Thực vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Khái niệm về thực vật ngoại lai

Theo từ điển tiếng Việt (1997), thực vật ngoại lai là loài thực vật từ bên ngoài vào nước ta. Như vậy nếu chỉ dừng ở từ ngoại lai thì có thể hiểu hai mặt tích cực và tiêu cực của nó.

- Xét về mặt tích cực, đó là loài cây trồng, những giống cây trồng đã được nghiên cứu hoặc đang nghiên cứu những đặc tính có lợi được đưa vào nội địa với nục đích nghiên cứu, làm đa dạng nguồn gen, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái bản địa. Gọi đơn giản là cây trồng hoặc giống cây trồng mới.

- Xét về mặt tiêu cực, đó là loài cây trồng chưa được nghiên cứu (cây trồng lạ) được du nhập vào nội địa bằng nhiều hình thức không được phép của cơ quan quản lý nhà nước (nhập lậu) chưa từng có mặt hoặc chưa từng ghi nhận hay công bố ở trong nước.

Theo Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất năm 1992 tại Rio de Janeiro (Việt Nam tham gia theo quyết định 279/ QĐ-CTN của Chủ tịch nước ngày 17 tháng 10 năm 1994 về việc phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học) thì sinh vật ngoại lại được định nghĩa như sau:

- Sinh vật ngoại lai (Ailen species) là một loài, phân loài hoặc taxon phân loại thấp hơn, kể cả một bộ phận cơ thể bất kỳ (giao tử, trứng, chồi mầm) có khả năng xuất hiện sống sót và sinh sản, bên ngoài vùng phân bố tự nhiên (trước đây hoặc hiện nay) và phạm vi phát tán tự nhiên của chúng.

- Sinh vật ngoại lai xâm lấn (Invasive Ailen species) là một loài sinh vật lạ đã thích nghi, phát triển, tăng nhanh số lượng cá thể trong hệ sinh thái hoặc nơi sống mới và là nguyên nhân gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, đe dọa đến đa dạng sinh học bản địa.

Đến cuối năm 2008 thuật ngữ sinh vật ngoại lai xâm hại mới được cụ thể hóa trong văn bản luật của nước ta.

Bộ luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XII và chính thức có hiệu lực kể từ 01/07/2009. Theo đó tại khoản 19, điều 3, chương 1 định nghĩa:

- Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

Tình hình thực vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam

cây mai dương
Cây Mai dương ( Mimosa pigra ) có nguồn gốc nhiệt đới châu Mỹ và được ghi nhận đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1979 tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An (Trần Triết và cộng sự, 2004) nhưng đến nay đã xuất hiện khắp cả nước. Loài này gây hại rất mạnh tại các vùng sông nước của Việt Nam đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Cát Tiên (Lâm Đồng) và lòng hồ Trị An… Do đặc tính phân tán hạt mạnh trong môi trường nước đặc biệt sau các cơn lũ và theo các con sông trôi từ thượng nguồn xuống hạ nguồn nên cây phân bố rất nhiều dọc hai bờ sông.

Cây bông ổi
Cây bông ổi ( Lantana camara) còn có tên gọi khác là thơm ổi, ngũ sắc hoặc cứt lợn hoa đỏ có nguồn gốc từ Trung Mỹ và được đưa vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX với mục đích làm cảnh và hiện đang được trồng khắp nơi trong cả nước (IUCN, 2003). Mặc dù cây bông ổi chưa gây tác hại đối với sản xuất nông nghiệp tuy nhiên loài cây này mọc thành bụi lớn dễ gây cháy và tái sinh mạnh sau khi cháy nên chúng là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

cây cỏ lào
Cây cỏ lào ( Chromolaena odorata hoặc Eupatorium odoratum) còn có tên gọi khác là cỏ hôi, cỏ cộng sản, cây cứt lợn hay yên bạch. Loài này du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng bắt đầu được mọi người chú ý từ những năm đầu của thế kỷ XX. Loài cỏ này ban đầu mọc rất mạnh ở miền trung Việt Nam nhưng cho đến hiện nay hầu như tỉnh nào cũng có. Đây là một loài cây thân cỏ thuộc họ cúc Asteraceae có nguồn gốc ở quần đảo Antilles (Lương Ngọc Toản, Võ Văn Chi - 1978). Loài này có sức sống mạnh đặc biệt trên các vùng đất không bị ngập úng, khả năng phát tán dễ dàng nhờ gió.

bèo Nhật bản
Bèo Nhật bản ( Eichhornia crassipes) còn có tên gọi khác là bèo tây, lục bình có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ được du nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam từ năm 1902 với mục đích làm cây cảnh. Trong điều kiện thuận lợi loài này có thể phát triển gấp đôi diện tích khoảng mười ngày và hiện đã phát triển phân bố rộng khắp các thủy vực nước ở Việt Nam. Lục bình che phủ mặt nước, thối mục làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước dẫn đến làm chết cá và các loài thủy sinh khác. Cũng như các loài sinh vật xâm hại khác, loài này gây ra những hậu quả xấu đối với nền kinh tế. Chúng không chỉ cản trở hoạt động giao thông đường thủy mà còn làm chậm dòng chảy khả năng phát điện, sức tưới tiêu và làm tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa.

Ngoài ra còn có một số loại cây kiểng mới lạ được nhập vào nước ta và được rao bán ở khắp các cơ sở kinh doanh hoa - cây cảnh bonsai như các loại cây ăn thịt gồm: cây nắp ấm (Pitcher plants), Cây loa kèn vàng (the yellow trumpet), cây bắt ruồi (venus flytrap), cây gọng vó (sundew) và một số loại cây ăn thịt lớn khác có nguồn gốc từ Indonesia như cây Nepenthes và cây Amorphophallus titanum. Những loài cây này có hình dáng lạ, màu sắc bắt mắt và một số người cho rằng loài cây này là cây phong thủy trồng rất tốt nên hiện nay đang được rất nhiều người tìm mua. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể về tác hại cũng như mức độ ảnh hưởng của những loài cây này đến quần thể cây trồng bản địa cũng như sức khỏe của con người.

Một số loại cây bắt ruồi kiểng phổ biến bán tại Tp. HCM
A: Cây nắp ấm; B: cây loa kèn vàng; C: Cây bắt ruồi; D: cây gọng vó

Quản lý sinh vật ngoại lai xâm lấn ở Việt Nam     

Để khắc phục tình trạng nhập khẩu ồ ạt các đối tượng mới vào nước ta hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu các cơ quan có liên quan rà soát lại các văn bản về xuất nhập khẩu và quản lý loài ngoại lai xâm hại; đề xuất danh mục loài ngoại lai xâm hại, gồm tên thông thường, tên tiếng Anh, tên khoa học, hình thái, tập tính sinh học cũng như nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường của Việt Nam.

Để khắc phục những yếu kém về quản lý đối tượng này, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) mới đây đã đưa ra "Đề án ngăn ngừa và kiểm soát các SVNL xâm lấn ở VN từ nay đến năm 2020". Theo đó, Cục sẽ điều tra và lập danh mục các loài SVNL xâm lấn nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào VN cũng như các loài sinh vật bản địa bị tác động do SVNL xâm lấn; xác định mức độ bị tác động và triển khai áp dụng các biện pháp hồi phục; đồng thời, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tổng hợp để kiểm soát, quản lý và diệt trừ các SVNL xâm lấn hiện đang tồn tại; tăng cường áp dụng các giải pháp diệt trừ, đến năm 2020 phấn đấu diệt trừ 50% loài SVNL xâm lấn nguy hiểm hiện có ở VN.

Hiện nay nước ta đã công bố tài liệu cơ bản về 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới để giúp cho chúng ta có cái nhìn khái quát hơn về các đối tượng nguy hại trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý, không phải bất cứ loài sinh vật ngoại lai nào cũng gây hại hoặc chỉ gây hại. Nhiều loài nếu được quản lý và kiểm soát tốt sẽ có giá trị về mặt kinh tế hoặc làm cảnh. Ví dụ như một số loại tảo có khả năng hấp thu các kim loại nặng hay các hợp chất chất hữu cơ nên có thể được sử dụng để xử lý nguồn nước bẩn hay các vùng ô nhiễm./.



Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,226,420
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây