Tình hình ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

I. TÌNH HÌNH:

1. Cây rau muống nước (RMN):

a) Hiện trạng:

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10/2002/CT-UB, ngày 15 tháng 05 năm 2002 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về “Tăng cường các biện pháp để khắc phục ngộ độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện trên RMN”, đến nay, đã đạt được một số kết quả tốt: không phát hiện mẫu vượt dư lượng thuốc BVTV trên vùng sản xuất RMN, không còn những ca ngộ độc do ăn RMN có dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, diện tích canh tác RMN an toàn đã đạt 158,80 ha, được quy hoạch thành vùng chuyên canh Bình Mỹ (Củ Chi), Nhị Bình (Hóc Môn). DT đủ điều kiện sản xuất rau muống an toàn đạt 186,00 ha ở rải rác các huyện khác.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hơn 100 ha RMN được trồng ở những vùng đất có nguy cơ bị ô nhiễm, tập trung tại quận 12, quận Gò Vấp, quận 9, quận 8, quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức.

b) Yếu tố gây ô nhiễm:

Kết quả điều tra, phân tích, đánh giá chất lượng đất, nước tại vùng có nguy cơ ô nhiễm trồng RMN trên địa bàn thành phố cho thấy:

- Đất trồng rau đều có hiện diện Arsen (As), Cadimi (Cd) và chì (Pb). Hàm lượng các kim loại này ở mức dưới ngưỡng cho phép.

- Nước tưới rau đều có hiện diện Thủy ngân (Hg), As, Cd, Pb và chỉ có Pb là có hàm lượng vượt ngưỡng cho phép (Phường Thới An), các kim loại kim loại nặng còn lại đều dưới ngưỡng cho phép.

- Tất cả các nguồn nước đều có hiện diện Fecal coliform.

- Không có dư lượng thuốc BVTV trên các mẫu thử. Việc sử dụng dầu nhớt phun xịt thuốc đã giảm hẳn nên không tạo nguy cơ ô nhiễm chì cho môi trường và trên rau.

Nguyên nhân gây ô nhiễm là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải khu dân cư và khu công nghiệp đổ vào kênh Tham Lương.

Như vậy chỉ có phường Phước Long B và phường Tăng Nhơn Phú A đủ điều kiện sản xuất RAT. Các phường còn lại không thể tiếp tục duy trì việc trồng rau nếu chưa có biện pháp khắc nguồn nước tưới, rửa rau.

Rau muống được trồng từ nguồn nước ô nhiễm tại Hóc Môn
 

2. Vùng xung quanh khu công nghiệp Lê Minh Xuân

a) Hiện trạng:

Khu công nghiệp Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh tập trung các Doanh nghiệp hành nghề gây ô nhiễm cao như dệt nhuộm, xử lý môi trường và sang chai đóng gói thuốc BVTV, nguồn nước ô nhiễm nặng tại kênh 6 và kênh 8 (dọc theo đường 11) trước khi thải ra kênh B đã ảnh hưởng mạnh làm cây bị mất màu xanh của lá.

b) Yếu tố gây ô nhiễm:

Đến nay các nhà khoa học chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng trắng lá. Theo kết quả các mẫu phân tích cho thấy hàm lượng chất hữu cơ khó phân hủy còn rất cao. Hiện tượng trắng lá cây hiện nay tại khu vực này vẫn tái diễn chứng tỏ ô nhiễm không khí và nguồn nước vẫn còn nguy cơ kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Cây bị bạc lá tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân
Nguyên nhân do Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mặc dù có hệ thống tập trung xử lý nước thải được đấu nối với các Doanh nghiệp, tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra còn 19 doanh nghiệp chưa hoàn tất đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung (có thể do một số doanh nghiệp cố tình cố tình xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thóat nước mưa khu công nghiệp). Môi trường chỉ được cải thiện khi khu vực khu công nghiệp được quản lý chặt chẻ việc xử lý chất thải và xử phạt nghiêm những vi phạm về môi trường.

3) Vùng cây ăn trái (CAT) ven sông Sài Gòn

a) Hiện trạng vườn CAT ven sông Sài Gòn

Nhìn chung, các vườn CAT ven sông Sài Gòn là vườn tạp, gồm các loại cây chính như xoài, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm.

Vườn CAT ven sông Sài Gòn ở Củ Chi, Q. Thủ Đức, Q2 vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên tại huyện Hóc Môn và quận 12 có một số vườn CAT sinh trưởng phát triển kém, một số vườn có cây bị chết. Vườn CAT ở quận 12 bị chết nhiều hơn. Các loại CAT bị chết là mít, sầu riêng, măng cụt, dâu ( đính kèm bảng kết quả điều tra)

Triệu chứng cây bị chết: ban đầu cây sinh trưởng phát triển kém, ít ra hoa đậu quả, lá nhỏ, biến vàng sau khô đọt, khô cành, chết cả cây. Hiện tượng này đã có từ mùa mưa 2003 kéo dài đến nay chưa khắc phục được.

b) Các yếu tố gây ô nhiễm

Kết quả kiểm tra tình hình sinh trưởng vườn CAT vùng ven sông Sài Gòn: nước bị ô nhiễm, đen, bị phèn nhất là mùa khô như ở khu vực Rạch Tra xã Đông Thạnh và 1 phần ấp 1 xã Nhị Bình. Hoặc ở Phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân.

Nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm từ kênh Tham Lương. Đồng thời do trồng cây ăn trái có lợi nhuận thấp nên nông dân ít đầu tư chăm sóc, ít phân bón, không khai thông cống rảnh và phòng trừ sinh vật hại (SVH) nên tiểu môi trường càng xấu đi.

4. Ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường sinh thái

a) Hiện trạng

- Trên đồng ruộng chưa phát hiện các hóa chất 2,4 – D, 2,4,5 T trong nguồn nước một số vùng chuyên canh rau (Nhuận Đức,….). và cũng chưa có tình trạng thuốc BVTV nhiễm độc nước bề mặt, nước ngầm và nước sông.

- Kết quả điều tra có > 70,8% nông dân không để vỏ chai bao bì sau sử dụng trên đồng ruộng.

b) Kết quả thực hiện công tác kiểm tra sử dụng thuốc và kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong rau quả.

Công tác kiểm tra sử dụng thuốc

- Thanh tra chuyên ngành Chi cục BVTV đã phối hợp với các ban ngành địa phương kiểm tra và hướng dẫn nông dân đang phun xịt thuốc BVTV theo 4 đúng tại các vùng sản xuất, đặc biệt vùng RMN.

- Kết quả qua 4 năm liên tục (2005-2008) chỉ phát hiện 8 hộ nông dân vi phạm về sử dụng thuốc BVTV, trong đó đã chuyển hồ sơ và đề nghị UBND xã xử lý vi phạm hành chánh với mức phạt 200.000 - 350.000đồng/ hộ như sau:

Chi cục BVTV lấy mẫu rau kiểm tra nhanh dư lượng thuốc trừ sâu (TTS) tại vùng sản xuất, kết quả đã cho thấy tỷ lệ mẫu có dư lượng TTS vượt mức cho phép giảm dần theo năm, từ 8,25% (2002) xuống còn 0% (6 tháng đầu năm 2008) như sau:

Kết quả trên cho thấy ô nhiễm môi trường, ô nhiễm sản phẩm do thuốc BVTV đã làm giảm mối lo của các cấp chính quyền, bởi kết quả thực hiện phối hợp giữa chính quyền địa phương và Chi cục BVTV trong thời gian qua đã phát huy tốt hiệu quả xã hội trong kiểm tra sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng.

II. ĐỊNH HƯỚNG

1. Vùng trồng RMN

- Ban quản lý các dự án đô thị hóa nhanh chóng thực hiện các dự án được duyệt để xóa bỏ các vùng quy hoạch treo, được tạm khai thác bằng sản xuất rau muống nước ô nhiễm.

- Trong khi chờ thực hiện các dự án, đề nghị: những vùng có nguồn nước tưới có hàm lượng Fecal coliform vượt ngưỡng cho phép, cần có biện pháp khắc phục nguồn nước ngăn chặn nguồn nước đen, sử dụng nước giếng khoan để đảm bảo cho rau được an toàn. Đặc biệt, cần tiến hành nhanh chóng tại phường Thới An, là nơi có mẫu nước nhiễm chì vượt mức cho phép.

- Tư vấn nông dân chuyển đổi cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (không phải là cây lương thực) phù hợp với nguồn nước ô nhiễm và chờ thực hiện dự án.

- Hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV theo đúng quy định và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng thuốc BVTV bừa bãi.

2. Vùng xung quanh khu công nghiệp Lê Minh Xuân Ban quản lý Khu công nghiệp Lê Minh Xuân:

- Kiểm tra thường xuyên hệ thống thoát nước mưa và xử lý chất thải tại các doanh nghiệp sản xuất ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

- Phối hợp cơ quan thanh tra chuyên ngành kiểm tra xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm môi trường.

- Nạo vét lòng kênh nước thải dọc theo đường 11.

3. Vùng trồng CAT ven sông Sài Gòn

- Đề nghị Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn tại khu vực Hóc Môn, Quận 12 vào những thời kỳ khác nhau trong năm. - Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các Viện, Trường nghiên cứu xác định nguyên nhân hiện tượng CAT chết dần và xây dựng chương trình nghiên cứu cải tạo vườn CAT vùng ven sông Sài Gòn.

4. Sử dụng thuốc BVTV sử dụng thuốc

Chi cục BVTV thường xuyên phối hợp địa phương tăng cường kiểm tra hướng dẫn sử dụng thuốc 4 đúng, xử lý bao bì đúng nơi quy định. Chuyển chính quyền địa phương xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm sử dụng thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 10,452,182
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây