Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh
Tập huấn lĩnh vực bảo vệ thực vật cho cán bộ kỹ thuật năm 2021
Thứ năm - 04/11/2021 22:32
Ngày 02 tháng 11 năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ tổ chức tập huấn lĩnh vực bảo vệ thực vật cho cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục với chuyên đề về “Quản lý sinh vật hại trên cây lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Với sự tham của lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục tham gia tập huấn. Tập huấn nhằm bổ sung kiến thức bảo vệ thực vật cho cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về công tác quản lý sinh vật hại trên cây lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể nhất là tình hình sâu ăn lá gây hại trên cây sao, dầu trong thời gian vừa qua. Qua thời gian tập huấn, báo cáo viên đã giới thiệu về sâu ăn lá (Antheraea frithi Moore), cũng như đặc điểm hình thái và tập tính gây hại của sâu ăn lá, hướng dẫn đánh giá mức độ hại, dự tính dự báo tình hình sâu hại cây lâm nghiệp, nguyên tắc và các biện pháp phòng trừ sâu hại. Qua đó, cán bộ kỹ thuật có thể áp dụng vào thực tế trong công tác quản lý cũng như công tác phòng trừ sâu ăn lá hiện nay. Sâu ăn lá có tên khoa học là Antheraea frithi Moore, gây hại chủ yếu trên cây dầu rái (Dipterocarpus alatus) và Sao đen (Hopea odorata) được trồng trên một số tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… Sâu ăn lá gây hại tập trung theo từng cụm với tỷ lệ gây hại từ 82,2 – 97%. Vòng đời sâu ăn lá (Antheraea frithi Moore) từ 51 - 94 ngày gồm 4 giai đoạn: trưởng thành (3 – 9 ngày), trứng (3 – 8 ngày), sâu non (26 – 37 ngày), nhộng (19- 40 ngày). Sâu non mới nở thường ăn lá non, bắt đầu từ tuổi ăn thì ăn cả lá bánh tẻ và lá già, chúng ăn từ mép lá vào, ăn hết phiến lá. Những cây bị hại nặng có thể có từ 500 – 600 sâu non trên mỗi cây. Một số nguyên tắc phòng trừ sâu hại: phòng là chính, trừ kịp thời, toàn diện và tổng hợp, thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng cân bằng sinh thái; thay đổi tính đa dạng loài; cải thiện môi trường sinh thái để ức chế kìm hãm sự phát triển của sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật có ích và nâng cao sức đề kháng của cây. Hình ảnh tập huấn