Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh
Quy trình Quản lý tổng hợp bệnh héo vàng lá chuối
Thứ năm - 18/03/2021 02:29
Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành Quy trình Quản lý tổng hợp bệnh héo vàng lá chuối theo Công văn số 424/BVTV-TV ngày 09 tháng 3 năm 2021 về việc ban hành quy trình phòng, chống bệnh héo vàng lá chuối. Trên thế giới, bệnh héo vàng lá chuối đã gây thiệt hại nặng trên các giống chuối thuộc nhóm Cavendish (chuối tiêu) ở châu Á, bệnh có xu hướng lây lan nhanh chóng tại một số nước châu Phi, Trung Đông và Trung Mỹ; các quốc gia trồng chuối ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, … đều đã ghi nhận bệnh gây hại. Đáng chú ý là bệnh đang gây thiệt hại nặng trên chuối tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, … của Trung Quốc, rất gần khu vực biên giới và nằm ở vùng thượng nguồn của các con sông chảy vào Việt Nam. Trung Quốc cũng là quốc gia có quan hệ xuất nhập khẩu giống chuối và chuối thương phẩm với Việt Nam nên nguy cơ bệnh lây lan nhanh, gây hại nặng trên diện rộng là rất lớn. Ở Việt Nam, bệnh héo vàng lá chuối (bệnh chết héo chuối, bệnh héo Panama) do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense gây ra. Chủng 1 của nấm gây bệnh gây hại trên chuối tây (chuối sứ, chuối xiêm) ở khắp các vùng trồng chuối trong cả nước nhưng mức độ hại nhẹ; trong khi đó Chủng 4 lại gây hại trên nhóm chuối tiêu như tiêu già, tiêu hồng và các giống chuối mẫn cảm với Chủng 1. Qua các đợt kiểm tra, lấy mẫu giám định của Cục Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu Rau quả cho thấy Chủng 4 của nấm gây bệnh héo vàng chuối đã xuất hiện và gây hại nhiều tỉnh trồng chuối, gây hại nặng cục bộ ở Hưng Yên, Hà Nội, Lào Cai, Lai Châu, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, … Để chủ động phòng chống bệnh héo vàng lá chuối, trên cơ sở kết quả dự án điều tra bệnh héo vàng lá chuối do FAO hỗ trợ, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện bảo vệ thực vật bổ sung, xây dựng và ban hành Quy trình Quản lý tổng hợp bệnh héo vàng lá chuối do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense gây ra (áp dụng cho các Chủng nấm bệnh) để các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống bệnh hiệu quả, an toàn góp phần thúc đẩy sản xuất chuối bền vững./. (Đính kèm Quy trình Quản lý tổng hợp bệnh héo vàng lá chuối)