia-lyase (PAL), peroxidase, catalase, và còn có sự gia tăng lignin hóa vách tế bào lá lúa, đồng thời có gia tăng sự tích lũy chất polyphenol và hydrogen peroxide trong mô lá bị nấm gây bệnh xâm nhiễm. Các gia tăng nầy giúp tế bào lá lúa chống lại với sự phát triển của mầm bệnh làm cho vết bệnh nhỏ hơn và đồng thời làm cho nấm gây bệnh sinh ra ít bào tử trên vết bệnh hơn. CropSar-3 ĐHCT được đánh giá tính độc đối với môi trường và cho thấy hoàn toàn không độc đối với cá rô đồng và rất ít độc đối với chuột lắc (LD50≥10.000 mg /Kg). CropSar-3 ĐHCT cũng đã được chuyển giao đến nông dân với diện tích 2.498,4 ha trong ba vụ liền trong các năm 2005-2007 và được nông dân đánh giá là rất hiệu quả trong quản lý bệnh đạo ôn. CropSar-3 ĐHCT đang được đăng ký là sản phẩm phân bón lá thương mại.
Lê Thanh Toàn (2009) nghiên cứu tuyển chọn hóa chát có khả năng kích thích tính kháng bệnh vàng lùn và cách kích kháng để quản lý bệnh vàng lùn trên giống lúa OM2517 trong điều kiện nhà lưới . Kết quả nghiên cứu cho thấy đối với cây lúa bị rầy nâu truyền bệnh ở giai đoạn 7 ngày sau khi gieo với mật số rầy 3 con/chồi; các hoá chất CuCl 2, K 2HPO 4 và acid oxalic đều có khả năng kích kháng tốt giúp cây lúa chống lại bệnh vàng lùn và giảm bớt thiệt hại về năng suất. Trong số đó, hoá chất acid oxalic là chất kích kháng chống bệnh vàng lùn có triển vọng nhất.
CropSar-3 ĐHCT với hoạt chất là clorua đồng (CuCl2. 2H2O) với nồng độ 0,05 mM được thử nghiệm trên ruộng của nông dân tại huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), trên giống OMCS2000, giống nhiễm bệnh tại địa phương. Thí nghiệm được thực hiện với biện pháp xử lý hạt với vi khuẩn kích kháng Flavimonas oryzihabitans rồi được phun dung dịch clorua đồng 0,05 mM vào 20 NSKS (ngày sau khi sạ). Bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại nặng trên lô đối chứng không kích kháng cũng như trên các ruộng lúa của nông dân chung quanh. Kết quả cho thấy sự kích kháng nầy giúp giảm bệnh đạo ôn lá lúa 58 % so với đối chứng (để bệnh phát triển tự nhiên, không kích kháng và không dùng thuốc đặc trị) và có hiệu quả giảm bệnh tương đương với phun thuốc tricyclazole trị bệnh 2 lần trong vụ lúa (Nguyễn Minh Kiệt, 2003) (theo Phạm Văn Kim và ctv, 2009).
Một thí nghiệm khác cũng được bố trí trên ruộng của nông dân tại huyện Thoại Sơn (An Giang) trong vụ đông xuân (2003-2004) với giống lúa nhiễm bệnh nặng OM 1490. Chất kích kháng clorua đồng, 0,05 mM được áp dụng với 2 biện pháp (1) hoặc chỉ xử lý hạt trước khi sạ (2) hoặc vừa xử lý hạt trước khi sạ vừa phun lên lá lúa vào 25 NSKS. Sau đó các nghiệm thức được phun thuốc gốc Fthalide ở 55 và 65 NSKS để ngừa bệnh thối cổ bông. Bệnh đạo ôn cũng xuất hiện nặng trong khu vực và trên lô đối chứng của thí nghiệm. Kết quả của thí nghiệm cho thấy, xử lý hạt với clorua đồng bằng biện pháp xử lý hạt giống trước khi sạ giúp giảm bệnh trên lá 64 %. Nếu xử lý hạt trước khi sạ rồi phun tiếp lên lá lúa lúc 25 NSKS, giúp giảm bệnh trên lá 81 % và giảm bệnh thối cổ bông 27 %. Qua đó gia tăng năng suất so với đối chứng 18,6 %. Hiệu quả giảm bệnh nầy tương đương với hiệu quả của phun hai lần thuốc Isoprothiolane vào 25 và 45 NSKS (Nguyễn Phú Dũng và ctv, 2004) (theo Phạm Văn Kim và ctv, 2009).
Trần Thị Thu Thủy và ctv (2007) khảo sát mô học về khả năng kích thích tính kháng bệnh lưu dẫn (SAR) của benzoic acid, clorua đồng và chitosan đối với bệnh cháy lá lúa được thực hiện năm 2005 nhằm đánh giá khả năng kích thích tính kháng lưu dẫn của ba hóa chất nầy đối với bệnh cháy lá lúa khi được phun nấm Pyricularia grisea có mã số nòi 103,4 dựa trên phản ứng của tế bào và sự tích tụ H 20 2. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên trên giống lúa nhiễm 0MCS2000 và giống kháng MTL256 được sử dụng như một đối chứng dương. Giống lúa nhiễm được kích kháng bằng cách ngâm hạt trong benzoic acid (0,5 mM), clorua đồng (0,05 mM) hoặc chitosan (200 ppm) trong 24 giờ trước khi ủ và gieo, phun nấm tấn công với mật số 50.000 bào tử/ml khi lúa có lá thứ 5. Mẫu lá bệnh được thu thập vào thời điểm 24 và 48 giờ sau khi phun nấm tấn công (GSTC) để nghiên cứu sự phát sáng tế bào và ở các thời điểm 0, 4, 8, 12, 16, 18, 20, 24, 36, 48 GSTC để nghiên cứu sự tích tụ H 20 2. Kết quả cho thấy benzoic acid, clorua đồng và chitosan có khả năng kích thích tính kháng bệnh thông qua làm gia tăng phần trăm đĩa áp tạo sự phát sáng tế bào, vách tế bào và sự tích tụ H 20 2 trong tế bào.
Trần Vũ Phến và Phạm Văn Kim (2008) nghiên cứu ảnh hưởng của lượng phân đạm trên hiệu quả kích kháng chống bệnh cháy lá (Pyricularia grisea) của hai tác nhân kích kháng, chủng nấm Sporothrix sp. (mật số 10 7 bào tử/ml), hoặc acibenzolar-S-methyl (Bion) (300ppm), xử lý bằng cách ngâm, ủ hạt, được khảo sát qua thí nghiệm bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, trên giống lúa OMCS 2000, nhiễm bệnh cháy lá. Nấm gây bệnh cháy lá (mật số 50000 bào tử/ml) được chủng vào 14 ngày sau khi gieo. Chỉ tiêu đánh giá bao gồm mức độ nhiễm bệnh vào 7 ngày sau khi tấn công. Hoạt tính của phenylalanine ammonia-lyase (PAL) được phân tích theo phương pháp của Brueske (1980). Kết quả cho thấy Sporothrix sp. và acibenzolar-S-methyl đều cho hiệu quả kích kháng chống bệnh cháy lá lúa, tuy nhiên hiệu quả giảm bệnh ở mức phân N cao (180N) thường kém hơn so với các mức phân N thấp. Acibenzolar-s-methyl cho hiệu quả giảm bệnh cao hơn Sporothrix. Hoạt tính của PAL trong cây được kích kháng gia tăng và có liên quan đến sự thể hiện của hiệu quả kích kháng, diễn biến hoạt tính có khác nhau tùy theo tác nhân kích kháng và lượng phân đạm áp dụng.
David Tepfer và ctv (1998) nghiên cứu những chất kích kháng gốc protein ( β -Cryptogein) của cây thuốc lá kháng lại nấm Phytophthora. Kết quả nghiên cứu cho thấy những đoạn gen mã hóa tạo ra các chất kích kháng gốc protein (β -Cryptogein) có thể kháng lại nấm Phytophthora parasitica var. nicotianae.
Aziz và ctv (2006) nghiên cứu cho thấy Chitosan (CHN), một dẫn xuất deacetylated của chitin, đã thể hiện được hiệu quả trong việc thúc đẩy các phản ứng bảo vệ thực vật. Phytoalexin sản xuất cao nhất đã đạt được trong vòng 48 giờ ủ với CHN ở 200 μg / ml với 1.500 MW và một DA là 20% (CHN1.5/20). Điều trị lá nho bằng CHN1.5/20 hoạt tính cao cũng dẫn tới cảm ứng được đánh dấu của chitinase và β-1 ,3-glucanase hoạt động. CHN1.5/20 áp dụng cùng với đồng sunfat (CuSO4) mạnh tạo ra phytoalexin có thể chống lại nấm mốc sương và nấm xám. CuSO4 một mình, đặc biệt là ở nồng độ thấp cũng gợi ra một sản lượng đáng kể các phytoalexin trong lá nho.
Kyoung Su Kim và ctv (2008) nghiên cứu cho thấy rằng acid oxalic có thể kiểm soát và giúp cây kháng lại loại nấm Sclerotinia sclerotiorum . Sclerotinia sclerotiorum là một loại nấm có phạm vi kí chủ rộng (> 400 loài).
3.2.Ứng dụng của chất kích kháng
3.2.1.Sản phẩm Biobac-1 ĐHCT và Biosar-3 ĐHCT
Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu và đưa ra 2 sản phẩm kích kháng, đó là hai sản phẩm Biobac-1 ĐHCT và Biosar-3 ĐHCT (tên thương phẩm) nhằm tạo tính kháng bệnh trên lúa đối với 2 bệnh phổ biến là đạo ôn và khô vằn. Kết quả nghiên cứu trong nhà lưới và đưa ra ứng dụng trên đồng ruộng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: hai sản phẩm sinh học này có tác dụng hình thành kháng thể giúp lúa kháng bệnh; đồng thời, tạo được môi trường "miễn dịch" cho lúa trong những mùa vụ sau nhưng không gây độc hại trên nông sản và sức khỏe nông dân. Hiện nay, hai sản phẩm này đang tiếp tục nghiên cứu nhằm đưa ra quy trình sản xuất quy mô lớn, tồn trữ lâu. Cuối năm 2006, Biobac-1 ĐHCT và Biosar-3 ĐHCT được sản xuất đại trà, đáp ứng nhu cầu của nông dân.
3.2.2. Chất kích kháng SAR3
Sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng các mô hình trình diễn thành công ở hợp tác xã Mỹ Thành, xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và một số địa phương khác, mới đây các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ đã khuyến cáo bà con nông dân trồng lúa sử dụng chất kích kháng SAR3 để phòng trừ bệnh đạo ôn vừa giảm được lượng thuốc hóa học, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng hạt gạo, vừa bảo vệ được sức khỏe người sản xuất và bảo vệ được môi trường sinh thái.
Giải thích về vấn đề này, PGS. TS Phạm Văn Kim - Nguyên Trưởng Bộ môn BVTV - ĐH Cần Thơ cho biết: Đối với cây lúa, ngay cả những giống nhiễm bệnh cũng tồn tại các gen kháng bệnh. Thường khi cây lúa bị mầm bệnh tấn công thì sau thời gian rất lâu gen kháng mới được báo động và phát huy tính kháng bệnh nên bị trễ, cây lúa bị nhiễm bệnh. Dựa trên nguyên lý này các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm ra một số hóa chất không độc hại nhưng khi phun lên cây lúa có tác dụng xúc tiến các gen kháng bệnh hoạt động ngay do đó cây lúa không bị nhiễm bệnh, hạn chế được phun các loại thuốc hóa học khác mà vẫn đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường, gọi là chất kích kháng.
Những chất kích kháng này có thể được dùng để xử lý hạt giống trước khi gieo, khả năng kháng bệnh kéo dài đến 32 ngày sau khi gieo. Để kéo dài thêm thời gian kháng bệnh có thể phun thêm 1 lần sau khi gieo 25 ngày sẽ cho hiệu quả tốt đến khi lúa trỗ. Sau khi lúa trỗ, mặc dù chất kháng vẫn có hiệu quả nhưng bệnh đạo ôn cổ bông có thể vẫn làm giảm năng suất, do đó nên phun thêm 1 lần thuốc hóa học trước khi lúa trỗ để bảo vệ cổ bông sẽ cho hiệu quả cao. Như vậy, với 1 lần ngâm hạt trước khi gieo và phun 1 lần nữa vào khoảng 25 ngày sau gieo sạ thì có thể thay thế cho 2-3 lần phun thuốc hóa học ở giai đoạn đầu, bảo vệ được cây lúa chống bệnh đạo ôn.
Chất kích kháng SAR3-ĐHCT do Bộ môn bảo vệ thực vật, trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, sản xuất và cung ứng có thành phần bao gồm: 0,31% Cu; 99,69% là nước và các chất phụ gia. Chế phẩm là loại phân bón lá thế hệ mới có tác dụng ngăn ngừa bệnh đạo ôn (bệnh cháy lá), tăng cường tính kháng bệnh đạo ôn cổ bông, giúp mạ mọc khỏe, cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ khỏe. Nhờ sử dụng qui trình canh tác lúa có sử dụng chất kích kháng bệnh đạo ôn cùng với nhiều giải pháp khác trong nhiều năm liền mà từ năm 2007 hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành đã trở thành đơn vị đầu tiên ở Tiền Giang sản xuất lúa theo qui trình an toàn GAP. Mỗi vụ giảm ít nhất 2 lần phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn, tức là lượng thuốc hóa học đưa vào đồng ruộng giảm ít nhất 1kg/ha nhờ sử dụng chất kích kháng, đưa lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân rất phấn khởi và tin tưởng làm theo.
Theo khuyến cáo, khi sử dụng qui trình canh tác lúa có sử dụng chất kích kháng bệnh đạo ôn nông dân cần chú ý một số điểm sau đây:
- Chuẩn bị đất: Cũng như kỹ thuật trồng lúa “3 giảm, 3 tăng” bà con cần làm đất kỹ, san phẳng mặt ruộng để quản lý được nước tốt vì bệnh cháy lá liên quan rất nhiều đến chế độ nước, trong điều kiện thời tiết tốt mà thiếu nước thì bệnh cháy lá sẽ phát sinh, phát triển và gây hại nặng.
- Sử dụng hạt giống khỏe. Trước khi ngâm ủ, nên gạn lúa giống trong nước muối 15% để loại bỏ các hạt lép lửng dễ mang nhiều mầm bệnh. Tiếp theo lúa giống được rửa sạch nước muối rồi pha 10cc chất kích kháng trong 10 lít nước để ngâm 20 kg thóc giống trong thời gian 24 giờ, vớt ra đem ngâm ủ bình thường cho đến khi mọc mộng thì đem gieo.
- Gieo sạ thưa (nếu sạ tay: 100-120 kg/ha, sạ hàng bằng máy 70-75 kg/ha là vừa) giúp cây lúa khỏe, đẻ nhiều, cho năng suất cao, hạn chế bệnh đạo ôn. Thường xuyên canh đủ nước, tránh để ruộng khô nhằm giúp cây lúa kháng bệnh tốt hơn. Bón phân cân đối theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, đặc biệt không bón thừa đạm.
- Sau khi gieo sạ 25-30 ngày pha 10cc SAR3 trong bình 16 lít phun cho 1 công (1.000m2). Nếu có điều kiện, phun thêm 1 lần kích kháng trước khi cây lúa trỗ bông để hạn chế bệnh đạo ôn cổ bông gây hại.
- Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh để có các biện pháp xử lý kịp thời. Sau giai đoạn trỗ, nếu thấy xuất hiện bệnh cần phun thêm 1 lần thuốc trừ bệnh hóa học.
3.3.Một số sản phẩm kích kháng trên thị trường
TT |
Hoạt chất |
Sản phẩm |
Đối tượng phòng trừ/cây trồng |
1 |
Chitosan |
Biogreen 4.5 SL |
sương mai/ bắp cải, khoai tây; đốm lá, thối đọt/ địa lan; thối bẹ/ thanh long |
2 |
Fusai 50 SL |
đạo ôn, bạc lá/ lúa |
|
3 |
Jolle 1SL, 40SL, 50WP |
đạo ôn, lem lép hạt/ lúa; tuyến trùng/ bí xanh, cà phê, hồ tiêu; thối quả/ vải, xoài |
|
4 |
Kaido 50SL, 50WP |
đạo ôn, lem lép hạt/ lúa; tuyến trùng/ bí xanh, cà phê, hồ tiêu; thối quả/ xoài, vải |
|
5 |
Stop 5 SL, 10SL, 15WP |
5SL: tuyến trùng/ cà rốt, cà chua, thanh long, hoa huệ, xà lách; héo dây, cháy lá, thối rễ, thối gốc/ dưa hấu; đạo ôn, khô vằn/ lúa 10SL: đạo ôn, khô vằn/ lúa 15WP: tuyến trùng/ cà rốt; sương mai/ dưa chuột; đốm nâu, đốm xám, thối búp do nấm bệnh, thối rễ do nấm bệnh và tuyến trùng/ chè |
|
6 |
Thumb 0.5SL |
bạc lá, khô vằn, đạo ôn/ lúa; phấn trắng/ bí xanh; giả sương mai/ dưa chuột; sương mai/ cà chua; thán thư/ ớt; tuyến trùng/cà phê, hồ tiêu; chết nhanh/ hồ tiêu |
|
7 |
Tramy 2 SL |
tuyến trùng/ cải xanh, xà lách, bầu bí, cà phê, hồ tiêu, chè, hoa cúc; tuyến trùng, bệnh héo rũ, lở cổ rễ/ cà chua; tuyến trùng, mốc sương/ dưa hấu; héo rũ/ lạc; đạo ôn, tuyến trùng/ lúa; đốm lá/ngô; thối quả/ vải, xoài; mốc xám/ xà lách |
|
8 |
Vacxilplant 8 SL |
đạo ôn, lem lép hạt/ lúa |
|
9 |
Yukio50SL, 150SL |
đạo ôn, khô vằn, bạc lá, lem lép hạt/ lúa; thối đen/ bắp cải; thối nhũn/ hành |
|
10 |
Oligo-Chitosan |
Risaza 3SL |
đạo ôn, lem lép hạt, kích thích sinh trưởng/ lúa; thối ngọn, kích thích sinh trưởng/ mía; kích thích sinh trưởng/ chè; mốc xám/ quả, kích thích sinh trưởng/ dâu tây; phấn trắng, rỉ sắt, kích thích sinh trưởng/ đậu Hà lan; mốc sương, kích thích sinh trưởng/ cà chua |
11 |
Pseudomonas fluorescens |
B Cure 1.75WP |
đốm nâu, đốm gạch, lúa von, khô đầu lá, thối bẹ, đạo ôn, khô vằn/ lúa; đốm lá, giả sương mai, lở cổ rễ/ đậu tương; lở cổ rễ/ cà chua, ớt; mốc xám/ nho |
12 |
|
TKS-Anti Phytop WP |
chết nhanh/ hồ tiêu, thán thư/ chanh |
13 |
Oligo-alginate |
M.A Maral 10SL, 10WP |
10SL: đốm vòng/ cà rốt; kích thích sinh trưởng/ chè; 10WP : kích thích sinh trưởng/ bắp cải, cà rốt, cây hoa cúc |
14 |
Oligo-sacarit |
Olicide 9SL |
rỉ sắt/ chè, sương mai/ bắp cải, chết nhanh (héo rũ)/ hồ tiêu, đạo ôn/ lúa |
15 |
Oligosaccharins |
Tutola 2.0SL |
sương mai/ cà chua; chấm xám/ chè; rỉ sắt/ hoa cúc; đạo ôn/lúa |
16 |
Oxine Copper (min 99%) |
Cadatil 33.5SC |
cháy bìa lá/ lúa |
17 |
Funsave 33.5SC |
bạc lá/ lúa |
|
18 |
Oxolinic acid (min 93 %) |
G-start 200WP |
bạc lá/lúa |
19 |
Oka 20WP |
bạc lá/ lúa |
|
20 |
Oxo 200WP |
bạc lá/lúa |
|
21 |
Sieu tar 20WP |
bạc lá/ lúa |
|
22 |
Starner 20WP |
lem lép hạt, bạc lá/ lúa |
|
23 |
Starwiner 20WP |
Bạc lá, lem lép hạt/lúa |
|
24 |
Paecilomyces lilacinus |
Palila 500WP (5 x 109 cfu/g) |
bệnh do tuyến trùng gây ra trên cà rốt, cà chua, hồ tiêu, lạc, thuốc lá, cà phê |
25 |
Phosphorous acid |
Agri – Fos 400SL |
bệnh do nấm Phythophthora/ sầu riêng; chết nhanh, vàng lá thối rễ/ hồ tiêu, vàng rụng lá/cao su; đạo ôn, lem lép hạt, bạc lá, khô vằn/ lúa; đốm nâu/ thanh long; xử lý hạt giống trừ bệnh đạo ôn/ lúa |
26 |
Herofos 400 SL |
mốc sương/ nho, tuyến trùng/ hồ tiêu, cỏ sân golf, bắp cải |
|
27 |
Salicylic Acid |
Exin 4.5 SC, 2.0SC |
4.5SC: (Exin R) đạo ôn, bạc lá/ lúa 4.5SC : (Phytoxin VS): héo tươi/ cà chua 2.0SC : Rầy nâu, rây lưng trắng/lúa; rầy xanh/chè |
28 |
Bacla 50SC |
bạc lá, khô vằn/lúa |
|
29 |
Trichoderma spp |
Promot Plus WP ( Trichoderma spp 5.107 bào tử/g); Promot Plus SL ( Trichoderma koningii 3.107 bào tử/g + Trichoderma harzianum 2.107 bào tử/g) |
WP: thối gốc, thối hạch/ bắp cải; chết cây con/ cải thảo SL: đốm nâu, đốm xám/ chè; thối hạch, thối gốc/ bắp cải vàng lá thối rễ do Fusarium solani /cây có múi; chết cây con/dưa hấu, bí đỏ, lạc, điều; thối rễ/cà phê; tuyến trùng/ cà phê, hồ tiêu; chết cây con/ cải bẹ; thối rễ/ hồ tiêu |
30 |
Vi - ĐK 109 bào tử/g |
thối rễ/ sầu riêng; lở cổ rễ/ cà chua; chết nhanh/ hồ tiêu |
|
31 |
Trichoderma virens (T.41).109 cfu/g |
NLU-Tri |
chết rạp cây con/ cải ngọt, dưa chuột; héo rũ trắng gốc/ cà chua |
32 |
Trichoderma viride |
Biobus 1.00 WP |
thối gốc, thối hạch, lở cổ rễ/ bắp cải; héo vàng, lở cổ rễ, mốc sương/ cà chua, khoai tây; thối nhũn, đốm lá/ hành; thán thư/ xoài; xì mủ/ sầu riêng; rỉ sắt, nấm hồng, thối gốc rễ, lở cổ rễ/ cà phê; chấm xám, thối búp/ chè; chết nhanh, thối gốc rễ/ hồ tiêu |
Qua trên ta thấy việc nghiên cứu và sử dụng chất kích kháng trong phòng trừ bệnh hại cây trồng được chú trọng, được áp dụng rộng rãi và trong tương lai chất kích kháng sẽ là một trong những sản phẩm sinh học được ưu tiên sử dụng trong nền nông nghiệp ở nước ta và trên thế giới.
Với lợi thế không gây ô nhiễm môi trường như thuốc hóa học cũng như hình thành kháng thể giúp cây kháng bệnh, đồng thời tạo được môi trường miễn dịch cho cây trồng trong những mùa vụ sau nhưng không gây độc hại trên nông sản và sức khỏe nông dân thì việc sử dụng chất kích kháng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông nghiệp.
Việc sử dụng chất kích kháng cho cây trồng kết hợp với các biện pháp kỹ thuật hợp lý là cơ sở cho việc quản lý tổng hợp dịch hại trên cây trồng (IPM), đồng thời là chỗ dựa vững chắc để phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aziz , A., Trotel-Aziz, P., Dhuicq, L., Jeandet, P., Couderchet, M., and Vernet, G. 2006. Chitosan oligomers and copper sulfate induce grapevine defense reactions and resistance to gray mold and downy mildew. Phytopathology 96:1188-1194.
2. David Tepfer và ctv, 1998. Phytophthora Resistance Through Production of a Fungal Protein Elicitor ( β -Cryptogein) in Tobacco. MPMI Vol. 11, No. 1, 1998, pp. 64–67. Publication no. M-1997-1106-01N. © 1998 The American Phytopathological Society.
3. Kyoung Su Kim, Ji-Young Min, and Martin B. Dickman, 2008. Oxalic Acid Is an Elicitor of Plant Programmed Cell Death during Sclerotinia sclerotiorum Disease Development, MPMI Vol. 21, No. 5, 2008, pp. 605–612. doi:10.1094/MPMI -21-5-0605. © 2008 The American Phytopathological Society.
4. Lê Thanh Toàn, 2009. Tuyển chọn hóa chất có khả năng kích thích tính kháng bệnh vàng lùn và cách kích kháng để quản lý bệnh vàng lùn trên giống lúa OM2517 trong điều kiện nhà lưới, Luận văn thạc sĩ Bảo Vệ Thực Vật Trường Đại Học Cần Thơ.
5. Nguyễn Đắc Khoa, Dương Minh, Phạm Văn Kim, 2010. Sản xuất các sản phẩm sinh học để quản lý bệnh hại lúa, cây ăn quả và rau màu theo hướng bền vững và không ô nhiễm môi trường, Tạp chí Khoa học 2010 : 16b 117-126, trường Đại học Cần Thơ.
6. Phạm Văn Kim và ctv, 2009. Tổng kết công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng sản phẩm kích kháng CROPSAR3 – ĐHCT để quản lý bệnh đạo ôn lá lúa ( Pyricularia grisea ) tại đồng bằng sông Cửu Long.
7. Trần Thị Thu Thủy, Nguyễn Hồng Tín, Đặng Thị Tho, Huỳnh Minh Châu và Phạm Văn Kim, 2007. Khảo sát mô học về khả năng kích kháng lưu dẫn của benzoic acid, clorua đồng và chitosan đối với bệnh cháy lá lúa do nấm Pyricula ria grisea (cook) sacc, Tạp chí Khoa học 2007:7 138-146, Trường Đại học Cần Thơ.
8. Trần Vũ Phến và Phạm Văn Kim, 2008. Ảnh hưởng của lượng phân đạm trên hoạt tính của Phenylalanine ammonia-lyase và trên hiệu qảu kích kháng lưu dẫn chống bệnh cháy lá lúa Pyricula ria grisea Tạp chí Khoa học 2008:9 26-35, Trường Đại học Cần Thơ.
9. Võ Thị Thu Oanh, 2008. Bài giảng Bệnh cây đại cương, trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn