Hội nghị quốc tế về “Chống biến đổi khí hậu toàn cầu” tổ chức vào tháng 12 năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch) đã chỉ ra nhiều nguyên nhân làm cho trái đất nóng lên, trong đó có nguyên nhân do nạn đốt phá rừng bừa bãi. Hội nghị cũng đã nêu ra những giải pháp khắc phục, trong đó kêu gọi thế giới “đồng lòng chung sức trồng cây, gây rừng”. Họ đâu biết được 50 năm trước đã có một người Việt Nam tiên đoán hậu quả do chính con người gây ra. Và với nhãn quan thiên tài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào trồng cây.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây gây rừng để góp phần “đấu tranh với những tai họa của thiên nhiên” không chỉ có từ năm 1959, mà đã có từ trước đó: năm 1947. Với bút danh Tân Sinh, ngày 20 tháng 3 năm 1947 Bác Hồ viết xong tác phẩm Đời sống mới, trong tác phẩm này Người đã đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường. Bác Hồ đã chỉ ra các biện pháp cụ thể để tạo ra một môi trường trong sạch.
Ngày 23 tháng 5 năm 1958 tại Đại hội Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu quan trọng, trong đó nổi bật lên là mấy câu thơ:
Núi trọc như đầu bình vôi
Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng
Hàng năm hạn hán tan hoang
Người người đói rách, làng làng xác xơ
Núi trọc vì không có rừng, do không trồng rừng hoặc rừng bị phá, dẫn đến hậu quả sông không có nước, hạn hán tang hoang, người người đói rách, làng làng xác xơ. Một ý nghĩa sâu sắc: muốn no ấm thì phải trồng rừng, trồng thật nhiều rừng!
Ngày 30 tháng 5 năm 1959 Bác có viết bài báo “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, có mấy câu thơ:
Muốn làm nhà cửa tốt
Phải ra sức trồng cây
Chúng ta chuẩn bị từ này
Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà
Có thể hiểu rằng: muốn làm việc gì lớn thì phải chuẩn bị kỹ càng từ rất sớm; về ý nghĩa trực tiếp cho thấy Bác có tầm nhìn xa rộng, một sự quan tâm thiết thực, cụ thể đối với cuộc sống của người nông dân.
Để tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, ngày 28 tháng 11 năm 1959 Bác Hồ phát động “Một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”, đó là “TẾT TRỒNG CÂY”. Người kêu gọi: “Tất cả nhân dân miền Bắc, mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt”; “Như vậy mỗi Tết trồng cây trồng được độ 15 triệu cây, đến cuối năm 1965 chúng ta sẽ có 90 triệu cây vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong vòng 10 năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. (1)
Ngày 21 tháng 10 năm 1964, Bác Hồ đến thăm thầy trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bác ân cần dặn: “Lần trước Bác đến thăm trường, Bác có nói hai điểm: một là vệ sinh, hai là trồng cây. Về vệ sinh ở đây còn kém! Về trồng cây, Bác bảo nên trồng cây nhiều. Nhưng hiện nay cây trồng rất ít. Do là vì các cô, các chú tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt; ở trường này, cả thầy và trò có gần bốn nghìn rưởi người, nếu mỗi năm một người trồng một cây là được gần 5.000 cây, hai năm sẽ được gần một vạn cây. Nhưng trồng cây nào thì phải chăm bón cho tốt cây đó, như thế, hơn là tham trồng nhiều mà kết quả ít. Các cô, các chú và các cháu phải làm cho vườn của trường thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp”.
Một vị Chủ tịch Nước với biết bao công việc hệ trọng và cấp bách mà vẫn chú ý đến những việc nhỏ mà thiết thực của người dân càng cho thấy sự bình thường mà vĩ đại của Người. Ai cũng nhớ câu thơ nổi tiếng của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đối với Bác, trồng cây không chỉ là lợi ích trước mắt mà còn là mùa Xuân:
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Ý nghĩa của việc trồng cây do Bác Hồ phát động năm 1959 nay đã trở thành khẩu hiệu hành động của toàn nhân loại.
(1) “Tết trồng cây”: Bài của Bác Hồ, ký tên Trần Lực in trên báo Nhân dân, số 2082, ngày 28 tháng 11 năm 1959
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn