Phòng trừ cây mai dương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Lá, hoa và trái mai dương
Cây mai dương (còn gọi ma vương, cốt khí có gai, trinh nữ thân gỗ, trinh nữ gai,...) tên khoa học là Mimosa pigra L., thuộc họ Mimosaceae. Là loài cây bụi, thân gỗ có nhiều gai cứng, mọc ở các vùng đất xáo trộn (đất trống, bờ ao, bờ sông, ven đường), đây là loài cỏ dại ngoại lai rất nguy hiểm cho thảm thực vật bản địa.

Mai dương có hệ thống rễ cọc cắm sâu trong đất dài 1 – 2 m, rễ bên mở rộng đến 3,5 m. Chiều cao trung bình của cây 1-2 năm tuổi từ 1,5-2,7 m. Đường kính thân trung bình của cây là 1,7 cm.

Mai dương có hệ thống rễ cọc cắm sâu trong đất dài 1 – 2 m, rễ bên mở rộng đến 3,5 m. Chiều cao trung bình của cây 1-2 năm tuổi từ 1,5-2,7 m. Đường kính thân trung bình của cây là 1,7 cm.

Lá của cây mai dương có dạng hai lần kép chẵn, mọc đối xứng nhau, xếp lại khi đụng vào. Có 2 loại gai: gai mọc trên thân và gai mọc trên lá. Hoa mai dương có màu hồng hoặc tím, phát hoa hình đầu.

Hoa thường nở to vào buổi sáng, trưa héo dần và chiều tàn trong ngày. Hoa thường mọc ở nách lá kép thứ nhất đến thứ năm tính từ ngọn xuống.

Cây mai dương có khả năng ra hoa kết trái quanh năm nhưng do mỗi chu kỳ hoa nở, mỗi cành có thể có 5 – 13 chùm nụ nhưng chỉ có 1 – 3 chùm nụ nở hoa và kết trái nên tỷ lệ nụ hoa nở đến thành hạt rất thấp (2,1 - 4,5 %). Thời gian từ khi cây có nụ đến khi có trái chín và hạt đầu tiên rụng xuống đất mất 37 ngày.

Trái khi non có màu xanh và chuyển dần sang màu vàng nâu khi chín, dài khoảng 5,5 – 11 cm, rộng 0,6 - 1,1 cm.

Trung bình mỗi cây có khoảng 846 hạt (theo dõi trong 4 tháng). Hạt mai dương rất cứng, khi chín có màu nâu hay xanh oliu và thường rụng từng đốt chừa lại hai bìa trái. Hạt mai dương không nhất thiết phải trải qua thời kỳ ngủ nghỉ, nếu gặp điều kiện thích hợp hạt sẽ nảy mầm ngay và tỷ lệ nảy mầm tương đối cao (31,6 %), cao nhất khi hạt nằm ở khoảng 1 cm trong đất. Hạt mai dương phần lớn phân bố ở tầng đất mặt (0 – 10 cm) nên nguồn lây lan chủ yếu là nguồn hạt rụng tại chỗ. Hạt có miên trạng tốt, có thể giữ sức nẫy mầm đến 23 năm ! (Theo Đỗ Thị Phượng Kiều, Nguyễn Hữu Trúc ĐHNL Tp.HCM).

Cây khi phát triển mạnh, tạo thành một thảm cây bụi cao làm cho các loài cây khác không phát triển được hoặc cây nào “vượt” qua được những tầng gai góc của mai dương mà ngoi lên, cũng phát triển èo uột, vì mai dương “ngốn” rất nhanh các chất dinh dưỡng trong đất, làm cho đất bạc màu nhanh chóng.

Tại thành phố Hồ Chi Minh, cây mai dương cũng phát triển khá nhanh, có mặt ở nhiều nơi. Theo kết quả điều tra ban đầu của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thành phố Hồ Chí Minh, mai dương đã xuất hiện trên địa bàn các quận huyện Thủ Đức, Quận 2, Quận 9, Nhà Bè, Cần Giờ, Quận 7, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12. Hiện tại mai dương xuất hiện ở trên đất san lắp mặt bằng nhưng chưa xây dựng công trình, đất và lề đường của các tuyến đường như Củ Chi, Nhà Bè – Cần Giờ với diện tích khoảng 44 ha. Chưa ghi nhận cây mai dương xâm lấn vùng đất đang trồng trọt.

Cây Mai dương là loại cây có khả năng sinh trưởng, tái sinh mạnh theo cấp số nhân, thích nghi tốt với mọi điều kiện môi trường, thổ nhưỡng. Hơn nữa đốt trái rất nhẹ, có lông, do đó dễ phát tán theo gió, dòng nước.

Để ngăn chặn sự phát tán và lây lan của cây mai dương Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện ngay một số giải pháp phòng trừ cây mai dương (Công văn số 1740/BC-SNN-NN, ngày 24 tháng 12 năm 2008 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phòng trừ cây mai dương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh):

1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

a) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT (phòng Kinh tế) phối hợp với Ủy ban nhân dân xã-phường tổ chức điều tra xác định khu vực có cây mai dương và đánh giá mức độ xâm lấn của cây mai dương.

b) Chỉ đạo cho các ban ngành, chính quyền địa phương phối hớp với ngành nông nghiệp tổ chức diệt trừ triệt để cây mai dương, cụ thể như sau:

- Giao Ủy ban nhân xã - phường phối hợp với ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý triệt để cây mai dương ở khu vực đất công như bờ kênh rạch, bờ sông, lề đường,.... bằng các biện pháp như đốn chặt, đào gốc, gom đốt nơi an toàn. Thời gian hoàn thành: Trước khi mùa mưa năm 2009 để tránh hạt phát tán, lây lan.

- Giao chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm tiêu huỷ cây mai dương ở khu vực đất chuyển đổi mục đích sử dụng và đất san lấp chờ thi công bằng cac1 biện pháp như đốn chặt, đào gốc, gom đốt nơi an toàn hoặc dùng máy cày, xe ủi cày lật đè nát và vùi cây mai dương xuống đất.

- Giao Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) chủ trì phối hợp với địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động chủ sử dụng đất trống, đất chưa canh tác do mới chuyển đổi quyền sử dụng, đất quảng canh,... diệt trừ thường xuyên các cây đã mọc.

+ Trường hợp cây còn nhỏ mọc lẫn trong thảm thưc vật: nhổ bỏ hoặc phun thuốc trừ cỏ Ally 20 DF hoặc các sản phẩm cùng hoạt chất (lượng dùng 60g/ha, pha trong 600 lít nước) theo điểm hoặc phun lên toàn bộ bề mặt.

+ Trường hợp cây đã lớn mọc rải rác: đốn chặt, đào gốc, gom đốt nơi an toàn hoặc phun Round up 480 SC hoặc các sản phẩm cùng hoạt chất (lượng dùng 4,5 lít/ha, pha trong 800 lít nước).

+ Trường hợp để đất trống do chưa có kế hoạch trồng trọt nên trồng các loài cỏ hoà thảo có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía,… để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật cạnh tranh với cây mai dương.

2. Giao Chi cục Kiểm Lâm, Chi cục Lâm nghiệp Theo dõi và hướng dẫn chủ rừng các biện pháp ngăn chặn , diệt trừ cây mai dương, đặc biệt tại khu vực rừng mới trồng, khu vực trồng cây phân tán và có kế hoạch phòng trừ cây mai dương tại khu vực rừng được giao trách nhiệm quản lý.

3. Giao Chi cục BVTV:

- Soạn và in ấn tài liệu bướm để nhận biết cây mai dương và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ.

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diệt trừ cây mai dương.

- Giao Chi cục BVTV thường xuyên theo dõi và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện phòng trừ cây mai dương ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 10,707,379
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây