'Tổng lực' phòng, chống dịch khảm lá sắn

Thứ ba - 05/11/2019 03:06

Mất kiểm soát khâu giống

Theo Cục BVTV, tính đến tháng 10/2018, đã ghi nhận bệnh khảm lá sắn xuất hiện, gây hại tại các vùng trồng sắn của 12 tỉnh trồng hơn 224 ngàn ha với mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất là tỉnh Tây Ninh với 100% diện tích sắn 36 ngàn ha bị nhiễm. Thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan rất nhanh ra khắp cả nước. Trong đó, diện tích 250 ngàn ha sắn ở miền Bắc rất cần được bảo vệ an toàn hơn bao giờ hết, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan.

 


 

Nông dân tích cực kiểm tra bệnh khảm lá sắn trên đồng ruộng

Ngày 29/10, PV NNVN cùng đoàn công tác của ông Lê Quốc Cường (GĐ Trung tâm BVTV phía Nam) đến huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh trong thời điểm đang thu hoạch sắn, mặc dù bệnh khảm lá đang gây hại toàn bộ diện tích trồng tại đây, tuy nhiên đoàn vẫn chứng kiến cảnh tượng nông dân địa phương đem phơi hàng ngàn cây sắn làm giống nằm ven trên con đường tỉnh lộ với số lượng ước tính hàng trăm tấn hom. “Đây là vùng trồng sắn đã bị nhiễm bệnh, nếu người dân còn lưu lại làm giống tức đã lưu lại mầm bệnh, chính chúng ta đã mất kiểm soát khâu quản lý giống ngay từ đây..”, ông Cường cảnh báo.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, các giống sắn đang được nông dân địa phương trồng phổ biến như KM 419, KM 140, MO 101, HLS 11 đều bị nhiễm bệnh khảm lá nặng. Ngay cả giống KM94 được cho là kháng tốt, nay cũng mẫn cảm với bệnh.

Ngay từ đầu vụ ĐX 2017-2018 đến nay, các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua củ tươi với giá cao (từ 2.700-3.500 đồng/kg với hàm lượng tinh bột 30%) đã kích thích nông dân xuống giống mà không tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng (phó Chi Cục TT-BVTV Tây Ninh), một phần do nôn nóng khi thấy giá mì tăng, nhiều người tiếp tục xuống giống ngay trên đất đã bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc trồng các giống mì không rõ nguồn gốc, không có khả năng kháng bệnh cũng là nguyên nhân khiến cây bị nhiễm bệnh ở giai đoạn sớm, từ 15-60 ngày sau khi trồng. “Có ruộng nhiễm toàn bộ 100% diện tích và diện tích nhiễm ngày càng tăng nhanh, trong khi đa số người dân vẫn chưa chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn. Chính chi phí sản xuất trung bình từ 20-25 triệu đồng/ha đã làm  nhiều nông dân tiếc của, không thực hiện tiêu hủy cây bệnh hoặc có thực hiện nhưng không triệt để.

Ông Huỳnh Thành Vinh (GĐ Sở NN tỉnh Đồng Nai) cho biết, diện tích tích trồng sắn của tỉnh gần 11 ngàn ha, từ tháng 6 chỉ phát hiện có 6,3 ha bị nhiễm, nay chỉ sau 4 tháng đã lên đến 320 ha. “Đáng lo ngại nhất là bệnh này xuất hiện vào giai đoạn muộn lúc cây sắn chuẩn bị thu hoạch, tuy giảm năng suất nhưng lại dẫn đến tâm lý người nông dân chủ quan, không áp dụng ngay từ đầu biện pháp phòng trừ”, ông Vinh chia sẻ.  

Các địa phương cần liên kết

Tỉnh Gia Lai có diện tích trồng sắn cao gấp 6 lần Đồng Nai với 68 ngàn ha, cao hơn cả Tây Ninh, nhưng may mắn hiện mới phát hiện có 136 ha, trong đó nặng nhất là 63 ha phải tiêu hủy. “Do là vùng có diện tích trồng sắn lớn, nhằm tránh lây lan, chúng tôi cương quyết tiêu hủy diện tích bị bệnh nặng, mặc dù hầu hết hầu hết diện tích chuẩn bị thu hoạch. Về kinh phí hỗ trợ cho tiêu hủy thì chúng tôi huy động từ nhiều nguồn, trong đó có cả nhà mến sắn đó ng góp, còn nếu sử dụng kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/ha theo qui định thì không thấp tháp vào đâu cả..”, ông Đoàn Ngọc Có (GĐ Sở NN tỉnh Gia Lai) cho hay.

Thế nên, ngày 30/10 tại Tây Ninh đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch bệnh (BCĐ) vừa được thành lập ngày 22/10 do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban.

 


 

Quang cảnh buổi họp

Thứ trưởng Doanh cho biết, tỉnh Tây Ninh vào tháng 5 năm ngoái chỉ xuất hiện ở một vài địa phương, nhưng đến bây giờ thì toàn bộ diện tích trồng sắn ở đây đều nhiễm cả. Chính vì thế, quan điểm của BCĐ là phải thống nhất giữa Bộ NN và cácđịa phương về quan điểm chỉ đạo, biện pháp giải pháp thực hiện. Trước mắt, tất cả các địa phương từ tỉnh, huyện đến xã đều phải thành lập BCĐ, không thể chủ quan, cần phải tuyên truyền nhận thức cho bà con nông dân thấy được tác hại của bệnh khảm lá cũng như kiến thức và kinh nghiệm phòng trừ hiệu quả, trong đó quan trọng hiện nay là quản lý và sử dụng nguồn giống. Tuyệt đối không sử dụng hom giống sắn ở nơi bị bệnh để đưa ra trồng nơi khác; thực hiện đúng qui trình phòng chống dịch bệnh đã được Cục BVTV ban hành bao gồm việc xử lý hom giống, dùng loại thuốc gì phòng trừ..

Trong canh tác, phải thấy rằng khi bà con thấy giá sắn lên cao nên bón quá nhiều phân bón hóa học, trong đó có các loại phân vô cơ, nhất là phân đơn nhằm gia tăng năng suất. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp gây rễ sắn yếu, làm bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, cần khuyến cáo người dân canh tác sản xuất bền vững, hạn chế dùng phân vô cơ mà tăng cường phân bón hữu cơ.

Về lâu dài, Bộ NN sẽ cùng với địa phương và đối tác quốc tế để cùng hợp tác nghiên cứu chọn ra giống kháng bệnh, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện qui trình canh tác tổng hợp để làm sao chi phí sản xuất giảm nhưng đồng thời cây sắn phải khỏe mạnh. Đây chính là yếu tố hạn chế nhiễm bệnh. Ngoài ra còn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện qui trình phòng trừ hiệu quả với chi phí thấp nhất. Vừa qua, Bộ đã giao cho TTKN Quốc Gia phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi hội thảo khoa học về diễn đàn khuyến nông @ có sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn nông dân để cùng chia sẻ kinh nghiệm kiến thức hiểu biết về bệnh khảm lá, đồng thời giao TTKN Quốc gia cùng các cơ quan chức năng của Bộ biên tập phát hành những tờ rơi về qui trình hướng dẫn dễ hiểu nhất cho nông dân tiếp cận.

Bộ đã chỉ đạo là phải hình thành cho được vùng sạch bệnh, vùng nhân giống sạch bệnh. Để làm được việc này thì các cơ quan nghiên cứu phải lấy được giống gốc, sạch bệnh ở nơi khác để đưa về vùng cách ly ở Tây Ninh nhân giống và được bảo vệ nghiêm ngặt tối đa. Sau đó sẽ chuyển giao cho nông dân, thay vì dùng hom giống ở nơi đã bị bệnh. Đây là giải pháp căn cơ sẽ được tập trung áp dụng ngay từ cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm 2019.

“Quan trọng nhất là liên kết giữa các tỉnh về công tác quản lý giống, dứt khoát từ tỉnh nọ sang tỉnh kia là phải quản lý thật chặc chẽ, không buông lỏng như trước. Ngay trong tỉnh, nếu tỉnh nào bị nhiễm ít thì khoanh vùng dập dịch luôn, không thể để người dân sử dụng giống nhiễm bệnh trong một diện tích nhỏ. Tới đây, ngành NN sẽ có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn..” (Thứ trưởng Lê Quốc Doanh).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,256,197
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây