Tình hình khí tượng thủy văn vốn được xem là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất là rất quan trọng, bởi đây chính là một trong những nhân tố mang tính quyết định đến hiệu quả cuối cùng của quá trình sản xuất.
Trong những năm qua Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh triển khai các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng nấm Metarhizium anisopliae phòng trừ rầy nâu, phóng thích thiên địch bọ xít hoa gai vai nhọn Eocanthecona furcellata, mô hình sản xuất cà tím giống mới theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập đồng thời an toàn sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Trong đó nhân nuôi và phóng thích thiên địch được xem là bước tiến mới, không chỉ giúp bà con từng bước thay đổi tập quán sử dụng thuốc trừ sâu mà còn hướng đến quy trình sản xuất an toàn, tạo ra những nông sản có chất lượng cao.
Để bảo vệ cây trồng chống lại dịch hại, con người đã phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau trong đó biện pháp hóa học được xem có hiệu quả nhanh dễ sử dụng và trong nhiều thập kỷ qua được coi là biện pháp chủ lực. Tuy nhiên việc sử dụng biện pháp hóa học đem lại nhiều hệ quả như ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người. Do đó để giảm thiểu sự gây hại của sâu hại đồng thời lập lại cân bằng sinh thái thì biện pháp sinh học là biện pháp lâu dài nhằm tạo sự cân bằng sinh thái.
Bọ xít hoa gai vai nhọn (Eocanthecona furcellata) phân bố ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Philipin, Trung Quốc… Ở Việt Nam loài này ghi nhận có mặt trên nhiều cây trồng khác nhau như cây thực phẩm (rau cải, dưa leo, đậu), cây công nghiệp (bông, đay, lạc, đậu.) hay trên cây ăn quả (vải thiều, nhãn, cây có múi).
Bọ xít hoa gai vai nhọn là loại côn trùng đa thực, cả ấu trùng và trưởng thành đều là loài rất phàm ăn. Thức ăn của chúng thường là các loài sâu hại nguy hiểm cho cây trồng như: sâu đo xanh (Anomis flava), sâu khoang (Spodoptera litura), sâu xanh (Heliothis armigera), sâu đục quả đậu (Maruca testulalis), sâu xanh đầu bé (Plusia chalcites), sâu cắn gié (Leucania separata)….
Thời gian từ khi trưởng thành đến giao phối lần đầu của bọ xít hoa thường từ 2 -10 ngày. Sau khi giao phối trưởng thành bắt đầu đẻ từ ngày thứ 3, có những cá thể chỉ bắt đầu đẻ vào ngày thứ 6,7 trở đi. Tùy thuộc vào điều kiện nuôi mà mỗi cá thể có thể đẻ được 1-9 ổ trứng. Số trứng của mỗi ổ có từ 15 –130 quả. Số trứng đẻ của một cá thể trưởng thành cái thường dao động từ 130 – 200 trứng, cá biệt có con đẻ tới 350 -360 trứng trong suốt thời gian sống của mình. Trưởng thành đực sống ít hơn trưởng thành cái 1-5 ngày. Tùy thuộc vào mùa cá thể cái có thể sống từ 21 – 55 ngày.
Ấu trùng Eocanthecona furcellata có 5 tuổi. Tuổi bé từ 1 – 3 chúng thường tụ tập sống quần tụ bên nhau, từ tuổi 4 trở đi chúng tách lẻ đi kiếm ăn. Sự khác biệt về thời gian phát triển giữa các tuổi từ 1-3 không nhiều. Vào các tháng 6,7,8,9 thời gian phát triển trung bình của giai đoạn ấu trùng là ngắn nhất từ 10 đến 14,1 ngày. Thời gian phát triển kéo dài nhất vào tháng 2 đạt 28,5 ngày.
Eocanthecona furcellata thích nghi và phát triển thuận lợi vào các tháng mùa xuân, hè và thu. Vào các tháng này chỉ số sinh học của chúng đều đạt rất cao.
Vòng đời của Eocanthecona furcellata từ 22 đến 61 ngày. Thời gian hoàn thành một vòng đời trong các tháng 5 – 9 kéo dài từ nửa tháng đến một tháng. Thời gian để hoàn thành một vòng đời lâu nhất là các tháng mùa đông. Thời gian đó kéo dài khoảng 61 ngày.
Nhân nuôi và phóng thích thiên địch tuy có tác dụng lâu dài và an toàn nhưng đây vẫn là phương pháp quá mới với người nông dân bởi thói quen phun thuốc trừ sâu đã ăn sâu trong suy nghĩ, khó có thể loại trừ ngay được. GS.Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng đây không phải là phương pháp thay thế mà nên sử dụng phối hợp với các biện pháp khác như phun các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thảo mộc, độc dược không cao hoặc trồng xen những loại cây có tác dụng xua đuổi côn trùng.
Mặc dù đây mới là bước thử nghiệm ban đầu nhưng với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện nay thì phương pháp này hoàn toàn có thể áp dụng trên diện rộng. Tuy nhiên, để các loài thiên địch có thể tồn tại được thì trước mắt hướng dẫn nông dân thay đổi dần thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật./.
Hình 1: Ấu trùng và thành trùng bọ xít hoa |
Hình 2: Phóng thích bọ xít hoa trên ruộng khổ qua |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn