Quản lý cỏ dại trong canh tác cây trồng

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

1. Đặc điểm và phân loại

Cỏ dại có khả năng lưu tồn rất cao, tồn tại trong điều kiện tự nhiên khí hậu, đất đai, sinh vật khắc nghiệt. Sự tồn lưu của cỏ dại mạnh mẽ do: Sản xuất nhiều hạt, tỉ lệ nảy mầm từ 10 – 80 %. Có thể tạo hạt tốt trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường như hạn, côn trùng gây hại; Sinh sản vô tính: Thân ngầm, củ của cỏ đa niên có thể tồn tại hàng năm khi nằm sâu tới 1m dưới đất; Sự phát tán: là phương tiện quan trọng cho sự tồn tại của cỏ, sự phát tán của hạt cỏ trong hệ sinh thái khác nhau, mỗi loài chọn một cách để tồn tại.

Tuy nhiên đôi khi người ta sử dụng cỏ phục vụ mục đích con người như đồng cỏ cho gia súc, phân xanh, nguyên liệu cho thủ công nghiệp, cây chỉ thị về ô nhiễm môi trường (cỏ năng, lác – đất phèn), chống xói mòn (cỏ vertiver), bảo vệ công trình thủy lợi, là nơi trú ngụ của các loài thiên địch của sâu hại sau thu hoạch...

Bên cạnh đó cỏ dại cũng gây không ít tác hại: Cạnh tranh với cây trồng về không gian, dinh dưỡng, ánh sáng và độ ẩm trong đất làm giảm năng suất cây trồng; Ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đến sức khỏe con người và gia súc; Gây ô nhiễm, cản trở nguồn nước; Một số loài cỏ dại là nơi cư trú hoặc ký chủ của sâu hại và vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng; Lẫn vào trong sản phẩm cây trồng, trong hạt giống làm giảm giá trị hàng hóa; gây khó khăn cho canh tác, tăng chi phí sản xuất.

Có nhiều cách để phân loại cỏ như: Dựa vào chu kỳ sống phân chia cỏ đa niên, cỏ hàng niên; Dựa vào đặc điểm thân phân chia thành cỏ thân gỗ, cỏ bán thân gỗ, cỏ thân thảo; Dựa vào môi trường sống…

- Phân loại theo chu kỳ sinh trưởng : Theo cách phân loại này ta thấy có hai nhóm cỏ: cỏ hàng năm và cỏ lău năm.

+ Cỏ hàng năm: là các loại cỏ hoàn thành vòng đời (từ hạt đến nảy mầm ra hoa tạo hạt) trong một hoặc hai mùa canh tác trong một năm. Các loại cỏ này thường chết vào mùa khô sau khi hoàn thành vòng đời của chúng.

+ Cỏ lâu năm: là những loại cỏ sống lâu hơn một năm. Loại cỏ này rất khó diệt vì có thân ngầm hoặc thân bò trên mặt đất, có bộ rễ, củ phát triển sâu, khả năng sinh sản vô tính mạnh.

- Phân loại theo hình thái : Theo kiểu phân loại hình thái, ta có cỏ lá hẹp (còn gọi là cỏ một lá mầm) và cỏ lá rộng (còn gọi là cỏ hai lá mầm)

+ Cỏ một lá mầm có những đặc tính chung như: lá hẹp, dày, mọc xiên, mặt lá có lông, rễ thường là rễ chùm, ăn nông, đỉnh sinh trưởng được bọc kín trong bẹ lá. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có một số loại cỏ có đặc tính hơi khác như cỏ cói lác lá hẹp nhưng mềm, mỏng và trơn.

+ Cỏ hai lá mầm thường có lá rộng, nằm ngang, mỏng và mềm; rễ thường là rễ cọc, ăn sâu, đỉnh sinh trưởng để lộ ra ngoài.

- Phân loại theo đặc điểm thực vật :

+ Nhóm cỏ hoà bản: Có đốt đặc và lóng rỗng, thân tròn. Bản lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân: Thường tròn và rỗng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ: thường là rễ chùm, ăn nông.

+ Nhóm cỏ chác, lác: lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác. Không phân biệt bẹ lá và phiến lá, lá đính trên thân theo 3 hàng phía quanh thân. Phần gốc các lá tạo thành ống bao quanh thân.

+ Nhóm cỏ lá rộng: lá rộng, nằm ngang, mọc đối, mặt lá ít lông, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau (gân lá hình mạng lưới đối với cỏ song tử diệp và gân lá song song với đơn tử diệp).

2. Biện pháp phòng trừ cỏ dại:

- Không để cỏ tạo hạt trên đồng ruộng (cắt bông sớm)

- Sử dụng giống không lẩn hạt cỏ.

- Vệ sinh nông cụ sạch cỏ trước khi sử dụng

- Dùng phân hữu cơ đã hoai ủ.

- Dùng lưới chắn hạt cỏ khi cho nước vào ruộng.

- Biện pháp trừ: Có thể nhổ cỏ bằng tay, làm đất, sử dụng nước thích hợp và dùng thuốc hoá học. Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau, không cực nhọc, vất vả như các biệp pháp làm cỏ khác.

a) Đối với cỏ trên vùng đất hoang, đất bờ ruộng, cỏ vườn cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều), trừ cỏ cho đất trước khi trồng cây hàng năm

Chủ yếu là các loại cỏ tranh, cỏ cú, cỏ ống, cỏ lá rộng và các loại cỏ khác trong vườn cây cao su, cà phê, điều, vườn cây ăn trái... các loại cỏ này mọc cao ở trong vườn, nhiều, rậm rạp. Do đó nên sử dụng các loại thuốc như:

+ Cỏ hoang, vườn cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái như: Vifosat 480 DD, Round up 480 SC, Lyphoxim 41 SL, Helosate 48 SL (nhóm Glyphosat), Mamba 41 SL, Heroquart 278 SL (Paraquat dichloride).

+ Cỏ vườn cây công nghiệp ngắn ngày: Dual 720 EC, Dual gold 960 EC, Ametrex 80 BHN, Sunrice 15 WDG, Vidiu 80 BTN.

Để phát huy hiệu quả của thuốc trừ cỏ cần chú ý:

- Pha thuốc với nước sạch, không có cát và bùn. Đảm bảo đúng lượng nước theo khuyến cáo của nhãn thuốc.

- Nên phun khi cỏ còn thấp khoảng 1 gang tay ( 20 – 25 cm).

- Điều chỉnh vòi phun sao cho lượng nước thuốc phun phủ đều mặt cỏ và đất cần diệt trừ. Nên dùng béc phun tia mịn để thuốc được trải đều trên thảm cỏ.

- Không phun thuốc dính vào các điểm xanh của cây trồng như lá, ngọn, búp. (Chúng ta có thể dùng phễu gắn vào đầu béc phun để định hướng các tia thuốc vào cỏ dại).

b) Đối với cỏ ruộng lúa: Có 2 loại thuốc để trừ cỏ:

- Trừ cỏ tiền nẩy mầm: có nghĩa là ta phun khi cỏ chưa nẩy mầm (phun từ 0 – 4 ngày sau gieo sạ)

- Trừ cỏ hậu nẩy mầm: khi cỏ mọc được 1 – 7 lá (6 – 20 ngày sau sạ).

Thuốc trừ cỏ chọn lọc( 1 – 2 nhóm cỏ), thuốc trừ cỏ không chọn lọc (diệt cả 3 nhóm cỏ).

- Đối với thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm và hậu nẩy mầm sớm: Virisi 25 SC, Saturn 6H, Sunrice 15 WDG, Sofit 300 EC, Star 10 WP, Sirius 10WP, Meco 60 EC, ...

- Đối với thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm: Viricet 300 SC, Vibuta 32 ND, Nominee 10 SC, Ankilla 40 WP, Solito 320 EC, Pyanplus 6 EC, Targa super 5 EC, ...

Để phun thuốc trừ cỏ trên ruộng lúa cần chú ý:

- Chuẩn bị đất kỹ: ruộng cần phải bừa trục kỹ, mặt ruộng tương đối bằng phẳng để thuốc phân bố đều và tiếp xúc tốt với cỏ.

- Quản lý nước:

+ Rút cạn nước, đất phải đủ ẩm trước khi phun thuốc.

+ Sau khi phun thuốc 2 – 3 ngày, cho nước vào ruộng, đất cần được giữ ẩm tốt trong vòng 3 – 5 ngày sau khi phun, không để mặt bị khô, nứt nẻ. Nhằm đảm bảo cho thuốc có đủ thời gian tiêu diệt cỏ hữu hiệu.

- Phun càng sớm càng hiệu quả (đối với thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm).

- Phun đúng khuyến cáo trên nhãn của từng loại thuốc trừ cỏ.

- Không phun thuốc khi nhiệt độ ngoài trời dưới 20 0C.

3. Cách nhận biết cây lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ.

- Vào giai đoạn lúa mới sạ: Cây lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ thường có hiện tượng vàng lá, lùn cây, lâu hồi xanh, chậm đẻ nhánh làm ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, chất lượng lúa cuối vụ.

- Vào giai đoạn lúa đẻ nhánh: vào giai đoạn này dễ bị nhầm lẫn giữa cây lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ và bị muỗi hành gây hại.

Hiện tượng do ngộ độc thuốc trừ cỏ

Hiện tượng do muỗi hành gây hại

Đọt non có màu xanh vàng, lá lúa tròn se lại như lá hành.

Đọt non có màu đọt chuối, lá lúa tròn se lại như lá hành.

Bên trong đọt se lại: đặc

Bên trong đọt bị muỗi hành: rỗng

Một bụi lúa có từ 1 – 3 đọt non bị ngộ độc (khi bụi lúa bị ngộ độc nặng có thể bị ảnh hưởng hết các chồi).

Một bụi lúa chỉ có từ 1 – 2 đọt non bị muỗi hành gây hại (muỗi hành nặng có thể phá hết các chồi).

Lá bị hại vàng và khô lụi, không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đẻ nhánh của cây lúa.

Chồi chính bị ăn phá làm cây lúa nảy nhiều chồi phụ, cây lúa thường lùn, cứng, thân thẳng và nhiều nhánh.

* Đôi nét về muỗi hành:

Thành trùng muỗi hành thường đẻ trứng trên phiến lá gần mặt nước, ấu trùng nở ra nhỏ, không chân nhờ 1 loại tiết tố làm dính ướt thân, chúng có thể bò gần gốc lúa. Sâu non có thể sống trên mặt nước hoặc mặt bùn 6-8 ngày. Điều kiện khô hạn sâu non có thể chết ngay.

Sâu non lách qua các bẹ lá và chui dần vào bên trong, đục ăn phá đỉnh sinh trưởng. Sâu non tiết ra một loại tiết tố làm cho bẹ lá non phình to ra, đồng thời 2 mép lá dính lại tạo ra như cọng hành./.

Nhóm cỏ hòa bản

Nhóm cỏ lá rộng

Nhóm cỏ cói lác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 9,852,280
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây