Quản lý sinh vật hại chủ yếu trên cây hoa cúc

Chủ nhật - 24/11/2024 21:08
Hoa cúc (Chrysanthenum sp.) thuộc họ cúc (Asteraceae), là loài hoa phổ biến và được ưa chuộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Việt Nam và các nước Châu Á. Với sự đa dạng về chủng loại và màu sắc, hoa cúc không chỉ làm đẹp không gian sống mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Hoa cúc thường gắn liền với các dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Nguyên Đán, tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc và may mắn.
Trong quá trình canh tác hoa cúc, việc kiểm soát sinh vật gây hại là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của cây và chất lượng hoa. Một số sinh vật gây hại phổ biến mà người trồng hoa cúc cần lưu ý như sau:
1. Bọ trĩ (thuộc họ Thripidae nhưng gây hại phổ biến nhất là loài Microcephalothrips abdominalis): Gây hại chủ yếu trên lá non, chồi non và hoa, từ giai đoạn búp đến hoa nở làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thành phẩm của hoa.
Phòng trừ:
+ Sử dụng bẫy màu vàng để phát hiện sớm bọ trĩ, sử dụng 2 bẫy/1000 m2. Ngoài ra có thể phát hiện bằng cách đập nhẹ chồi non trên tờ giấy trắng.
+ Khi mật số bọ trĩ cao, có khả năng gây hại đến giá trị thành phẩm của hoa, thì cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ. Sử dụng thuốc 3 đợt liên tiếp, mỗi đợt cách nhau 5 ngày. Hiện nay, có thể sử dụng các loại thuốc hoạt chất như Abamectin, Imidacloprid, Pyridaben, Fenobucarb, Spinosad, Beauveria bassiana…Luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh kháng thuốc.
2. Sâu ăn tạp (Spodoptera litura):  Sâu gây hại cả trên lá và trên hoa. Sâu mới nở sống tập trung và ăn phần biểu bì dưới mặt lá, làm cho lá mỏng đi thành từng mảng rất đặc trưng. Ở giai đoạn tuổi lớn, sâu gây hại cả trên nụ và hoa. Sâu ăn rất mạnh, khi mật số cao có thể ăn trụi cả lá.
Phòng trừ:
+ Vệ sinh vườn trước và sau khi trồng.
+ Nếu trồng cây trực tiếp ngoài đất thì trước khi trồng nên cày ải phơi đất, cho nước vào vườn để diệt nhộng trong đất.
+ Sâu ăn tạp dễ nhìn thấy bằng mắt thường, khi mật số thấp nên tìm diệt ổ trứng và sâu non bằng tay.
+ Khi mật số sâu cao, sử dụng các thuốc ít độc thuộc các nhóm abamectin hoặc thuốc sinh học (thuốc BT, NPV).
3. Nhện đỏ hai chấm (Tetranychus urticae): Gây hại trên lá và hoa. Nhện tập trung chích hút nhựa tại các chóp lá, làm lá bị khô đen. Trên hoa, nhện tập trung ở mặt trong của các cánh hoa, gây ra nhiều vết chích nhỏ màu nâu rất điển hình. Gây hại rất quan trọng đến giá trị thành phẩm của cây.
Phòng trừ:
+ Vệ sinh vườn trước khi trồng.
+ Phát hiện sớm sự gây hại của nhện. Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ, do đó cần thường xuyên thăm vườn và quan sát kỹ để phát hiện chúng. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật số nhện cao, có thể sử dụng các loại thuốc hoạt chất như Abamectin, Hexythiazox, Propargite, Pyridaben hoặc một số thuốc điều hòa sinh trưởng và dầu khoáng phun ướt trên các bộ phận của cây bị nhiễm. Nên phun thuốc ở mặt dưới lá.
+ Tuy nhiên, nhện đỏ dễ phòng bằng cách thường xuyên tưới đủ nước cho cây trong mùa nắng để tránh cho cây bị khô hạn.
4. Rầy mềm đen (Macrosiphoniella sanborni): Gây hại nhiều giai đoạn của cây, từ giai đoạn cây con đến lúc thu hoạch. Cả thành trùng và ấu trùng đều tập trung chích hút trên đọt non, lá non và cả trên đài hoa, nụ hoa. Rầy mềm còn là tác nhân truyền bệnh khảm lá cho cây hoa cúc.
Phòng trừ:
+ Vệ sinh vườn, loại bỏ các loại cỏ, tồn dư thực vật.
+ Thường xuyên điều tra vườn, phát hiện sớm sự gây hại của rầy mềm. Chủ yếu quan sát các bộ phân non của cây như chồi non, lá non, nụ, hoa mới nở.
+ Bón phân cân đối, không bón nhiều phân đạm.
+ Khi mật số rầy cao, phun nước lên chồi, cây và tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật. Có thể sử dụng các loại thuốc hoạt chất như Spinetoram, Cyromazine, Thiamethoxam. Luân phiên các loại thuốc khác nhau.
5. Rệp sáp (Phenacoccus solenopsis): Rệp chích hút trên đọt non và các lá gần đọt làm lá bị quăn queo, biến dạng, sinh trưởng và phát triển bất thường. Ngay tại nơi rệp sáp gây hại thường có sự gây hại của nấm bồ hóng làm đen kín cả lá, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và quang hợp của cây.
Phòng trừ:
- Để phòng trừ rệp sáp cần áp dụng các biện pháp tổng hợp như vệ sinh vườn, loại bỏ các cây bị nhiễm nặng, bảo tồn các loài thiên địch trên vườn.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật số rệp sáp cao, có thể sử dụng các loại thuốc hoạt chất như Chlorpyrifos Methyl, Quinalphos,…
6. Bệnh phấn trắng: Nguyên nhân do nấm Oidium chrysanthemi gây ra, bệnh thường xuất hiện trên lá ở giai đoạn cây con khi ẩm độ cao vào ban đêm và nhiệt độ cao vào ban ngày, bệnh xuất hiện gây hại cả 2 mặt trên dưới của lá, lá bị phủ lớp nấm mịn màu trắng giống như bụi phấn. Bệnh nặng làm cho toàn bộ lá của cây bị phủ phấn màu trắng, lá không quang hợp được, làm cho cây không phát triển.
 - Phòng trừ:
+ Bệnh tương đối khó trị, cần phải sử dụng giống kháng bệnh hoặc cây con sạch bệnh
+ Thường xuyên vệ sinh vườn sau mỗi vụ
+ Khi bệnh xuất hiện cần cắt bỏ lá bị bệnh và tiêu hủy ngay, sau đó phun thuốc bảo vệ thực vật hoạt chất Hexaconazole, Triforine, Triflumizole,…
7. Bệnh đốm lá: Nguyên nhân do nấm Cercospora sp. gây ra, vết bệnh ban đầu là những chấm tròn rất nhỏ, sau đó phát triển rộng ra, thường có vân đồng tâm rõ nét, tâm vết bệnh có màu xám trắng, xung quanh vết bệnh thường có viền dầy màu nâu sậm. Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh đốm lá.
- Phòng trừ:
+ Bệnh tương đối khó trị, cần phải sử dụng giống kháng bệnh hoặc cây con sạch bệnh
+ Sử dụng phân hữu cơ, không bón nhiều phân đạm
+ Mật độ trồng thích hợp, thông thoáng, không tưới nước quá nhiều làm đọng nước trên bề mặt lá
+ Thường xuyên vệ sinh vườn, tiêu hủy lá bệnh sau mỗi vụ
+ Khi cây mới bệnh, với mật số cao, nên cách ly cây bệnh, ngưng bón phân, không tưới nước lên lá và có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật hoạt chất Mancozeb, Copper Hydroxide, Copper sulfate, Propiconazole, Chlorothalonil,… để xử lý.
 8. Bệnh thán thư: là một bệnh quan trọng và phổ biến trên hoa cúc, bệnh hại chủ yếu trên lá nguyên nhân do nấm Colletotrichum spp. gây ra. Vết bệnh thường có hình trong, gần tròn hoặc bất định, thường bắt đầu từ 2 bên mép lá, sau đó lan rộng vào trong phiến lá, khi vết bệnh phát triển rộng, xuất hiện các đường vân đồng tâm. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện bón nhiều phân đạm và ẩm độ cao, khi thời tiết ẩm ướt, vết bệnh thường phát triển to và nhũn nước.
- Phòng trừ:
+ Cần phải sử dụng giống kháng bệnh hoặc cây con sạch bệnh
+ Tránh bón thừa phân đạm, không tưới nước quá nhiều làm đọng nước trên bề mặt lá
+ Thường xuyên cắt tỉa cành để tạo sự thông thoáng cho cây, vệ sinh vườn và thu gom tiêu hủy ngay các lá bệnh.
+ Khi cây mới bệnh, ngưng bón phân, hạn chế tưới nước, cách ly cây bệnh và có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật hoạt chất Tricyclazole, Carpropamid, Azoxystrobin, Difenoconazole, Propiconazole,…
9. Bệnh héo xanh: nguyên nhân do vi khuẩn Ralstonia solanacearum, vi khuẩn sống trong đất và lây lan qua nước. Héo xanh là một bệnh gây hại quan trọng và phổ biến trên hoa cúc, bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn cây đang tăng trưởng cho đến khi ra hoa. Khi bị bệnh các lá non thường bị héo trước vào buổi trưa và tươi lại vào buổi chiều tối. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với cây bị thiếu nước. Triệu chứng héo và chết cả cây thể hiện nhanh sau 1-2 ngày, nhưng lá vẫn còn xanh, xuất hiện nhiều sọc nâu trên thân sát mặt đất, khi chẻ dọc thân cây và cho vào nước trong, vi khuẩn sẽ tuôn ra từ mạch dẫn và làm cho nước trở nên đục.
- Phòng trừ:
+ Bệnh rất khó trị, chủ yếu là phòng bệnh.
+ Biện pháp hữu hiệu là sử dụng giống kháng bệnh, luân canh cây trồng
+ Nguồn nước tưới và giá thể trồng phải sạch bệnh, khi chăm sóc tránh tạo vết thương cho cây.
+ Khi phát hiện bệnh, cách ly cây bệnh hoặc tiêu hủy ngay để tránh lây lan và có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị vi khuẩn như hoạt chất Streptomycin, Kasugamycin,…
Lưu ý: Mỗi biện pháp phòng trừ sinh vật hại đều có vai trò nhất định trong việc kiểm soát sinh vật hại. Tuy nhiên, khi áp dụng riêng lẻ, hiệu quả thường không tối ưu và có thể gây tác động tiêu cực, như làm suy thoái đất, kháng thuốc hoặc phá vỡ cân bằng sinh thái. Chính vì vậy, việc tích hợp các biện pháp riêng lẻ thành một hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là giải pháp toàn diện và bền vững, vừa đảm bảo hiệu quả kiểm soát, vừa giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
hoacuc1
 
hoacuc2

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,217,720
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây