|
1. Triệu chứng gây hại:
Rệp sáp sống tập trung ở rễ, gốc, chân lá và quả dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì lá, vỏ rễ, quả...để hút các chất dinh dưỡng trong dịch cây. Các vết châm của rệp làm cho mô cây bị thâm nâu, hạn chế quá trình vận chuyển chất trong cây. Các cây dứa bị rệp gây hại sinh trưởng phát triển yếu, cây còi cọc, lá chuyển màu xanh vàng có ánh đỏ, có thể bị héo. Quả bị rệp hại có nhiều vết bẩn trên quả, chất lượng suy giảm nhiều.
Rệp sáp hại dứa cũng là môi giới truyền bệnh héo vàng-đỏ (wilt) trên cây dứa, là nguyên nhân làm lây lan bệnh héo vàng-đỏ cây dứa (bệnh wilt) trên đồng ruộng.
2. Đặc điểm hình thái
Rệp sáp là những loại côn trùng chích hút gây hại cây dứa và một số thực vật khác, kích thước cơ thể nhỏ dài khoảng 2 – 4 mm, bề ngang khoảng 1,5 – 3 mm, sống tập trung thành bầy ở rễ gốc cây, gốc lá và quả để gây hại.
Trứng hình bầu dục nhỏ màu trắng trong, trứng được đẻ thành bọc, trong bọc các trứng xếp chồng lên nhau, phía ngoài bọc có lớp sáp bông trắng bao phủ. Rệp sáp hại dứa thường đẻ trứng ở phía chân các lá gìa, cổ rễ sát thân cây.
Rệp non lúc mới nở có màu xám, nhỏ bằng con mạt, sau lần lột xác thứ nhất chuyển sang màu hồng nhạt, chưa có sáp trắng bao phủ, hoạt động nhanh nhẹn. Sau nở khoảng 7 – 10 ngày gần đuôi hình thành hai tua sáp dài, sau đó các tua kác dần dần hình thành, trên cơ thể bắt đầu có sáp trắng bao phủ và từ đó chúng di chuyển chậm chạp và thường tìm các nơi kín đáo để sinh sống.
Rệp trưởng thành cơ thể hình bầu dục, trên toàn thân phủ lớp bột sáp trắng, thân hình mui rùa, trên lưng có nhiều vạch ngang chia cơ thể thành nhiều đốt, xung quanh rìa cơ thể có 18 đôi tua sáp màu trắng, 16 đôi trước có chiều dài tương tự nhau, đôi thứ 17 dài nhất, dài gần bằng 1/2 chiều dài cơ thể rệp, đôi thứ 18 mọc ở sát phần đuôi nhỏ và ngắn nhất.
3. Đặc điểm sinh học và sinh thái:
Rệp sáp có thể sinh sản theo kiểu đơn tính và lưỡng tính. Con đực có thêm giai đoạn tiền nhộng và nhộng.
Rệp cái đẻ trứng thành từng ổ, một con cái đẻ khoảng 300 – 400 trứng, tỷ lệ nở của trứng khá cao khoảng 80% trở lên. Rệp sáp đẻ trứng sớm, sau khi nở khoảng 20 – 25 ngày (tuổi 3) là rệp sáp bắt đầu đẻ trứng, từ khi bắt đầu đẻ đến lúc ngừng đẻ và chết là khoảng 20 – 30 ngày,
Rệp sáp hại dứa có 3 tuổi, vòng đời của rệp sáp hại dứa dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiệt độ và ẩm độ môi trường.
Rệp non sau khi nở bò đi tìm chổ thích hợp để định vị sinh sống, thường là ở gốc cây, cuống quả gần mặt đất, đôi khi có ở nõn và lá (rệp màu hồng), trên quả (rệp màu xám).
Trên vườn dứa rệp sáp luôn sống cộng sinh với kiến thuộc các loài Pheidole, Solenopsis và Camponotus; kiến sống bằng chất mật do rệp tiết ra, chăm sóc và vận chuyển rệp đi khắp nơi.
Rệp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô do rệp tập trung phá hại ở phía gốc cây và cuống quả, cây bị thiếu nước.
Vòng đời của rệp sáp hại dứa biến động trong khoảng 42 – 63 ngày, mỗi năm rệp có khoảng 5 – 6 lứa.
Rệp sáp hại dứa được xác định là môi giới truyền vi rút gây bệnh héo vàng - đỏ lá dứa (bệnh wilt) là bệnh vi rút. Kết quả thí nghiệm lây truyền bệnh trên giống dứa Cayene bằng rệp môi giới cho thấy với ngưỡng mật độ 10 rệp nhiễm bệnh trên một cây sẽ làm cho cây dứa bị nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh (từ khi thả rệp đến lúc cây bắt đầu có biểu hiện triệu chứng bệnh) là 3,5 – 4 tháng.
4. Thiên địch
Rệp cũng có nhiều loài thiên địch song hiệu quả thường bị hạn chế do có kiến cộng sinh.
5. Biện pháp phòng trừ tổng hợp:
Khi làm đất, cho tiêu huỷ hoặc thu dọn hết tàn dư cây dứa cũ và cỏ dại trên đồng ruộng. Tạo vành đai chống kiến xâm nhập từ ngoài vào vườn dứa.
Chồi giống dứa trước khi trồng phải xử lí bằng nước thuốc Basudin 50 EC hoặc Ofatox 400 EC pha nồng độ 0,1% + 0,4% dầu khoáng (nếu không có dầu khoáng có thể sử dụng dầu hoả) để loại trừ nguồn rệp ban đầu. Trồng dứa với mật độ hợp lí và luôn giữ cho vườn dứa sạch cỏ dại, thông thoáng.
Khi rệp sáp hại dứa đạt tới mật độ 7 – 10 con/cây cần phải tiến hành biện pháp diệt trừ bằng phun dầu khoáng, thuốc hoá học như Oncol 20 EC, Supracide 40 ND, Danitol 10 EC, Nurelle D 25/2.5EC, Cori 23 EC, Mospilan 3 EC, Elsan 50 EC, Applaud 25 SC, Dầu khoáng Citrole 96.3 EC.
Sau mỗi chu kỳ cây dứa, luân canh với các cây trồng khác từ 1-2 năm trước khi trồng dứa trở lại./.
|
|
||
Gây hại gốc dứa
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn