Sâu đục trái trên cây có múi

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

1. Đặc điểm hình thái và sinh học:

* Thành trùng

Thành trùng là một loại bướm. Bướm có màu từ nâu đậm đến xám nâu, trên cánh trước có những vệt màu đậm dọc theo gân cánh. Bướm nhỏ, có dạng hẹp và dài do cánh xếp dọc thân mình, dài khoảng 10 – 12 mm, khi đậu đầu hơi nhô cao và có 2 râu hơi cong từ trước đầu kéo dài hơn nửa thân mình. Bướm bắt đầu đẻ trứng sau khi vũ hoá 2 ngày, đẻ trứng trên mặt vỏ trái vào ban đêm. Bướm sống khoảng 6 – 7 ngày.

*Trứng

Trứng được đẻ rời rạc từng trứng hoặc từng ổ (4 - 8 trứng) trên vỏ trái. Trứng mới đẻ có màu trắng đục, lúc sắp nở có màu cam đỏ. Trứng có hình như vảy cá và hơi phồng lên. Kích thước trứng 1,25 x 1 mm. Thời gian ủ trứng khoảng 5 - 7 ngày.

Trứng thường được đẻ trên trái non, nhưng cũng đẻ trên trái già khi mật số bướm cao.

* Ấu trùng

Sâu mới nở có màu vàng cam, sâu càng lớn thì màu càng đậm hơn, sâu đẫy sức dài khoảng 19 - 22 mm, có màu đỏ nâu và chuyển sang màu nâu xanh trước khi hóa nhộng.

Sâu mới nở đục ngay vào vỏ trái (ở bên trong vỏ trái sâu 3 - 5 mm), ăn vỏ trái. Sau đó sâu lớn dần, đục sâu vào bên trong để ăn thịt trái. Đường đục của sâu vừa mở đường cho nấm bệnh vừa hấp dẫn ruồi đục trái đến gây hại khiến trái bị thối và rụng sớm. Giai đoạn sâu kéo dài khoảng 2 tuần. Sâu đẫy sức chui ra khỏi trái và rơi xuống đất để làm nhộng.

* Nhộng

Sau khi sâu đẫy sức rơi xuống đất, chúng nhả tơ kết dính các hạt đất tơi mịn và các mảnh vụn hữu cơ lại thành kén để bảo vệ chúng. Phần lớn nhộng được bảo vệ trong kén, chỉ một số ít (khoảng 4 - 6%) là nhộng trần. Nhộng màu nâu đậm, dài khoảng 12 - 14 mm. Thời gian làm nhộng khoảng 10 - 12 ngày.

Vòng đời của sâu đục trái kéo dài 35 – 40 ngày.

2. Triệu chứng gây hại:

Sâu đục trái có thể tấn công trên các loại trái cây có múi bao gồm: các loại bưởi, cam sành và chanh.

Sâu non có thể tấn công trên trái từ 1 đến 1,4 tháng tuổi đến khi trái sắp
thu hoạch. Thường thì trên cùng một trái có 1 hay nhiều hang do chúng đục khoét khác nhau và mỗi hang chỉ có một sâu non cư ngụ và gây hại. Trong lúc đào hang chúng thải ra ngoài miệng hang các chất cạp từ vỏ trái và thải phân của chúng nên rất dễ phát hiện. Các chất thải ra dính ở bên miệng hang kết dính lại nhau có tính dẻo hay hơi nhão tùy thuộc vào tuổi của trái hay loại trái cây có múi khác nhau. Khi trái bị tấn công thì sau một thời gian bị rụng, nếu vườn có tỷ lệ trái bị tấn công nhiều (> 20%) thì sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng rất lớn.

3. Biện pháp phòng trừ:

Để hạn chế kịp thời tác hại của sâu đục trái trên cây có múi, tránh lây lan trên diện rộng cần áp dụng một số biện pháp phòng trừ như sau:

* Biện pháp hóa học diệt sâu non

Cần quan sát và xác định được thời điểm bướm xuất hiện; 7 – 10 ngày sau khi bướm xuất hiện rộ, tiến hành kiểm tra kỹ trên trái nếu phát hiện có dấu hiệu sâu non mới bắt đầu đục (qua dấu hiệu chất thải ra bên ngoài) thì đó là thời điểm phun thuốc hiệu quả nhất.

Sử dụng riêng lẻ (không phối trộn) và luân phiên một trong các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp và dầu khoáng như Cypermethrin, Deltamethrin;
có thể phối hợp thuốc nhóm cúc tổng hợp với dầu khoáng để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu.

Trước khi phun thuốc, nên thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, sau đó đem tiêu hủy bằng cách đào hố chôn hoặc cho vào bao nylon buộc kín lại để diệt sâu còn ở bên trong trái.

* Biện pháp canh tác

Cắt tỉa nhánh sau thu hoạch để vườn thông thoáng, kết hợp với việc bón phân bồi sình để vừa diệt nhộng vừa kích thích cho ra chồi, ra hoa đồng loạt. Từ đó, có điều kiện để bảo vệ chồi non, hoa, trái tốt hơn, tránh sự tấn công của dịch hại nói chung, sâu đục trái nói riêng.

Bao trái: khoảng 1 tháng sau khi đậu trái tiến hành bao trái bằng loại bao thích hợp.

* Bảo vệ thiên địch

Kiến vàng được xem là thiên địch của nhiều loài sâu hại trên cây có múi, loài kiến này sẽ ăn trứng, sâu và tấn công bướm. Do vậy, cần tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển trong vườn cây có múi, có biện pháp bảo vệ kiến khi phun thuốc trừ sâu.

Nguyên tắc trong phòng trừ côn trùng có hại nói chung, sâu đục trái nói riêng là phải áp dụng biện pháp tổng hợp; phòng trừ mang tính đồng loạt trong từng khu vực để hạn chế sự tái nhiễm, hay bộc phát các dịch hại thứ yếu.

Một số hình ảnh về sâu đục trái có múi

Hình 1: Triệu chứng gây hại trên bưởi

Hình 2: Thành trùng sâu đục trái

Hình 3: Sâu non mới nở

Hình 4: Sâu đẫy sức

Hình 5: Kén và nhộng sâu đục trái

      Phòng Kỹ thuật tổng hợp
 (Hình ảnh từ Hồ Văn Chiến – TT BVTVPN và từ Internet)

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,225,156
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây