Sử dụng hệ thống bẫy đèn để dự báo rầy nâu gây hại trên lúa

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Rầy nâu (RN) là đối tượng nguy hiểm gây hại lúa và là môi giới truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá(VL – LXL) làm cho cây còi cọc, khó phát triển và có khả năng làm giảm năng suất. Rầy nâu chích hút cây lúa bị bệnh và mang virus đó trong cơ thể, khi chích hút cây lúa khỏe sẽ truyền bệnh làm cây lúa bị nhiễm bệnh. Hiện nay, trên thực tế chưa có loại thuốc nào trừ được virus hại lúa. Ở ĐBSCL, có nhiều trận dịch rầy nâu tàn phá cả trà lúa khổng lồ, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Hệ thống bẫy đèn (dựa vào đặc tính hướng sáng của RN) có tác dụng dự báo rầy nâu để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ hữu hiệu đối với dịch hại nguy hiểm này.

1. Tác dụng của bẫy đèn

Bẫy đèn là một dụng cụ khá đơn giản dùng để thu hút, diệt trưởng thành của rầy nâu và một số loại sâu hại khác dựa vào đặc tính sinh học (tính hướng sáng) của một số loài côn trùng. Nhưng mục đích chính là thống kê, theo dõi số lượng rầy vào bẫy đèn mỗi ngày để từ đó dự báo được tình hình phát sinh phát triển của các lứa rầy trên đồng ruộngchúng trong các đợt sinh trưởng tiếp theo. Trên cơ sở đó, sẽ xác định lịch thời vụ cho các địa phương xuống giống và có biện pháp phòng trừ sinh vật hại thích hợp.

Trong thời điểm rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại cho cây lúa thì vai trò của bẫy đèn để theo dõi sự di trú của rầy nâu từ nơi này đến nơi khác là hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi vì nếu xuống giống được ngay sau lứa rầy nâu trưởng thành di chuyển thì ruộng lúa sẽ có cơ hội an toàn ít nhất trong vòng 20 ngày đầu (đây là giai đoạn cây lúa mẫn cảm và bị thiệt hại nặng nề nếu bị nhiễm virus VL-LXL) thì sẽ hạn chế được thiệt hại xảy ra.

Dựa vào 2 đặc tính:

- Cây lúa dễ bị bệnh VL-LXL gây hại nặng khi bị rầy nâu mang mầm bệnh tấn công vào giai đoạn lúa còn nhỏ dưới 30 ngày tuổi, lúa sau 30 ngày nếu bị rầy mang mầm bệnh tấn công sẽ bị thiệt hại nhẹ hơn.

- Đặc tính di cư của rầy nâu theo từng đợt cách nhau khoảng 28 – 30 ngày sẽ được dự báo bằng bẫy đèn.

Trên cơ sở đó, phương pháp gieo sạ “né” rầy (GSNR) được khuyến cáo thực hiện rộng rãi và có hiệu quả phòng trừ RN, VL-LXL cao. GSNR là biện pháp theo dõi lượng rầy vào đèn để xác định thời điểm rầy di trú rộ, từ đó xác định thời gian sạ cấy và gieo mạ. Bà con có thể căn cứ vào con nước và lịch dự báo gieo sạ của các cơ quan chuyên ngành BVTV, đồng thời phối hợp với điều tra lượng rầy vào đèn tại chỗ để xác định thời gian gieo mạ. Sau thời điểm rầy di trú rộ từ 3 – 5 ngày thì tiến hành gieo, cấy ngay.

Đồng thời với việc theo dõi được số lượng rầy trưởng thành vào đèn để khuyến cáo lịch GSNR thì việc theo dõi rầy vào bẫy đèn còn có thể dự báo được thời điểm rầy phát sinh lứa mới trên đồng ruộng. Khi rầy nâu vào đèn tập trung thì khoảng 10 ngày sau sẽ có rầy cám (rầy tuổi 2 – tuổi 3) trên đồng ruộng, đây là thời điểm được khuyến cáo phun thuốc trừ rầy nâu hiệu quả nhất (nếu mật số rầy nâu tăng cao >2 – 3 con/tép hay 3000 con/m2).

Ngoài việc dự báo tình hình phát sinh và phát triển của rầy nâu thì bẫy đèn cũng có thể dự báo các loài sâu hại khác như sâu cuốn lá nhỏ, sâu phao, sâu đục thân, … đây là những loài cũng có đặc điểm sinh học về việc bị thu hút bởi ánh sáng tương tự như với rầy nâu.

2. Cấu trúc của bẫy đèn

Bẫy đèn được cấu tạo khá đơn giản, gồm một trụ đèn bằng sắt hoặc bằng cây, dài khoảng 3 mét. Trên thanh sắt này hàn một cái giá treo gồm từ 2 đến 3 thanh sắt chữ V để gắn 4 đèn ống 0,6m và 04 tấm kính đặt xung quanh, có 01 nón chụp phía trên để che mưa và 01 cái phểu phía dưới để hứng côn trùng. Dưới phễu, hứng bằng một bao nilon (hay một khay) để chứa côn trùng. Bên trong bao nylon hoặc cái khay này để một ít dầu nhờn hoặc một ít thuốc trừ sâu để khi côn trùng rơi vào sẽ dính thuốc và chết. Tổng chi phí cho một bẫy đèn khoảng 2 triệu đồng, có thể dự báo cho một cánh đồng vài ngàn hecta.

3. Hệ thống bẫy đèn tại TP Hồ Chí Minh

Số lượng bẫy đèn được lắp đặt tại mỗi địa phương sẽ thay đổi khác nhau tùy theo tình hình sản xuất của mỗi khu vực nhưng tốt nhất là mỗi cánh đồng nên đặt 1 bẫy đèn để theo dõi. Bẫy đèn được mở điện từ 18 giờ - 21 giờ mỗi ngày do hệ thống nhân viên bảo vệ thực vật của Chi cục thực hiện. Bởi vì, trên mỗi vùng sản xuất của từng địa phương, thường có sự khác nhau về lứa rầy hoặc đặc thù mùa vụ xuống giống sớm hoặc muộn mà sự phát sinh và phát triển của côn trùng gây hại sẽ khác nhau. Để việc dự báo được chính xác thì các bẫy đèn không nên đặt tập trung mà nên phân ra ở mỗi xã hoặc liên kết của nhiều xã có lịch xuống giống gần trùng khớp với nhauvừa đạt hiệu quả cao vừa tiết kiệm chi phí.

Hệ thống bẫy đèn do Trạm Bảo vệ thực vật quận, huyện quản lý để dự báo chính xác các đợt rầy di trú, làm cơ sở khuyến cáo nông dân thời điểm GSNR cũng như các biện pháp phòng trừ rầy nâu phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, bố trí đủ cán bộ ở cấp xã thực hiện việc thăm đồng, giám sát dịch bệnh thường xuyên để thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh.

Việc theo dõi RN như trên là cơ sở khoa học để cơ quan chuyên ngành đưa ra các biện pháp phòng trừ RN, VL-LXL phù hợp để khuyến cáo cho bà con nông dân thực hiện. Điển hình là khuyến cáo lịch GSNR, cảnh báo tình hình dịch hại có thể xảy ra trong từng mùa vụ. Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 15 bẫy đèn trên địa bàn các quận, huyện có sản xuất lúa tập trung ở các cánh đồng của huyện Bình Chánh (3 cái), huyện Củ Chi (6 cái), huyện Hóc Môn (2 cái) và huyện Nhà Bè – Cần Giờ (4 cái).

Với hệ thống bẫy đèn hiện có, kết hợp với việc bà con nông dân chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành, từ đó có biện pháp phòng trị sinh vật hại lúa đạt hiệu quả, chi phí thấp và tạo môi trường sinh thái bền vững./ In đậm.

Bẫy đèn tại xã Tân Thông Hội,
huyện Củ Chi

 

 

Nhân viên Bảo vệ thực vật đếm số lượng rầy nâu đặt tại nhà anh Trần Văn Hai, xã Thái Mỹ,
huyện Củ Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,133,655
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây