Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh
Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 830: 2022/BVTV Khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái
Thứ năm - 30/03/2023 04:40
Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 830: 2022/BVTV về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicles – UAV/Drone) là văn bản đầu tiên hướng dẫn đăng ký và triển khai việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ thực vật.Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 830: 2022/BVTV là cơ sở pháp lý chính thức cho việc đăng ký các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên thiết bị bay không người lái. Tiêu chuẩn này quy định nguyên tắc, nội dung, phương pháp để đánh giá hiệu lực sinh học, xác định thời gian cách ly của các thuốc bảo vệ thực vật được phun, rải bằng thiết bị UAV trên đồng ruộng và các yêu cầu cơ bản về an toàn vận hành thiết bị UAV. Tiêu chuẩn áp dụng cho thiết bị UAV dùng mục đích phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Đồng thời, tiêu chuẩn nêu rõ yêu cầu an toàn khi sử dụng thiết bị UAV phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; yêu cầu về sinh vật gây hại và cây trồng, điều kiện khảo nghiệm; yêu cầu với UAV, thiết bị, dụng cụ khảo nghiệm và các lưu ý khi tiến hành xử lý thuốc bảo vệ thực vật bằng UAV. Trong bố trí khảo nghiệm, tiêu chuẩn cơ sở thể hiện rõ 03 nhóm công thức khảo nghiệm đánh giá hiệu lực sinh học (Bio-efficacy trials) và 02 nhóm công thức khảo nghiệm xác định thời gian cách ly (Pre-harvest interval - PHI); diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại; quy trình tiến hành xử lý thuốc gồm liều lượng thuốc và lượng nước thuốc sử dụng; thời điểm và số lần xử lý thuốc. Đồng thời, tiêu chuẩn nêu rõ các chỉ tiêu theo dõi của thuốc khảo nghiệm gồm chỉ tiêu theo dõi; phương pháp điều tra, lấy mẫu; thời điểm và số lần điều tra, lấy mẫu; tính toán kết quả hiệu lực của thuốc, căn cứ xác định thời gian cách ly; xử lý số liệu khảo nghiệm hiệu lực sinh học; đánh giá tác động của thuốc đến cây trồng; quan sát và ghi chép về thời tiết; báo cáo kết quả khảo nghiệm. Trong giai đoạn 2016 – 2017, tại Trung Quốc số lượng thiết bị bay không người lái sử dụng trong nông nghiệp ước tính là khoảng 13.000 thiết bị bay, năm 2021 là 160.000 thiết bị với tổng diện tích ứng dụng ước tính là gần 87 triệu ha (Cục Bảo vệ thực vật, 2022). Trong ngành nông nghiệp hiện nay, ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật đã trở nên phổ biến bởi những ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm chi phí công lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, công suất cao, bảo vệ sức khỏe cho người dân khi hạn chế tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật. Việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở này là cơ sở quan trọng cho các doanh nghiệp áp dụng trong việc đăng ký sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai. Đồng thời, tạo tiền đề cho việc mở rộng và áp dụng rộng rãi công nghệ phun mới tại Việt Nam, nâng cao mức độ hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và chất lượng nông sản.