Bảo vệ thực vật trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH)

Chủ nhật - 15/11/2020 19:24
Kỳ 2: Ảnh hưởng của BĐKH đối với nông nghiệp-Trồng trọt
Tóm tắt kỳ 1: 
Theo kết luận của một dự án do Đại sứ quán Đan Mạch ở Việt Nam tài trợ,
mực nước biển dâng cao theo như dự tính do trái đất ấm lên có thể gây ra những hậu quả thảm hại đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân tại những vùng bị ngập lụt và có thể có những tác động sau đây: (*)

  - Gia tăng bão lụt tại các khu vực gần bờ hoặc các khu vực đảo.
  - Mất đất canh tác màu mỡ.
  - Diện tích bị nước mặn hoặc nước lợ xâm nhập tăng.
  - Mất đi tính đa dạng của hệ động và thực vật tại Việt Nam.
  - Các hệ sinh thái quan trọng biến mất do nước biển dâng cao.
Dưới đây là những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu đến
nông nghiệp Việt Nam:

1. Lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp: Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.
2. Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp: Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 khu vực này thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.
3. Nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất: Cụ thể là năng suất lúa của vụ Xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ Mùa; năng suất ngô vụ Đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ.
4. Ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản: Việt Nam hiện có khoảng 480.000 người trực tiếp tham gia vào đánh bắt hải sản; 100.000 người làm việc ở ngành chế biến thủy sản và khoảng 2.140.000 người tham gia vào các dịch vụ nghề cá. Đánh bắt và nuôi trồng là những sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đối khí hậu.
5. Đối với tài nguyên rừng và hệ sinh thái: Thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng: (i) Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở ĐBSCL; (ii) Nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng; (iii) Do biến đổi khí hậu, hàng năm Việt Nam mất đi một diện tích tương đối lớn do cháy rừng, sâu bệnh và mức độ cháy ở các giai đoạn có khác nhau…
Hiện tượng El Nino và La Nina ảnh hưởng mạnh đến nước ta trong vài thập kỷ gần đây, gây ra nhiều đợt nắng nóng, rét đậm rét hại kéo dài có tính kỷ lục.
Tác động của biến đổi khí hậu đến mô hình sản xuất nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện qua các khía cạnh sau:
- Phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị ngập lụt, bị xâm nhập mặn dẫn đến sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp.
- Cây trồng, vật nuôi phát triển theomô hình nông nghiệp đô thị bị ảnh hưởng.
- Rừng bị ảnh hưởng
Ngoài ra, các nguồn nước kênh bị ô nhiễm tràn vào đất nông nghiệp và các diện tích công cộng khi ngập cực đoan có thể tạo ra mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.
* (Nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng cho thấy lĩnh vực nông nghiệp của thành phố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gia tăng phạm vi, độ sâu và thời gian ngập đối với ngập thường xuyên, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra. Nghiên cứu cũng khuyến cáo, nếu không có các biện pháp kiểm soát ngập, gần 60% diện tích nông nghiệp sẽ có thể bị ảnh hưởng).
Bên cạnh đó, trong các điều kiện hạn hán được dự báo đến năm 2050, vùng ảnh hưởng mặn sẽ lan đến huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè nên có thể ảnh hưởng các cánh đồng nông nghiệp, rừng sản xuất và khu bảo tồn những huyện này.
Giải pháp ứng phó
  1. Đối với ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Hiện Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số… theo khung chương trình “HÀNH ĐỘNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2008-2020”.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2730/QĐ-BNN-KHCN ngày 05 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bao gồm các chương trình chính sau:
a) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch giải pháp đảm bảo dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long, miềnTrung, đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc sống ổn định, an toàn trong điều kiện nhiệt độ tăng và nước biển dâng.
b) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch giải pháp đảm bảo diện tích lúa hai vụ là 3,8 triệu ha nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
c) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch tổng thể thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
d) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch phòng, chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, đồng bằng sông Cửu Long, các sông thuộc khu vực miền Trung từ Thanh Hoá đến Khánh Hoà, khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu.
e) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đê biển và ven biển.
g) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở đồng muối, phòng chống giảm nhẹ thiên tai v.v… theo hướng tăng cường thích ứng với BĐKH, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề nhiệt độ tăng và nước biển dâng.
h) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch các vùng sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
i) Chương trình nghiên cứu và quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ, hải sản thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về lâu dài, khi mà BÐKH sẽ khiến các vùng đất bị hoang mạc hóa hay ngập lụt thì phải bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BÐKH. Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu, che phủ bằng thảm thực vật…
Ðối với nhóm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng hệ số phát thải quốc gia cho lúa và cây trồng cạn phục vụ nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính… Bên cạnh nghiên cứu và triển khai các mô hình trình diễn ứng dụng các kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp để giảm tác động của BÐKH cho năm loại cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, lạc, mía) tại ba vùng: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng và Duyên hải miền Trung. Các mô hình này thành công sẽ tạo hướng đi mới trong canh tác, góp phần bảo vệ đất, ổn định năng suất, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho nông dân…
Trồng rừng và quản lý rừng bền vững là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính vì các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hấp thu khí CO2 phát thải, để tạo thành chất hữu cơ. Trồng rừng ngập mặn được xác định là rất hữu ích trong việc chống lại nước biển dâng cao và sức tấn công của mưa bão.
2.  Bảo vệ thực vật trong điều kiện BĐKH
a)  Cục Bảo vệ thực vật đã có Công văn số 315/BVTV-TV ngày 3 tháng 3 năm 2017 của Cục Bảo vệ thực vật về tăng cường công tác BVTV trong điều kiện BĐKH chỉ đạo các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh thành thực hiện các giải pháp sau:
-Tham mưu chuyển đổi cây trồng thích ứng BĐKH.
-Đào tạo cán bộ kỹ thuật nâng cao năng lực điều tra dự báo sinh vật hại.
-Theo dõi tình hình thời tiết, thông tin kịp thời hướng dẫn phòng trị và đối phó thời tiết bất lợi.
-Tăng cường tuyên truyền tập huấn về IPM, ICM cho nông dân phù hợp tình hình BĐKH.
-Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo.
b)  Về phía Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh đã có Kế hoạch ứng phó BĐKH năm 2020 gồm các giải pháp như sau:
(Kế hoạch số140/KH-CCTTBVTV ngày 19 tháng 02 năm 2020 của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020).
- Phát triển, nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nông dân về biến đổi khí hậu.
- Tham mưu xây dựng các nhóm giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thường xuyên theo dõi, điều tra nắm bắt tình hình sinh vật hại, cập nhập thông tin dự báo khí tượng thủy văn của các cơ quan chuyên môn.
- Thông tin kịp thời đến nông dân và tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn biện pháp phòng trừ sinh vật hại. Khuyến cáo người dân thực hiện quản lý cây trồng tổng hợp, sử dụng các giống cây trồng mới có khả năng thích nghi BĐKH.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

* (IPM Quản lý dịch hại tổng hợp, ICM Quản lý cây trồng tổng hợp)
IPM: 4 nguyên tắc cơ bản của IPM.
1. Trồng cây khỏe:
2. Bảo vệ thiên địch:
3. Thường xuyên thăm đồng hàng tuần:
4. Nông dân trở thành chuyên gia:
Chú ý: IPM chuyển giao cho nông dân các kỹ năng, phương pháp để giải quyết những khó khăn, tự đưa ra những quyết định đúng đắn cho ruộng vườn của mình.
ICM: 5 biện pháp cơ bản trong ICM
1.  Giống và biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp giống
2.  Quản lý nước
3.  Quản lý dinh dưỡng
4.  Biện pháp sinh học, điều hòa hệ sinh thái cây trồng, hệ sinh thái bảo vệ cây trồng.
5.  Biện pháp hoá học hợp lý, an toàn môi trường và sản phẩm).
Nguyễn Văn Đức Tiến

Tình trạng khô hạn do biến đổi khí hậu cực đoan


Sâu keo mùa thu trên bắp là đối tượng phát sinh từ BĐKH
(Fall Armyworm viết tắt là FAW, tên khoa học: Spodoptera frugiperda)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,048,455
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây