Phát triển thiên địch là xu hướng trong các biện pháp bảo vệ cây trồng

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đức Tiến.

Việc sản xuất rau sạch, rau an toàn trong nông nghiệp đô thị đã trở thành nhu cầu cấp thiết của xã hội trong quá trình đô thị hoá, ngoài yếu tố bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và khoa học vì hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Nghiên cứu khai thác lợi dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống sâu hại hiệu quả là một hướng quan trọng trong phát triển biện pháp sinh học, là biện pháp chủ đạo của hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Năm 1964, Paul DeBach và Evert I. Schliner (Division of Biological Control, University of California, Riverside, USA) xuất bản quyển sách với tiêu đề: “Biological Control of Insect Pest and Weeds” và sau đó nó trở thành nguồn tham khảo chính cho hoạt động cộng đồng về kiểm soát sinh học ở California và trên thế giới.

Tại Châu Âu, thiên địch được sử dụng rất sớm (California, North Carolina, Kansas, Texas...) từ năm 1970 trên các loại cây trồng như bông vải, cỏ linh lăng, chanh, đậu nành và các cây trồng khác (Ravensberg, 1992). Tại châu Á, kiểm soát sinh học cũng đã trở thành một hệ thống căn bản trong kiểm soát côn trùng gây hại và tiết kiệm lao động sản xuất trong nhà lưới nhà kính (greenhouse) từ năm 1966 (Mori và Shinkaji, 1977).

Nhìn chung, theo thời gian, nhiều dẫn liệu khoa học chứng minh vai trò quan trọng của thiên địch tự nhiên trong việc khống chế mật số sâu hại trên rau ngày càng phong phú. Tùy từng lúc, từng nơi trong từng điều kiện cụ thể, thiên địch tự nhiên có thể tham gia quản lý sâu hại ở dưới ngưỡng gây hại kinh tế.

Tại California, năm 1970 các nhà khoa học đã dùng Ong mắt đỏ (OMĐ) và ong vàng để phòng trừ sâu xanh Heliothis zea hại ngô đạt hiệu quả từ 53-85% (Nguyễn Thị Thùy, 2004)

1. Ứng dụng thiên địch trong nhà lưới nhà kính:

Greenhouse là thuật ngữ nói đến nhà lưới, nhà kính trong đó trồng các loại rau quả, hoa và các cây trồng ngắn ngày khác. Tuỳ vào điều kiện và nhu cầu mà người ta sử dụng các chất liệu khác nhau để thiết kế mẫu nhà lưới nhà kính, có thể bằng kính hoàn toàn, có thể mái che bằng kính, chung quanh bằng lưới hoặc bằng plastic trong như kính…

Tại Canada, việc sử dụng thiên địch trên rau canh tác trong nhà lưới nhà kính thật sự thuận tiện hơn so với canh tác bên ngoài. Trong nhà lưới nhà kính có thể sử dụng kiểm soát sinh học mà không cần phải đồng thời xử lý các đồng ruộng chung quanh. Một cuộc khảo sát năm 1981 trên 106 nông dân sử dụng kiểm soát sinh học trên cà chua và dưa chuột trong nhà kính ở phía Tây Canada, cho thấy họ đã giảm 60-80% thời gian dành cho phun thuốc trị bọ cánh phấn (whiteflies) hoặc nhện đỏ (spider mites); sản lượng cây trồng tăng lên 23% và giảm 38% chi tiêu (Elliott, 1982; Linda A.Gilkeson, 1984).

Steiner và Elliotte (1983) đã đề nghị thực hiện 7 bước cơ bản trước khi thả thiên địch như sau:

1. Dự báo và xác định côn trùng có khả năng gây hại;

2. Thiết lập quan hệ với nhà cung cấp và đặt hàng chắc chắn về thời gian và điền vào các yêu cầu của họ trên phiếu đặt hàng;

3. Theo dõi định kỳ sự phát triển của cây. Hàng tuần quan sát lá với kính lúp 10X (10-20 lá trong một hàng). Cứ 3 hàng thí lấy mẫu 1 hàng (hàng thứ 3) để xác định các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng;

4. Thiết lập lịch thả thiên địch dựa vào sự giới thiệu của nhà cung cấp. Số lượng thiên địch thường dựa theo các tầng cây và mật độ cây trong nhà kính. Thường thà từ 2-4 lần trong suốt vụ; mỗi kỳ thả cách nhau 10-14 ngày;

5. Chuẩn bị kinh phí cho việc diệt trừ côn trùng gây hại. (Trong năm 1983, mỗi nông dân Canada phải mất 3 USD cho 1m2 đất canh tác/ năm đầu tiên);

6. Dự phòng thuốc trừ sâu an toàn cho việc kiểm soát sinh học và có kế hoạch sử dụng khi quần thể côn trùng vượt ngưỡng gây hại;

7. Phải giải thích chương trình kiểm soát sinh học cho toàn thể nhân viên, lao động trong nhà kính được hiểu để thực hiện phun xịt thuốc theo lịch nghiêm túc. Việc phun xịt không theo lịch sẽ làm mất sạch những cố gắng áp dụng những yếu tố kiểm soát sinh học trước đó.

Tại Florida, có nhiều nhà sản xuất thiên địch để kinh doanh phục vụ sản xuất trong nhà lưới nhà kính. Những nông dân sản xuất hoa và rau trong nhà kính thỉnh thoảng gia tăng sự kiểm soát côn trùng gây hại bằng cách mua thiên địch ăn mồi (predator), thiên địch ký sinh (parasitoid) để thả vào. Người nông dân phải tuân thủ những nguyên tắc đặc biệt và những phương pháp quản lý hiệu quả trong nhà kính, chỉ được sử dụng một số lượng rất nhỏ thuốc trừ sâu (Hugh A.Smith, 2000).

Để sử dụng thiên địch có hiệu quả, đầu tiên phải xác định được côn trùng gây hại, nghiên cứu và hiểu thật kỹ đặc tính sinh học, tập tính sinh sống và thói quen gây hại của chúng, những phương cách du nhập vào nhà lưới nhà kính, khả năng sinh sản và khả năng gây hại trên cây trồng. Đó là những thông tin rất quan trọng trong quản lý côn trùng gây hại và dùng thiên địch góp phần giảm thiệt hại cho cây trồng. Tại Florida, những côn trùng gây hại trong nhà lưới nhà kính được điều tra và nghiên cứu kỹ càng, được xác định là rầy mềm (aphids), bọ cánh phấn (whiteflies), nhện nhỏ (spider mites), dòi dục lá (leafminers), sâu hại cuống trái cà chua (tomato worm), bọ trĩ (thrips)... (Hochmuth, 2010).

Tại Hà Lan, kiểm soát sinh học trong nhà lưới nhà kính được đặc biệt lưu ý và thiên địch được thương mại hóa từ năm 1982, nông dân Hà Lan đã phát triển 550 hecta nhà kính trồng cà chua và 600 hecta trồng dưa. Nhiều công ty sinh học như công ty Koppert ở Hà Lan đã sản xuất hàng loạt nhện bắt mồi, ong ký sinh… cung cấp cho nông dân thả trên đồng ruộng và nhà kính trồng dưa chuột, ớt ngọt, cà chua, dâu tây, hoa hồng... mang lại hiệu quả cao trong phòng trừ nhện đỏ, rệp muội và bọ phấn. Các sản phẩm rau, quả và hoa rất an toàn vì người nông dân Hà Lan không phải dùng tới bất cứ loại thuốc hóa học nào, một thời từng là niềm mơ ước của nhiều nhà khoa học (Gilkeson, 1984).

Tại Nhật Bản, mặc dù có nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm nhưng chỉ mới bắt đầu kinh doanh và sử dụng thiên địch trong nhà kính gần đây. Đầu năm 1970, một công ty hóa chất tại Nhật đã bắt đầu sản xuất thương mại ong ký sinh để kiểm soát các loài côn trùng gây hại cơ bản trên táo nhưng đã không thể tiếp tục sau 3 năm sản xuất vì nhiều lý do (giá thành sản phẩm cao không thể cạnh tranh lại với sản phẩm táo nhập khẩu, nhiều loại sâu hại trong khi thiên địch chỉ có vài loại thì không thể kiểm soát tuyệt đối, việc sử dụng thiên địch chưa phổ biến và trở thành xu thế bởi chưa có áp lực an toàn thực phẩm...). Chỉ 5 năm sau đó, khi mà nhện ăn mồi Phytoseiulus persimilis, một loài nhện thiên địch đã được sử dụng trên khắp thế giới để kiểm soát nhện nhỏ gây hại thì việc sử dụng thiên địch thương mại mới được chấp nhận tại Nhật (Takafuji và Amano, 2002).

Hiện nay nhiều công ty trên thế giới như Green Spot (Nottingham), IPM Laboratories (Locke), Koppert Inc. (Romulus), Sygenta Bioline (Oxnard, California) BioBest Biological Systems... đã có quy trình công nghệ sản xuất các loài thiên địch trên quy mô lớn và có những thành tựu trong việc ứng dụng thiên địch phòng trừ sâu hại cây trồng (Raymond A.Cloyd, 2000).

Hiện nay tại Nhật, những loài thiên địch được đăng ký như là “thuốc sinh học” (bio-pesticides) được kinh doanh, sử dụng bao gồm:

Năm đăng ký

Thiên địch

Côn trùng hại

Cây trồng

Nhập khẩu:

1996-2000

Encarsia formosa

Trialeurodes vaporariorum

Cà chua, dưa leo, dưa lưới

1996-1999

Phytoseiulus persimilis

Tetranychus spp.

Cà tím, dâu tây, dưa leo, nho

1998-2000

Aphidius colemani

Rệp cây (rầy mềm)

Dưa leo, dưa hấu

1998-2000

Aphidoletes aphidimyza

Rệp cây (rầy mềm)

Dâu tây, dưa leo

Sản xuất trong nước:

1996-1999

Amblyseius cucumeris

Thrips palmi

Cà tím, dưa leo

1998-2001

Orius sp.

Thrips palmi

Cà tím, ớt ngọt

2001

Encarsia formosa

Trialeurodes vaporariorum

Cà chua

(Nguồn: Yano, 2001 )

2.1.4 Một số loài thiên địch tương ứng với sâu hại chính trong nhà lưới nhà kính được giới thiệu như sau:

(Nguồn: Vera Krischik, Department of Entomology, University of Minnesota, 2010

Trong đó, bọ phấn nhà lưới (GHWF) ( Trialeurodes vaporariorum Westwood) là một đối tượng gây hại nguy hiểm trong nhà lưới từ lâu, loài này làm giảm sản sản lượng, thời gian bảo quản nông sản cũng như khả năng làm trung gian truyền bệnh virus. GHWF gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với vùng biển tây của bắc Mỹ, nơi mà bọ phấn gây hại làm giảm sản lượng nhiều loại cây trồng gồm rau và trái cây các loại đặc biệt là dâu tây. Bọ phấn gây hại làm giảm sản lượng trầm trọng ngoài ra chúng còn truyền bệnh virus Begomovirus (Geminiviridae) mà loài bọ phấn chính có khả năng đó là Bemisia tabaci (Gennadius). Ngoài ra, B. tabaci còn truyền các loại virus khác với mức độ lây nhiễm thấp như Carlavirus, Ipomovirus (Potyviridae), and Crinivirus (Closteroviridae) (William, 2004)

Để hạn chế tác nhân trung gian truyền bệnh virus là ứng dụng các loại ong ký sinh thuộc giống EncarsiaErectmocerus. Trong đó Encarsia formosa có hiệu quả cao trong việc làm giảm mật số của bọ cánh phấn nhà lưới và duy trì khả năng kiểm soát bọ cánh phấn trong khoảng thời gian dài. Điều này đã ứng dụng hữu ích nhằm kiểm soát bọ cánh phấn trên cà chua, dưa leo và nhiều loại cây trồng nhà lưới khác. (theo Hoddle và cộng sự,1998)

2. Nghiên cứu trong nước:

2.1 Côn trùng gây hại chủ yếu trong nhà lưới tại Việt Nam:

Các nguồn tài liệu và thông tin từ các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp (Phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ chí Minh và một số tỉnh trong liên kết rau an toàn, 2010) cho thấy đối tượng sâu hại phổ biến trên rau bao gồm:

- Sâu khoang ( Spodoptera litura)*

- Sâu xanh bướm trắng ( Pieris rapae)

- Sâu tơ ( Plutella xylostella)

- Bọ nhảy ( Phyllotreta sp .)

- Các loài rệp cây, rầy mềm, rệp muội ( Aphis spp.) *

- Ruồi dục lá ( Liriomyza huidobrensis)*

- Bọ cánh phấn (Whiteflies) *

- Các loài nhện nhỏ (Mites) *

- Bọ trĩ (Thrips) *...

Rau trong nhà lưới có xu hướng phát triển diện tích với nhiều loại rau ăn quả có giá trị cao, theo đó hệ sinh thái sinh vật hại và thiên địch cũng đặc thù và thành phần ít hơn (khoảng 5-6 loài chủ yếu *) so với ngoài đồng ruộng, tuy nhiên lại là những đối tượng rất khó phòng trị.

Trong đó, sâu đục quả các loại là loài rất khó trị, vì khả năng tiếp xúc với thuốc rất thấp. Có những vụ đậu đũa, cove, nông dân phải phun thuốc hóa học liên tục trong thời gian cho trái, thậm chí ngày cách ngày, tạo dư lượng thường là nhóm cypermethrin khá cao trong đậu đỗ (CCBVTV, 2010).

Sâu đục quả các loại cũng là đối tượng rất khó phòng trị vì sâu ăn bên trong quả, lại trong thời gian cho trái nên phải hạn chế sử dụng thuốc hoá học. Điều này nảy sinh mâu thuẫn sâu không được tiếp xúc với thuốc nên không chết mà còn tăng sức phá hại, nếu sử dụng thuốc lưu dẫn thì lại quá độc, độ lưu tồn thuốc lâu, mất an toàn cho sản phẩm.

Các loài sâu hại nguy hiểm cho cây trồng như: sâu đo xanh (Anomis flava), sâu khoang (Spodoptera litura), sâu xanh (Heliothis armigera), sâu đục quả đậu (Maruca testulalis), sâu xanh đầu bé (Plusia chalcites), sâu cắn gié (Leucania separata)… là đối tượng tấn công và là thức ăn của BXBM (Nguyễn Xuân Thành, 1994).

Bọ cánh phấn (whitefly) là một loài côn trùng gây hại tại châu Á. Đây là đối tượng gây thiệt hại trên nhiều loại cây trồng do sức đề kháng cao với hầu hết các thuốc trừ sâu, ấu trùng bọ cánh phấn sản xuất số lượng lớn các sáp trên và xung quanh bề mặt lưng của nó, làm giảm tác dụng bám dính của thuốc. Virus cũng có thể được truyền qua bọ cánh phấn.

Bọ cánh phấn phát triển qua 6 giai đoạn tính từ trứng đến trưởng thành. Trưởng thành thường thấy trên đọt non và đẻ trứng ở mặt dưới lá. Khi các đọt non bị nhiễm vi khuẩn, trưởng thành sẽ bay đi và quay lại mặt dưới lá để đẻ. Cả hai trưởng thành và ấu trùng bọ cánh phấn đều chích hút dinh dưỡng từ cây trồng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình sinh lý của cây, và có thể làm giảm sinh trưởng.

Bọ cánh phấn là loại côn trùng chích hút, là tác nhân lan truyền virus bệnh xoăn vàng lá cà chua (Ngô Thị Xuyên và Nguyễn Văn Đĩnh, 2005). Khả năng phòng trị là rất khó do bọ cánh phấn thường ở mặt dưới lá, đồng thời tạo một lớp phấn bên ngoài cơ thể nên thuốc rất khó tiếp xúc mặc dù sử dụng với liều lượng rất cao. Đây là vấn đề nan giải và mất rất nhiều công sức và chi phí để phòng trị.

Đây cũng là đối tượng được nông dân quan tâm lưu ý là khó trị và xuất hiện phổ biến trên nhiều loại cây trồng.

2.2 Nghiên cứu thiên địch:

Để phát triển công nghệ nhân thả thiên địch, tạo thành quần thể khống chế hữu hiệu côn trùng gây hại, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc hoá học trên rau thì việc nghiên cứu khai thác lợi dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống sâu hại hiệu quả là một hướng quan trọng trong phát triển biện pháp sinh học, là biện pháp chủ đạo của hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp đô thị bền vững.

Ở nước ta, vai trò quan trọng của một số thiên địch tự nhiên trong điều hòa mật số sâu hại trên cây rau trong phạm vi sản xuất nông nghiệp truyền thống đã được ghi nhận trong một số công trình nghiên cứu của một số tác giả:

Nguyễn Thị Kim Oanh (2005) đã nghiên cứu đặc điểm sinh thái sinh học của hai loại ong Cotesia plutellae (Kurdjumov) và Diadromus collaris Gravenhorst ký sinh trên sâu tơ Plutella xylostella (Linnaeus) ở ngoại thành Hà Nội.

Nguyễn Văn Huỳnh (2005) đã tiến hành điều tra thành phần loài, khảo sát khả năng bắt mồi và chu kỳ sinh trưởng của dòi ăn rầy mềm thuộc họ Syrphidae (Diptera).

Ngô Thị Xuyên và Nguyễn Văn Đĩnh (2005) nghiên cứu về “bệnh hại trên cà chua trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng năm 2003-2005 tại Hà Nội” cho thấy có mối tương quan thuận giữa tỷ lệ bọ phấn và bệnh do vi rus gây ra (xoăn vàng lá cà chua). Vào giai đoạn tháng 10 đến tháng 11 bệnh xoăn vàng ngọn có tỷ lệ bệnh trung bình cao nhất (29,38-34,9%) và xuất hiện trong nhà lưới cao hơn ngoài đồng ruộng do mật số bọ phấn xuất hiện ở đây cao hơn.

Trần Thị Thiên An (2007) đã nghiên cứu một số thiên địch phòng trừ ruồi đục lá rau Liriomyza (Agromyzidae - Diptera) tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trần Tấn Việt (2007) đã nghiên cứu và du nhập thành công ong ký sinh Asecodes hispinarum trị bọ cánh cứng hại dừa tại các tỉnh phía Nam

Nguyễn Thị Chắt (2007) đã bước đầu nghiên cứu sử dụng một số thiên địch ăn rệp sáp giả phòng trừ rệp sáp tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận.

Nguyễn Đỗ Hoàng Việt (2009) Khảo sát tình hình gây hại và đánh giá hiệu lực một số loại thuốc trừ bọ phấn trắng ( Bemisia tabaci Gennadius) trên cây cà pháo vụ Xuân Hè 2009 ở xã Bàu Đồn - huyện Gò Dầu - tỉnh Tây Ninh. Kết quả điều tra thành phần sâu hại trên cây cà pháo cho thấy bọ phấn trắng Bemisia tabaci G. và rầy xanh Empoasca biguttula Shiraki xuất hiện ở mức độ rất phổ biến, gây hại nặng và xuất hiện ở tất các các kỳ điều tra. Qua theo dõi diễn tiến mật số cho thấy sự xuất hiện khá sớm của bọ phấn trắng trên cây cà pháo, chỉ 7 ngày sau trồng, mật số tăng dần theo tuổi cây và đến giai đoạn 49 - 56 ngày sau trồng thì nhận thấy số lượng lớn ấu trùng bọ phấn trên cây.

Từ năm 2009, các nhà khoa học ở trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội thực hiện nhân nuôi nhện và bọ xít bắt mồi. Qua điều tra cho thấy, loài nhện bắt mồi Amblyseius sp. xuất hiện rất phổ biến trên các cây trồng bị nhện đỏ gây hại ở Việt Nam, kết quả nhân nuôi trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng đều cho thấy loài này có tỷ lệ tăng tự nhiên cao, có sức ăn nhện hại lớn và hoàn toàn có khả năng khống chế số lượng nhện đỏ gây hại ngoài tự nhiên. Đặc biệt, việc nhân nuôi nhện bắt mồi lại rất thuận lợi với khí hậu miền bắc nước ta.

Bọ xít bắt mồi có nhiều loài đang được một số nước trên thế giới nghiên cứu, là thiên địch của nhiều loài côn trùng gây hại. Tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học thuộc Bộ môn côn trùng, thuộc Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cũng tiến hành nhân nuôi bọ xít bắt mồi Orius sauteri để tiêu diệt bọ trĩ có kích thước nhỏ gây hại trên cà tím, bầu, bí xanh, đậu đỗ, dưa chuột, khoai tây... So với cách phun thuốc trừ sâu, việc sử dụng thiên địch dường như còn mới mẻ và lạ lẫm với bà con nông dân ở nước ta. Trong tương lai, việc phát triển nhân nuôi các loài nhện và bọ xít bắt mồi sẽ giúp cho giá thành sản phẩm phù hợp với túi tiền của bà con và phải hạ thấp hơn so với chi phí mua thuốc trừ sâu, giải quyết được áp lực ô nhiễm thuốc BVTV do sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng nhiều, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng (Báo Nông nghiệp Việt Nam, 2009)./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 10,453,359
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây